Báo Công An Đà Nẵng

Khoảng tối văn hóa giao thông

Thứ năm, 29/10/2015 09:31

* Kỳ 1: “Săn” mô-tô vi phạm

(Cadn.com.vn) - Khi chúng tôi chấp bút viết phóng sự này cũng là thời điểm thế giới đang hướng tới “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT)”. Tại Việt Nam, không ai không chạnh lòng khi biết rằng, bình quân mỗi ngày nước ta có khoảng 30 người chết do TNGT. Trường hợp may mắn sống sót thì cả đời phải gánh chịu cảnh tật nguyền, để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nguyên nhân dẫn tới thảm họa có nhiều, song tựu chung xuất phát nhiều từ văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông. Chuyến thực tế của chúng tôi tại TP Đà Nẵng đã ghi lại nhiều góc nhìn văn hóa giao thông...

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban Thường trực ATGT TP Đà Nẵng cho hay, cùng với thế giới, các địa phương khác của Việt Nam, vào ngày 15-11 tới đây, Đà Nẵng sẽ diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tử vong do TNGT” với thông điệp: “Tưởng nhớ người đi- vì người ở lại”. Sự kiện nhằm nhắc nhở mọi người hãy luôn có ý thức thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, những năm gần đây Đà Nẵng đã có nhiều sáng tạo, thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo TTATGT. Nhưng, bên cạnh sự tích cực, kiên quyết của các ngành, các cấp, vẫn tồn tại không ít những hành vi tiêu cực của người tham gia giao thông, dẫn đến bao thiệt hại về vật chất và tính mạng, để lại nỗi đau lớn cho xã hội.

Đếm ngược thời gian, từ khi có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi xe máy tính ra đã hơn 7 năm, nhưng hiện nay không ít người vẫn “nói không” với quy định ấy, nhất là thời điểm rạng sáng, xế chiều và về đêm. Ngoài ý thức xem thường pháp luật, với họ, đây là thời điểm ít có lực lượng TTKS, xử lý vi phạm nên tặc lưỡi cưỡi “ngựa” đi liều. “Săn” ảnh ở con đường tại khu dân cư cuối tuyến Phạm Văn Đồng chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi ghi lại tới hơn 50 trường hợp điều khiển xe đầu trần. Hàng chục trường hợp khác có sử dụng mũ nhưng chỉ là đối phó. Người lớn thờ ơ, qua loa đã đành, đến tính mạng của con trẻ họ cũng xem nhẹ, nên vô tư thả ga để các cháu đầu trần. Học sinh, sinh viên càng manh động hơn, vi phạm cùng lúc vài ba lỗi: Quá tốc độ, không đội MBH, chở ba. Chúng tôi đặt câu hỏi với nhiều người sao không sợ bị lực lượng CSGT xử phạt? Phần đông trong số họ đều cười xòa, vô tư rằng: Đội MBH vướng đầu! Rồi thì đi đón con chỉ một hai cây số, “đèo bòng” thêm cái “nồi cơm điện” mất công!...

Vẫn còn rất nhiều người tham gia giao thông không mũ bảo hiểm.

Nhắc đến người điều khiển phương tiện không sử dụng MBH, có CBCS đội điều khiển tín hiệu đèn giao thông (Phòng CSGT) kể cho chúng tôi nghe không ít “quái chiêu”. Điển hình như bị dừng xe vì không đội MBH và chở ba, nhiều nhóm thanh niên giở trò trên xe có người đau bệnh, vờ rên rỉ kêu đau để đối phó lực lượng kiểm tra xin cho đi vào viện. Thoát rồi, chúng cười hả hê đắc chí, ai dè bị lực lượng tuần tra bắt bài, bám đuôi cả vài cây số và bóc mẽ chiêu bịp bợm và xử phạt nghiêm để răn đe. Về hậu quả của việc người điều khiển phương tiện không đội MBH, Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng phân tích, đa số nạn nhân khi gặp TNGT đều bị chấn thương sọ não do bị đập đầu xuống đường, trong đó 70-80% ca hoặc tử vong, hoặc để lại di chứng suốt đời.

Nếu nói rằng văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông, thì qua những chuyến thực tế của chúng tôi, bên cạnh người chấp hành tốt luật giao thông vẫn còn một bộ phận không nhỏ người chưa tạo cho mình được thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật khi ngồi trên phương tiện.

Trên đường phố Đà Nẵng, bên cạnh kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm giao thông khác, hành vi vượt đèn đỏ của người điều khiển phương tiện luôn được lực lượng CSGT quan tâm, thường xuyên lập chuyên đề xử lý. Trong chuyến thực tế viết bài, chúng tôi thử túc trực thường xuyên tại các ngã tư có tín hiệu đèn như Bạch Đằng – Nguyễn Văn Linh, Ông Ích Khiêm – Hải Phòng, Ông Ích Khiêm – Trần Cao Vân..., rất hiếm chốt không có người tham gia giao thông vượt đèn đỏ. Nhiều người gần đến chốt, chỉ cần thấy đèn vàng chuẩn bị chuyển đỏ là cố rú ga vượt qua. Vì “thói quen” ấy, rất nhiều hệ lụy đã xảy ra tại các chốt đèn như va chạm, tai nạn dẫn đến tắc đường cục bộ. Ngày 25-10, khi thấy chúng tôi ghi hình hàng chục trường hợp cố tình vượt đèn đỏ tại ngã tư Ông Ích Khiêm – Trần Cao Vân, anh Th., hành nghề xe thồ tại đây nói: “Người vượt đèn đỏ nơi này đếm sao cho xuể. Chậm vài giây đâu có sao đâu, thế mà họ cứ vượt liều, rất thiếu văn hóa”.

Vô tư vượt đèn đỏ ở ngã tư Ông Ích Khiêm – Trần Cao Vân.

Nhìn con số báo cáo của Ban ATGT TP 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy, văn hóa của người tham gia giao thông không sử dụng MBH và có hành vi vượt đèn đỏ đang rất đáng lo ngại. Trong số hơn 26.000 trường hợp vi phạm bị lực lượng chức năng ra quân xử lý từ 13 chuyên đề, thì chuyên đề không đội MBH chiếm tới 3.224 trường hợp vi phạm, trong đó có 337 trường hợp trẻ em hơn 6 tuổi; 2.783 trường hợp bị xử phạt trong chuyên đề không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn (vượt đèn đỏ). Cũng thời gian trên, xuất phát từ nhiều hành vi vi phạm vượt đèn đỏ, không đội MBH, nhiều người đã tử vong do TNGT trong tổng số 109 vụ xảy ra, làm chết 80 người, 76 người bị thương.

Cùng với công tác TTKS, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT, theo ghi nhận của chúng tôi, trên các tuyến phố Đà Nẵng, tình trạng người tham gia các lỗi phổ biến như chở ba, đi không đúng làn đường, tránh vượt sai quy định, đi ngược chiều... vẫn còn nhiều. Trong khi đó, nhiều tuyến phố, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, người dân lập chợ cóc tụ tập buôn bán, đón con trước cổng trường gây mất mỹ quan, ùn tắc cũng đang trở thành nỗi lo mất ATGT...

C.H-C.K
(còn nữa)