Báo Công An Đà Nẵng

Khơi dậy tình cảm, đạo đức ở mỗi con người

Thứ tư, 15/06/2016 10:21

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều năm triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, H. Hòa Vang (Đà Nẵng) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Nhân tố tạo nên thành công chính là sự tham gia tích cực của người dân...

Già làng Lê Văn Rời (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) cho biết: "Phong trào TDĐKXDĐSVH đã thấm sâu vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực cho mỗi gia đình, cộng đồng; phát huy được nội lực của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện kinh tế, cải thiện đời sống, vật chất và tinh thần; giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Với địa phương miền núi chúng tôi, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, già làng trong thôn còn vận động bà con thực hiện tốt chương trình "TP 5 không, 3 có"; không tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, không trông chờ, ỷ lại chính sách ưu đãi của Nhà nước; tuyên truyền động viên những thanh niên trong độ tuổi lao động tìm việc làm hữu ích, cải thiện đời sống hộ gia đình"...

Còn theo lão nông Cao Phán (thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương), phong trào đã khơi dậy tình cảm, đạo đức mỗi con người nên được mọi người, mọi nhà tích cực hưởng ứng. Trong đó, gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt; làm người phải sống có đạo lý và chấp hành tốt pháp luật, góp phần vào sự phát triển giàu mạnh của quê hương, gìn giữ giá trị văn hóa cộng đồng.

Phụ nữ Bồ Bản (xã Hòa Phong) giúp nhau trong công việc đồng áng.

Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng NTM, nhiều năm qua, các Hội đồng gia tộc trên địa bàn huyện đều có những phương thức hoạt động tích cực tùy theo đặc điểm của tộc họ mình, tạo ra sự chuyển biến và góp phần xây dựng hiệu quả phong trào. Các tộc họ làng Quá Giáng (xã Hòa Phước) cam kết duy trì tốt biện pháp giáo dục con cháu theo hương ước của tộc họ, như vận động con cháu đóng góp xây dựng Quỹ khuyến học-khuyến tài, không để con cháu trong độ tuổi đến lớp bỏ học hoặc đề ra quy ước về việc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách tạo điều kiện cho con cháu ly nông, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với quá trình hóa đô thị...

Tại thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), thông qua các buổi sinh hoạt, người cao tuổi trong thôn vận động con cháu, kẻ ở quê nhà cùng người ra đi có trách nhiệm đóng góp, xây dựng phát triển địa phương, giữ gìn truyền thống quê hương; đặc biệt là việc thực hiện xây dựng "Thôn kiểu mẫu NTM" giai đoạn 2016-2020. Các tộc họ đã phát huy rất tốt vai trò của các tổ đoàn kết trong việc huy động, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo sự đồng thuận cao. Theo ông Nguyễn Hữu Cẩm-Trưởng thôn Cẩm Nê, văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tộc họ có xu hướng phục hồi, nhiều giá trị cũ đang sống lại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc cần được bảo tồn và tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng NTM.

Quả thật, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn H. Hòa Vang đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Phong trào được triển khai rộng khắp, các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, xã hội đồng thuận. Việc xây dựng gương "Người tốt, việc tốt" và các điển hình tiên tiến trong phong trào đã góp phần tích cực tạo nên những tấm gương sáng, có sức thuyết phục lan tỏa, cổ vũ mọi người tham gia thực hiện, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Còn nhớ, năm 2012, khi triển khai thực hiện tiêu chí xây dựng đường giao thông NTM, thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) được UBND huyện chọn làm điểm, nhiều người dân trong thôn đã tình nguyện hiến đất mở đường; trong đó, cụ Lê Thị Hiên hiến hơn 600m2 đất vườn. Chúng tôi hỏi "Cụ có hối tiếc không?", cụ trả lời: "Với người nông dân, một tấc đất, một cây màu mất đi đều tiếc cả. Thế nhưng, khi địa phương có chủ trương mở rộng đường giao thông để bà con thuận lợi trong việc đi lại, sản xuất thì ai ai cũng đều hồ hởi đón nhận, sẵn sàng bỏ công, bỏ của mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào".

Bên cạnh đó, nhiều loại hình văn hóa, mô hình văn hóa đặc trưng của các thôn, làng được nhân rộng và từng bước củng cố, hoàn thiện trong việc phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT thôn xóm, tạo ra một diện mạo NTM đầy tính nhân văn, sâu sắc. Những tấm gương sáng trong phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Gia đình văn hóa", "Gia đình hiếu học", "Hộ làm kinh tế giỏi" ở từng địa phương cũng đã tác dụng thiết thực trong việc cổ vũ, nhân rộng phong trào TDĐKXDĐSVH và góp phần tích cực trong việc tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững quê hương.

An Dương