Báo Công An Đà Nẵng

Khởi công Dự án cầu Văn Ly, phá thế độc đạo vùng Gò Nổi

Thứ hai, 18/09/2023 07:00
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng các sở, ban ngành địa phương với nghi thức khởi công dự án.

Báo cáo tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) cho biết, Dự án cầu Vân Ly và đường dẫn có tổng chiều dài 7,78km, gồm 2 nhánh. Nhánh 1 có điểm đầu tại Km14+525/ĐT610B (xã Điện Quang, Điện Bàn) qua cầu Văn Ly, rẽ trái về phía tây đến nút giao giữa ĐT609B với ĐT609C tại xã Đại Hòa, Đại Lộc dài 3,65km. Nhánh 2, từ nút giao với Km1+040 của nhánh 1 đến nút giao giữa ĐT609 với ĐT605 tại xã Điện Hồng (Điện Bàn) dài 4,13km. Nền đường rộng 9m, mặt đường bê-tông nhựa rộng 8m. Riêng cầu Văn Ly vượt sông Thu Bồn dài 460m và hệ thống điện chiếu sáng toàn tuyến. Tổng mức đầu tư dự án 575 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương 420 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 155 tỷ đồng). Công trình sẽ được thi công trong 900 ngày do nhà thầu xây dựng là Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, tư vấn giám sát là Liên danh RTC3 – CTES thực hiện. Dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2026.

Tuyến đường này cùng với tuyến đường nối từ QL14H đến QL14B, bao gồm cầu Sông Thu vượt sông Thu Bồn và cầu An Bình vượt sông Vu Gia đang triển khai thi công, ĐT609B qua cầu Giao Thủy và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong vùng đã đầu tư hoàn chỉnh sẽ góp phần hình thành các trục đường chiến lược Bắc- Nam, Đông- Tây, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ... “Việc hình thành cầu Vân Ly và đường dẫn sẽ phá thế độc đạo tiếp cận vùng Gò Nổi, giảm thiểu hành trình đi lại giữa huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, giúp giao thương đi lại của người dân được thuận lợi, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn từ việc lưu thông bằng đò ngang qua sông Thu Bồn như hiện nay”, ông Tâm nhìn nhận.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khảo sát vị trí xây dựng dự án.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đánh giá, Quảng Nam có hệ thống sông ngòi vô cùng phong phú, mang giá trị lịch sử, văn hóa, tự nhiên, kinh tế vô cùng to lớn, góp phần hình thành nên các vùng đất trù phú, màu mỡ, hình thành nên những nét văn hóa đặc sắc làng quê, phố thị và hình thành nên cốt cách của người dân xứ Quảng. Bên cạnh những mặt tích cực đó, sự hạn chế lớn nhất của các dòng sông là ngăn chia đôi bờ, cản trở sự lưu thông, đi lại, vận chuyển hàng hóa, sinh hoạt của người dân. Những hạn chế tồn tại đó cần sớm khắc phục để hiện thực hóa khát vọng phát triển Quảng Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, Quảng Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá quan trọng giai đoạn đến năm 2030. Trên sông Thu Bồn thời gian gần đây rất nhiều cây cầu có ý nghĩa quan trọng đã dần hình thành, như cầu Cửa Đại, Cẩm Kim, Giao Thủy, Nông Sơn, cầu Sông Thu đang được xây dựng và bây giờ là cầu Văn Ly- một cây cầu vô cùng thiết thực, có ý nghĩa kết nối đôi bờ sông Thu Bồn giữa vùng Gò Nổi đi từ Điện Bàn sang Đại Lộc, liên kết với TP Đà Nẵng, hoàn thành đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực phía Bắc của tỉnh, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của Quảng Nam trong mối quan hệ liên kết vùng với TP Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Dự án được khởi công là niềm mong mỏi, niềm khát vọng lớn lao đối với cán bộ, người dân vùng Gò Nổi nói riêng, thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc nói chung.

Đông đảo người dân trong vùng dự án vui mừng vì sắp có cây cầu nối đôi bờ sông Thu.

Để đảm bảo hoàn thành cây cầu và đường dẫn đúng tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị với nhau, giữa các đơn vị với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án cũng như công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời đề nghị bà con nhân dân trong vùng dự án tạo điều kiện, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Bên cạnh đó, ông Lê Trí Thanh cũng lưu ý, đây là cầu bắc ngang qua vùng rốn lũ của sông Thu Bồn, nơi chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ. Vì vậy, việc tính toán thủy văn trong mùa mưa, mùa khô cần được đánh giá một cách hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học. “Chủ đầu tư, nhà thầu tính toán mọi thông số kỹ thuật, quan sát, theo dõi trong quá trình thi công, đánh giá khoa học. Phải cầu thị, lắng nghe ý kiến chính quyền địa phương, người dân, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, nhằm đảm bảo đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 23”, ông Thanh đề nghị.

TRẦN TÂN