Báo Công An Đà Nẵng

Khó xác định tiêu chí người dân sau giải tỏa đến nơi ở mới tốt hơn

Thứ bảy, 04/03/2023 15:45
Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trên tinh thần đó, buổi tiếp xúc đã ghi nhận hơn 30 ý kiến cử tri, đề cập tới nhiều nội dung trong dự thảo luật, nhất là nội dung đền bù, giải tỏa. Cử tri Lê Nho Mười (Q. Cẩm Lệ) cho rằng rất khó khả thi khi quy định sau khi người dân bị thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn chỗ cũ. Giá đất thị trường thay đổi liên tục, muốn đền bù tiệm cận thị trường thì hàng năm đều phải điều chỉnh áp dụng khung giá đất nhà nước thì mới theo kịp. Cũng theo ông Mười, khi phần đền bù, giải tỏa được tách riêng khỏi dự án đầu tư thì phải quy định thời gian hoàn thành cụ thể, quá thời gian thì hết hiệu lực. Việc này tránh tình trạng phần đền bù, giải tỏa kéo rê nhiều năm, ảnh hưởng cả dự án. Cử tri Trần Đình Vĩnh (Q. Liên Chiểu) cho rằng, quy định việc doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường cho người dân giải tỏa phải cân nhắc kỹ. Bởi vì theo thỏa thuận, người dân đòi hỏi giá đền bù rất cao, doanh nghiệp không đáp ứng được, dự án khó triển khai, quy hoạch bị phá vỡ. Vì vậy, ông Vĩnh cho rằng, nên quy định giá bồi thường, thu hồi đất cho Nhà nước hay cho doanh nghiệp cứ theo giá tiệm cận thị trường là phù hợp nhất.

Cử tri Nguyễn Thị Mai (Q. Sơn Trà) cho biết, trong Luật Đất đai năm 2013 người dân có quyền khởi kiện ở tòa án hoặc sử dụng hình thức thông qua gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến các cấp hành chính. Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện nay chỉ đưa thẩm quyền hoàn toàn về cho tòa án là chưa hợp lý…Trong khi đó, cử tri Nguyễn Văn Quỳnh (Q. Hải Châu) cho biết, hiện nay việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở nhiều nơi còn xảy ra tranh chấp, khiếu kiện phức tạp do chưa hài hòa lợi ích giữa các bên. Vẫn còn kẽ hở để một số quan chức, địa phương lợi dụng “biến” đất công thành đất tư nhân, chuyển nhượng trái pháp luật. Một số phát sinh trong luật đất đai hiện hành chưa có quy định điều chỉnh, do đó cần phải cấp thiết có Luật Đất đai (sửa đổi).

Cử tri Đà Nẵng góp ý tại hội nghị.

Cử tri Chu Thị Tâm (Q. Liên Chiểu) kiến nghị, đối với trường hợp gia đình nhiều thế hệ chung sống, nhà cửa xuống cấp, không đủ điều kiện tách thửa thì luật cần có điều khoản bổ sung nhằm hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (Q. Thanh Khê) góp ý không nên cho thuê đất sản xuất kinh doanh, đất thương mại dịch vụ lần đầu quá lâu, tối đa trong 30 năm. Sau thời gian đó, nếu doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nghiêm túc, đúng pháp luật thì được gia hạn nhiều lần. Điều này sẽ tránh được tình trạng doanh nghiệp đầu cơ đất, khởi công rồi “treo” nhiều năm.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết các kiến nghị của cử tri đều xác đáng, có căn cứ thực tiễn cao, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm lớn. Đơn cử ý kiến sau giải tỏa, thu hồi đất về nơi ở mới phải có mức sống, thu nhập bằng hoặc tốt hơn, điều này từ thực tiễn, hết sức chính đáng. Tiêu chí nào để khẳng định tốt hơn (thế nào là bằng, thế nào là tốt hơn) cần phải cụ thể hóa, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện trên thực tiễn, vì mỗi người sẽ có mỗi cách hiểu,cách tiếp cận khác nhau. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết, các ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết và xác đáng của cử tri Đà Nẵng sẽ được tập hợp gửi đến Quốc hội để góp phần hoàn thiện dự thảo đạo luật rất quan trọng này.

HẢI QUỲNH