Khoảng 83% thí sinh trúng tuyển ngay đợt xét tuyển đầu tiên
(Cadn.com.vn) - Ngày 12-7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã chủ trì cuộc họp báo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Theo đó, Bộ đã họp, thảo luận và thống nhất đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mức điểm sàn cho tất cả các khối thi là 15,5 điểm chưa tính điểm ưu tiên, chưa nhân hệ số. Như vậy điểm sàn năm nay cao hơn năm 2016 là 0,5 điểm.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Năm nay, cơ hội vào các trường ĐH, CĐ của thí sinh là khá dồi dào bởi các em được điều chỉnh nguyện vọng để vào học ngành yêu thích phù hợp với số điểm thi đạt được. Đây là điểm mới của quy chế thi, tuyển sinh năm 2017, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Năm nay, Bộ đã chạy phần mềm xét tuyển, kết quả cho thấy có tới 83% thí sinh sẽ trúng tuyển ngay đợt đầu tiên.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga (bìa trái) cho biết có tới 83% thí sinh sẽ trúng tuyển ngay đợt đầu tiên. |
Cơ hội lớn cho thí sinh
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Xác định điểm sàn gồm 3 tiêu chí: Thứ nhất là phải đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ; thứ hai là đảm bảo nguồn tuyển cho các trường, tuyển đủ; thứ 3 là sự dịch chuyển giữa các vùng miền. Nhiều năm nay có hệ số dôi dư rất cao nhưng các trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu bởi các em được điểm cao thường dồn về các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… nhưng các em điểm thấp lại không di chuyển về các địa phương, nên địa phương thường là thiếu chỉ tiêu. Do đó, Hội đồng đã xác định các yếu tố và đưa ra mức điểm sàn là 15,5 điểm.
Thứ trưởng cũng cho biết: Chất lượng bài làm của thí sinh năm nay đã nhích hơn năm ngoái. Trong 13 năm nay, kể từ khi tiến hành thi 3 chung, điểm sàn đã có sự dịch chuyển từ mức 13 - 14,5 điểm lên 15 điểm vào năm 2016 và năm 2017 là 15,5 điểm. Năm 2017, mức điểm tăng thêm 0,5 điểm thể hiện sự cố gắng lớn của thí sinh và nhà trường trong quá trình dạy và học. Thêm vào đó, năm nay thí sinh thi tại địa phương nên làm bài tự tin hơn, chất lượng được nâng cao, điểm sàn cũng theo đó nâng cao hơn một chút.
Điểm thi của thí sinh, cũng như điểm sàn cho thấy: Chất lượng đầu vào của thí sinh đã có thay đổi đáng kể. Trước đây, đã có dự báo cho rằng việc thay đổi cách thi, ra đề thi sẽ khiến thí sinh thi không tốt so với những năm trước. Nhưng thực tế cho thấy các em đã vượt qua thử thách, thích nghi nhanh chóng với cách ra đề thi mới, cách dạy, học ở trường phổ thông. Thứ trưởng Bùi Văn Ga tin tưởng rằng sự thích nghi nhanh chóng sẽ giúp các em phát huy năng lực ở trường ĐH, nhất là trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cao về tính sáng tạo, nhanh nhạy thích nghi với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH ở nước ta.
Cơ hội thí sinh trúng tuyển ĐH là rất dồi dào, đặc biệt năm nay các em đăng kí nguyện vọng không giới hạn, nhiều trường ở một ngành học, em có thể trúng bất kỳ trường nào có ngành học mà em yêu thích với mức điểm mà em đạt được. Những năm trước các thí sinh không có cơ hội này. Chỉ tiêu các trường tuyển sinh cũng khá dồi dào, vấn đề là các em có nguyện vọng học hay không, nếu có nguyện vọng học thì có thể chọn được trường phù hợp với mức điểm, chấp nhận dịch chuyển về địa phương, nhất là với các thí sinh ở thành phố lớn.
Thông tin từ bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy: Năm nay cả nước có 865.975 thí sinh dự thi. Số thí sinh đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH là 640.425 em. Tổng số chỉ tiêu ĐH xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 332.496. Tính theo từng khối thì số lượng đăng ký xét tuyển ở khối A là đông nhất, chiếm 34,59%; đứng thứ 2 là khối D1 chiếm 23,82%; sau đó là khối A1, B và C.
Sẽ có 83% thí sinh trúng tuyển đợt 1
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Trước khi đưa ra ngưỡng điểm sàn, Hội đồng đã xem xét, phân tích kỹ nhiều khía cạnh, từng mức điểm thì có bao nhiêu thí sinh đạt, không chỉ ở quy mô cả nước mà còn theo vùng miền, tính toán sự dịch chuyển của thí sinh. Đặc biệt, năm nay, Bộ GD-ĐT đã chạy thử phần mềm xét tuyển với cơ sở dữ liệu mà thí sinh đã đăng kí và kết quả thi của các em. Từ đó xác định rõ lượng thí sinh trúng tuyển ở các trường ĐH khác nhau.
Cụ thể, sẽ có 85 trường đạt chỉ tiêu 100% (đây là các trường tốp đầy, có lượng thí sinh đăng kí xét tuyển đông); có 66 trường đạt chỉ tiêu từ 80-99%; có 83 trường đạt chỉ tiêu từ 40-79%... Phần mềm cũng chỉ ra rằng có tới 83% thí sinh sẽ trúng tuyển ngay đợt đầu tiên, tương thích với những năm trước. Năm nay, với những công cụ này, Bộ hoàn toàn yên tâm là mức điểm sàn 15,5 là phù hợp.
Với mức điểm sàn là 15,5, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng sẽ không ảnh hưởng đến các trường tốp dưới bởi số lượng thí sinh đạt mức điểm sàn có hệ số dôi dư là 1,39 (tức là 39%) nhưng không phải tất cả các thí sinh này đều trúng tuyển bởi có thể có em không đúng nguyện vọng nên không nộp đơn. Năm 2016 cũng xác định dôi dư đáng kể song đã có hơn 100.000 thí sinh đạt điểm sàn trở lên không đăng kí học bất cứ trường nào. Vì vậy số lượng thí sinh dư còn rất lớn, các trường tốp dưới không lo thiếu nguồn tuyển.
Tính toán dự báo cho thấy điểm sàn ít ảnh hưởng đến tỉ lệ tuyển sinh trong đợt 1. Nếu điểm sàn 18 điểm thì đợt 1 tuyển được 74% tổng chỉ tiêu; nếu điểm sàn 13 thì đợt 1 tuyển được 87% tổng chỉ tiêu. Một số trường/ngành có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vượt rất xa chỉ tiêu cần tuyển tuy nhiên một số trường/ngành khác có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất thấp so với chỉ tiêu.
Số liệu được đưa ra trên cơ sở đăng kí của thí sinh, tuy nhiên từ ngày 15-7 tới đây, các thí sinh sẽ được thay đổi nguyện vọng 1 lần duy nhất, nhưng kết quả chắc chắn sẽ không thay đổi nhiều. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Đến thời điểm này, các thí sinh đã biết điểm thi, phổ điểm cũng như điểm sàn. Điểm sàn có nhích lên một chút xíu nhưng sẽ không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh. Các thí sinh ngay từ khi đăng kí nguyện vọng đã thể hiện rõ quan điểm, lập trường bằng việc đăng kí một vài trường điểm cao hơn, một vài trường vừa với năng lực cũng như là trường tốp dưới nên có thể sẽ không cần điều chỉnh nhiều. Trong trường hợp kết quả thi lệch quá xa so với dự kiến của thí sinh thì nên điều chỉnh nguyện vọng. Không nhất thiết tất cả các thí sinh đều cần điều chỉnh nguyện vọng, các em cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ điều chỉnh khi thật cần thiết.
Điểm 8 trở lên cũng khá nhiều, điểm trúng tuyển của các trường tốp trên cũng sẽ nhích lên, tuy nhiên phổ điểm năm nay không dốc nên các trường cũng không mất công nhiều để xác định thí sinh trúng tuyển. Trong trường hợp ở những ngành có sức cạnh tranh lớn, nhiều thí sinh bằng điểm nhau thì các trường đã có tính toán đến những tiêu chí phụ.
Dự kiến, ngày 1-8, các trường ĐH sẽ công bố kết quả trúng tuyển. Sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, các trường còn thiếu chỉ tiêu tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung. Các trường có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm theo đề án tuyển sinh đã công bố.
T.H