Báo Công An Đà Nẵng

Khó thu hồi nợ đối với Cty vàng Bồng Miêu

Thứ sáu, 30/11/2018 10:46

Hơn 20 năm khai thác vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu, Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (Cty vàng Bồng Miêu) đã lấy đi từ thiên nhiên hàng chục tấn vàng nhưng nợ thuế và các khoản khác lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Ngày 28-11, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở hội nghị chủ nợ đối với Cty vàng Bồng Miêu. Tại hội nghị, đa số các chủ nợ biểu quyết tuyên bố phá sản đối với Cty. Qua hội nghị này khiến người dân bức xúc trước việc một Cty mỗi năm khai thác hàng tấn vàng nhưng để nợ lên đến ngàn tỷ đồng. Trong đó nợ thuế nhà nước hơn 116 tỷ đồng. Như vậy, trong câu chuyện này, trách nhiệm kiểm soát, quản lý, thu hồi nợ thuộc về tổ chức, cá nhân nào?

Mỏ vàng Bồng Miêu nhìn từ trên cao. 

Khai thác hàng tấn vàng mỗi năm nhưng vẫn nợ

Cty vàng Bồng Miêu (đóng tại xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh) được cấp phép đầu tư tháng 7-1992 và sửa đổi qua từng thời kỳ. Hiện vốn điều lệ của Cty hơn 45 tỷ đồng, phía nước ngoài chiếm 85%. Mỏ vàng Bồng Miêu có công suất 500 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 88%. Theo Tập đoàn Besra (chủ đầu tư của Cty vàng Bồng Miêu), thời điểm trước năm 2014 tại mỏ vàng Bồng Miêu Cty sản xuất đạt trung bình từ 60 đến 70.000 ounce (1 ounce khoảng 0,83 lượng vàng). Sau thời điểm trên, Cty có những dấu hiệu bất minh trong khai thác cũng như chây ì thực hiện các khoản thuế, phí đối với nhà nước.

Đến tháng 3-2016, dù giấy phép hết hiệu lực khai thác, thế nhưng Cty vàng Bồng Miêu vẫn lén lút hoạt động. Trước sự việc này, đến tháng 6-2016 UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn số 2752/UBND-NC gửi Cty vàng Bồng Miêu và các cơ quan chức năng với nội dung yêu cầu Tổng giám đốc Cty vàng Bồng Miêu khẩn trương dừng ngay các hoạt động khai thác vàng; khẩn trương vận chuyển vật liệu nổ ra khỏi khu vực khai thác tập kết về bảo quản tại kho chứa vật liệu nổ theo đúng quy định; xây dựng đề án đóng cửa mỏ, bàn giao khu vực mỏ cho địa phương quản lý theo quy định và có trách nhiệm nộp thuế, các nghĩa vụ tài chính còn nợ cho ngân sách nhà nước...

Sau đó, Cty vàng Bồng Miêu có làm thủ tục xin gia hạn giấy phép. Tuy nhiên, sau khi xem xét các yếu tố, Bộ TN&MT đã quyết định không gia hạn khai thác đối với Cty vàng Bồng Miêu. Theo đó, Bộ TN&MT đã nhiều lần yêu cầu, đôn đốc Cty vàng Bồng Miêu lập đề án đóng cửa mỏ và hồ sơ trình Bộ TN&MT xem xét thẩm định, phê duyệt và hạn cuối cùng thực hiện là ngày 30-6-2017. Tuy nhiên hết thời hạn trên, Cty Vàng Bồng Miêu vẫn không thực hiện theo yêu cầu của Bộ TN&MT. Điều đáng nói, sau khi không được gia hạn giấy phép khai thác, Cty đã có công văn gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rút lực lượng bảo vệ của Cty tại khu vực cửa lò Núi Kẽm, bàn giao cho lực lượng chức năng địa phương đảm bảo ANTT. "Doanh nghiệp chẳng khác nào đá trách nhiệm về cho địa phương. Quan điểm của huyện là chỉ nhận bàn giao về đảm bảo ANTT, không để dân vào khai thác khoáng sản trái phép. Còn cơ sở hạ tầng, tài sản thì Cty phải có trách nhiệm quản lý. Đến nay doanh nghiệp cũng chưa xây dựng phương án đóng cửa mỏ, chưa hoàn thổ tại khu vực Núi Kẽm theo đúng quy định của pháp luật"- ông Nguyễn Phi Thạnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND H. Phú Ninh bức xúc. "Việc Cty vàng Bồng Miêu có văn bản bàn giao khu vực Núi Kẽm cho địa phương quản lý theo Luật Khoáng sản là không đúng quy định. Bởi về nguyên tắc, doanh nghiệp phải đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau đó mới bàn giao cho địa phương"- đại diện sở TN&MT tỉnh Quảng Nam thông tin thêm.

Lực lượng chức năng đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

Khó thu hồi được nợ

Trở lại hội nghị chủ nợ đối với Cty vàng Bồng Miêu, theo báo cáo tài chính đến tháng 11-2017, tổng tài sản của Cty khoảng 302 tỷ đồng, tổng nợ phải trả khoảng 1.265 tỷ đồng, trong đó nợ thuế nhà nước hơn 116 tỷ đồng. Tại hội nghị, các chủ nợ biểu quyết tuyên bố phá sản và đã thông qua nghị quyết với phương án phá sản đối với Cty. Với việc thông qua phương án phá sản, sắp tới, Cty vàng Bồng Miêu sẽ bị thanh lý tài sản để trả cho các chủ nợ. Tuy nhiên, toàn bộ tài sản của Cty là tài sản đặc thù của ngành khai khoáng và là tài sản gắn liền trên đất tại mỏ vàng nên chỉ có giá trị khi tiếp tục phục vụ để khai thác vàng, còn nếu khi thanh lý thì giá trị rất thấp. Nói về việc nợ thuế của Cty vàng Bồng Miêu, ông Lương Đình Đường - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho biết, việc xử lý số nợ thuế của Cty vàng Bồng Miêu đang gặp khó khăn, phức tạp do vướng yếu tố nước ngoài và pháp luật chưa chặt chẽ. Hiện hơn 100 tỷ đồng nợ thuế của Cty rất khó thu hồi. Pháp luật Việt Nam đã quy định là Cty TNHH thì họ tự chịu trách nhiệm trong giới hạn của họ chứ không có dòng tiền nước ngoài nào của Cty mẹ ở nước ngoài chuyển vào Việt Nam để thanh toán số tiền nợ thuế nên chỉ còn cách là làm thủ tục phá sản. "Về nguyên nhân để nợ thuế có nhiều nguyên nhân, do chúng ta yếu kém cũng có, do quản lý lỏng lẻo, do điều chỉnh tăng các mức thuế,... Và các ngành Trung ương cùng với tỉnh bàn về vấn đề này rất nhiều nhưng giải quyết như thế nào đến nay vẫn rất nan giải"- lãnh đạo Cục thuế Quảng Nam cho hay.

Trần Tân

* Trước đây, số công nhân bảo vệ của Cty vàng Bồng Miêu lên đến 170 người, nhưng sau khi Cty ngưng hoạt động, số lượng bảo vệ không còn như trước, lợi dụng tình hình, hàng trăm đối tượng trong và ngoài tỉnh tập trung đến khai thác vàng trái phép tại nhiều khu vực. Theo báo cáo của Đồn CA Tam Lãnh, từ đầu năm 2018 đến nay, Đồn đã tổ chức hơn 150 đợt truy quét, qua đó phát hiện và phá hủy hơn 200 máy nổ, cối xay, 235 lán trại, 341 thùng hóa chất cùng nhiều vật dụng hỗ trợ khác; mật phục, bắt giữ 5 đối tượng vận chuyển 50kg cyanua, 10 kg thuốc nổ và 2.100 kíp nổ vào địa bàn xã Tam Lãnh.