Khoảnh khắc sinh tử đầy ám ảnh của 2 “người hùng” và 3 nạn nhân được cứu sống trong vụ sập cầu Phong Châu
Nhớ lại giây phút chứng kiến sự cố kinh hoàng, anh Khanh cho biết, thời điểm đó có nghe mọi người nói có nhiều người và phương tiện rơi xuống sông nên anh cố quan sát phía ngoài dòng nước để xem có nạn nhân nào không. Chừng 5 phút, anh Khanh thấy một người đàn ông đang cố gắng bám chặt lấy thân cây đang chới với bị dòng nước cuốn đi.
“Mọi thứ vô cùng nhanh. Nạn nhân liên tục kêu cứu. Lúc này, tôi không nghĩ được nhiều, chỉ biết chạy ra con đò của gia đình rồi điều khiển phương tiện nhanh nhất để cố gắng tiếp cận”, anh Khanh kể.
Khoảng cách từ bờ ra đến vị trí cứu hộ chừng 500m nhưng do lũ lớn, tốc độ dòng chảy nhanh, con đò chèo của anh Khanh rất khó khăn mới tiếp cận được nạn nhân. Sau nhiều nỗ lực, anh Khanh đã đưa được nạn nhân lên đò trong tình trạng có nhiều vết thương. Sau đó, người được anh Khanh cứu khỏi dòng lũ dữ được xác định là anh Phan Trường Sơn (trú H. Tam Nông, Phú Thọ).
"Anh ấy rất hoảng sợ. Lên tới bờ anh ấy vẫn run, không nói được, không nhớ gì. Phải mất khoảng 10 phút, nạn nhân mới đọc được điện thoại người nhà để tôi thông báo", anh Khanh chia sẻ.
Sau khi cứu được anh Sơn, cả chiều hôm ấy, anh Khanh và bố ruột tiếp tục đã tham gia ứng cứu, đưa một tàu gặp sự cố do lũ cách đó hơn 10km đến chiều tối mới quay về lại nhà. Còn về phần nạn nhân Phan Trường Sơn, sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, ổn định sức khỏe, anh cho hay: Lúc đi đến khoảng giữa cầu Phong Châu thì nghe thấy tiếng "uỳnh uỳnh". Chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra thì anh thấy mình đã rơi xuống sông Hồng.
“Lúc đó, tôi bị chìm rất sâu nhưng cố gắng ngoi lên mặt nước. Trong khi đang chới với giữa dòng nước xiết, anh may mắn bám được một thân cây chuối trôi theo dòng nước. Rất may, tôi được anh Khanh ra cứu. Vào đến viện tôi mới nghĩ mình còn sống…”, anh Sơn kể.
Như đã thông tin, khoảng 10 giờ ngày 9-9, do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông dẫn đến trụ T7 và nhịp 6, 7 của cầu Phong Châu bị đổ, sập. Thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện và 11 người gặp nạn. Trong đó, có 3 người may mắn được người dân địa phương cứu thoát, gồm: anh Phan Trường Sơn (trú H. Tam Nông, Phú Thọ), anh Nguyễn Minh Hải và anh Bùi Quý Trọng (đều trú H. Tam Nông).
Hiện, cơ quan chức năng địa phương xác định các nạn nhân mất tích, gồm: Nguyễn Thị L. (2005, trú xã Vạn Xuân, H. Tam Nông); Nguyễn Hà C. (2005, trú tỉnh Đắk Nông); Dương Công C. (1981, trú xã Dân Quyền, H. Tam Nông); Hà Quốc C. (1986, trú Chu Hóa, Việt Trì); Lương Xuân T. (1968, trú Thạch Đồng, Thanh Thủy, Phú Thọ); Nguyễn Thị H. (1976, trú Thanh Thủy, Phú Thọ); Nguyễn Thị Bích H. (1988, trú Thụy Vân, Việt Trì) và Nguyễn Thị Y. (1978, trú Sơn Vi, Lâm Thao).
Thuật lại sự việc, 2 nạn nhân Nguyễn Minh Hải và anh Bùi Quý Trọng cho hay, lúc 9 giờ 50 ngày 9-9, hai anh đi làm từ huyện Lâm Thao về nhà. Khi đi gần hết cầu Phong Châu, anh Hải (người cầm lái xe máy) thấy xe tải hạng nặng đi qua cầu chừng 1-2 giây thì nghe tiếng rầm rầm rồi cầu bất ngờ đổ sập. May mắn, khi cầu sập anh Hải và anh Trọng rơi trúng trụ cầu và mắc lại. Sau đó, người dân tiếp cận và đưa 2 anh đến nơi an toàn.
Một trong những người kịp thời cứu 2 anh Hải và Trọng là anh Khổng Văn Sỹ cho biết: “Khi tôi đang làm việc thấy nghe tiếng động và tiếng hô hoán cầu sập, khi chạy ra thấy thành cầu mất tích, nước tung trắng lên. Biết chắc là có người rơi, vì thế chúng tôi đã chạy ra để xem xét tình hình. Khi thấy 2 người bám vào mố cầu, chúng tôi đã kéo họ lên. Khi cứu được người lên, họ rất hốt hoảng, không nói được gì...”.
Thông tin về công tác cứu hộ, cứu nạn và lắp đặt cầu phao tại vị trí chân cầu Phong Châu, sáng 10-9, Trung tướng Phạm Đức Duyên - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2, cho biết: Bộ Quốc phòng, và bộ đã chỉ đạo Binh chủng Công binh chuẩn bị, khảo sát dòng chảy để tiến hành lắp đặt cầu phao khi đủ điều kiện cho phép, bảo đảm việc đi lại, sinh hoạt cho người dân, với tinh thần cố gắng cao nhất, trách nhiệm lớn nhất, thi công không quản ngại ngày đêm, ngày nghỉ để sớm hoàn thành lắp đặt cầu phao. Dự kiến cầu phao sẽ được lắp đặt cách vị trí cầu khoảng 1km, tại vị trí xã Hương Nộn, huyện Tam Nông và xã Kinh Kệ, huyện Tam Nông. Đây cũng là hai bến đò cũ, đã có sẵn lối xuống phà trước đó. Tuy nhiên, do dòng nước chảy xiết, mức nước dâng cao nên công tác xây lắp cầu phao chưa thể tiến hành.
T.H