Khơi dậy sức dân để phát triển quê hương
Đơn cử, gần 10 năm qua đất nông nghiệp ở thôn bị thu hẹp rất nhiều do quá trình đô thị hóa, đa số hộ dân nằm trong vùng giải tỏa, di dời nên không còn đất sản xuất. Song, cứ đến mồng 1-10 âm lịch hằng năm, người dân trong thôn vẫn tề tựu ở Miếu làng tổ chức nghi lễ “Xuống đồng” với đầy đủ hình thức diễn xướng, phác họa lịch sử phát triển của một làng quê từ xa xưa đến hiện đại nhằm lưu giữ truyền thống và tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt của dân làng. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng thành công “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”, tháng 8-2023, nhóm trai làng ở tổ dân cư số 3 đã chủ động san lấp mặt bằng, mở rộng và bê-tông hóa, bắt điện chiếu sáng đoạn đường gần 100m qua cống chui tuyến QL14B với nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp gần 30 triệu đồng để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện lưu thông, nhất là các em học sinh đến trường trong mùa mưa lũ… Điều đó cho thấy, xuyên suốt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ở thôn Phú Hòa 1 không chỉ là câu chuyện khơi dậy sức dân để phát triển quê hương mà còn là quá trình xây dựng và bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi mái nhà.
Với người dân thôn Phú Hòa 1, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban MTTQVN các cấp phát động từ năm 2016 như một luồng khí mới có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Niềm phấn chấn, khí thế thi đua sôi nổi đã len lỏi vào từng mái nhà, thúc giục người dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Các tộc họ cũng lấy việc phát huy vai trò dòng tộc và truyền thống cách mạng của quê hương làm trọng tâm giáo dục con cháu hướng thiện, hoàn thiện bản quy ước đã được chính quyền địa phương phê duyệt, thực hiện cam kết giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật, gìn giữ nề nếp gia phong và danh dự dòng tộc, tự bảo lãnh con cháu lầm lỗi trở thành công dân tốt. Nhiều năm qua, Phú Hòa 1 luôn được các cấp chính quyền vinh danh là “Thôn văn hóa tiêu biểu”, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa tăng đều qua từng năm, trong thôn không còn hộ nghèo ở nhà tạm…
Theo bà Trần Thị Kim Nụ - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phú Hòa 1, cùng với phát triển kinh tế gia đình, người dân còn tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhiều mô hình phòng chống tội phạm hiệu quả như “Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Gia đình không có người vi phạm pháp luật”, “Tộc họ tiên tiến, thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”. Tinh thần tương thân, tương ái của người dân trong thôn được phát huy triệt để trong các việc hiếu, hỷ. Nhiều năm qua, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân đã trở nên quen thuộc, đi vào nề nếp của người dân địa phương, bởi nó phù hợp và đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Thông qua bữa cơm “đại đoàn kết”, bà con cùng nhau đánh giá những phần việc đã làm được và chưa làm được trong năm; đồng thời, hàn gắn những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống thường ngày để lòng nhẹ nhõm hơn, gìn giữ nghĩa tình tối lửa, tắt đèn có nhau... “Đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; qua đó thắt chặt mối quan hệ với dân, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu để khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư” - bà Nụ cho biết thêm.
Vy Hậu