Báo Công An Đà Nẵng

Khoa Ngữ văn-Đại học Khoa học Huế, 60 năm một chặng đường

Thứ năm, 23/03/2017 11:07

(Cadn.com.vn) - Khoa Ngữ văn trường Đại học Khoa học (ĐHKH) Huế, từ lâu đã trở thành một địa chỉ gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Từ đây đã và đang ươm mầm cho những tài năng về nghiên cứu phê bình, sáng tác, viết báo và điều hành, quản lý xã hội.

Giảng đường ĐH Tổng hợp Huế (nay là ĐH Khoa học Huế).

Cái nôi đào tạo sinh viên miền Trung-Tây Nguyên

Những ngày này, trong ký ức của thầy Phạm Phú Phong- giảng viên Khoa văn ĐHKH Huế, là cựu sinh viên của Khoa luôn nhớ về những thầy cô đã đi xa nhưng chưa hề khuất bóng."Vẫn còn hiện diện đâu đó trong đời sống, trong tâm hồn những ai đã từng học ở đây- theo đúng nghĩa văn hóa của hai chữ học trò. Đó là mái tóc bạc mênh mông trí tuệ của thầy Hồ Tấn Trai; giọng nói sang sảng, rắn rỏi và ấm áp của thầy Nguyễn Đình Thảng; nụ cười chân thành mà hóm hỉnh của thầy Trần Như Uyên, cái vuốt tóc điệu nghệ và nụ cười nửa miệng của thầy Lê Xuân Việt, cái dáng cao dong dỏng và cái nhăn mặt cay đắng nhưng lấp lánh niềm vui của thầy Đào Văn Khải, giọng đọc những bài thơ do chính mình sáng tác một cách say sưa miên man khó dứt của thầy Tạ Đình Nam; ánh mắt đầm ấm bao dung của cô Phan Thị Hồng Minh..."- thầy Phong bồi hồi nhớ lại.

Tiền thân của Trường ĐH Văn khoa là Ban Văn chương - một trong năm ban của Phân khoa Văn khoa, được thành lập năm 1957. Đến năm 1959, Viện ĐH Huế thành lập Trường ĐH Văn khoa. Trước năm 1975, ĐH Văn khoa Huế mỗi khóa đào tạo hàng trăm sinh viên, bao gồm các ban khác nhau: Việt văn, Pháp văn, Anh văn, Triết học, Sử địa... Theo PGS.TS Nguyễn Thành- Trưởng khoa Ngữ văn, hằng năm, Trường ĐH Văn khoa thời bấy giờ cung cấp một lượng cử nhân lớn cho xã hội, trong đó, các cử nhân Văn khoa giáo khoa ban Việt văn chính là nguồn nhân lực cơ bản trong đội ngũ những nhà sư phạm, những chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học về Văn học, Hán Nôm, Ngôn ngữ học. Trong đó, nhiều người đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước trước và sau giải phóng. Sinh viên ĐH Văn khoa Huế cũng là những thành viên tích cực trong phong trào đấu tranh yêu nước, chống lại sự thống trị của ngoại xâm những năm 60 và 70 của thế kỷ XX.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường ĐH Tổng hợp Huế được thành lập trên cơ sở sáp nhập các trường đại học thuộc Viện ĐH Huế cũ: Văn khoa và Khoa học. Đến năm 1980, Khoa Ngữ văn chính thức được tách ra thành một khoa riêng. 10 năm sau giải phóng, Khoa Ngữ văn đào tạo duy nhất ngành Ngữ văn bậc cử nhân. Đối tượng tuyển sinh là học sinh các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Do số lượng đào tạo được tuyển chọn theo kiểu "tinh hoa", nên hầu hết sinh viên ngành Ngữ văn sau khi ra trường đều nhanh chóng có việc làm và sớm khẳng định vị trí của mình trong xã hội, đảm nhận nhiều trọng trách trong các cơ quan Nhà nước ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

 Sinh viên đặt câu hỏi trong một cuộc hội thảo dành cho sinh viên khoa văn-báo chí.

Nơi ươm mầm cho những tài năng

PGS.TS Nguyễn Thành cho biết, từ 1986 đến nay, Khoa vừa tiếp tục củng cố về đội ngũ, vừa mở rộng các ngành đào tạo ĐH, vừa nâng cấp loại hình đào tạo, từ đào tạo ĐH đến đào tạo sau ĐH. Đến nay, khoa Ngữ văn vẫn đảm bảo được đội ngũ cơ hữu với 4 Phó giáo sư - Tiến sĩ, 8 Tiến sĩ, 12 Thạc sĩ, trong đó có 7 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Để tổ chức tốt việc đào tạo 3 bậc: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; Khoa chủ trương mời một số chuyên gia đầu ngành từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thỉnh giảng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, từ năm 2003, Khoa đào tạo khóa đầu tiên ngành Báo chí. Từ năm 2010, Khoa Báo chí - Truyền thông trở thành bộ môn trực thuộc trường.

* Từ sau năm 1975 đến nay, Khoa Ngữ văn đã đào tạo được 3.212 cử nhân, bao gồm cả hai hệ chính quy và vừa làm vừa học. Khoa cũng đã đào tạo được 301 thạc sĩ, trong đó 174 thạc sĩ Ngôn ngữ học và 127 thạc sĩ Văn học Việt Nam, Lý luận văn học. Đặc biệt, từ 2011 đến nay, Khoa đã đào tạo được 15 tiến sĩ, cả hai chuyên ngành Văn học Việt Nam và Ngôn ngữ học.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành, chỉ tính riêng các thế hệ sinh viên tốt nghiệp khoa Văn sau 1975, đã có đội ngũ nhà báo hùng hậu, trong đó không ít người đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan thông tin đại chúng, trong các hội Văn học - Nghệ thuật. Bên cạnh đó, Khoa Ngữ văn còn đào tạo đội ngũ nhà văn, nhà thơ đông đảo và tài năng, phải kể đến: Văn Công Hùng, Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Y Thi, Phạm Đương, Lê Thị Tố Hoa, Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Tứ Hải, Đặng Minh Châu, Lê Viết Tường, Nguyễn Thiên Sơn, Đinh Hy, Hàn Nguyệt, Trần Ngọc Tuấn, Văn Cầm Hải, Từ Dạ Thảo, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Xuân Hoàng, Lưu Ly...

Trong đó, nhiều nhà văn đang là giảng viên của Khoa, như thầy Phạm Phú Phong, thầy Hồ Thế Hà. Nhiều năm công tác tại Khoa Văn, thầy Phạm Phú Phong đã có nhiều công trình tiểu luận - phê bình văn học cá nhân và chủ biên: Thi pháp và Thi pháp truyện ngắn, Mỹ học đại cương, Tiến trình văn học, Nhận diện lại Văn học kháng chiến Liên khu V (1945-1954), Đọc văn, Mây của trời rồi gió sẽ mang đi... Hay thầy Hồ Thế Hà, ngoài sáng tác 5 tập thơ:Khoảnh khắc, Nghìn trùng, Xác thu, Thuyền trăng, Tơ sương, còn công bố các tập nghiên cứu phê bình văn học như: Thức cùng trang văn, Tìm trong trang viết, Sức bền của thơ, Những khoảnh khắc đồng hiện, Tiếp nhận cấu trúc văn chương và 2 chuyên luận Thơ và Thơ Việt Nam hiện đại, Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên...

Cũng theo PSG.TS Nguyễn Thành, Khoa Ngữ văn còn là nơi góp phần đào tạo nhiều nhà giáo, nhà khoa học cho miền Trung và cả nước. Nhiều cựu sinh viên của khoa hiện công tác tại các trường đại học, cơ quan của Nhà nước ở các tỉnh, thành phố tiếp tục có những đóng góp về khoa học và quản lý: PGS.TS. Lương Ngọc Bính (Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình), PGS.TS. Phan Mậu Cảnh (Hiệu trưởng Trường Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An), Đại tá Lê Minh Hùng- nguyên Tổng biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng, Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Tổng biên Tập Báo TT-Huế)... Ngoài ra, nhiều cựu sinh viên, học viên của Khoa Văn hiện là các anh, chị Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở, Đài, Trung tâm, Nhà xuất bản, Nhà văn hóa; là Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập các Báo, Tạp chí; là Chủ tịch,  Phó Chủ tịch các quận, huyện...

H.L