Báo Công An Đà Nẵng

Khởi động nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu

Thứ tư, 21/09/2016 09:58

(Cadn.com.vn) - Dự án cảng Liên Chiểu đã đi đến bước ngoặt quan trọng khi mà sáng  20-9, đoàn công tác của Công ty tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC); Viện phát triển khu vực ven biển nước ngoài (OCDI) đã đến làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cùng các sở, ban ngành thành phố để công bố kế hoạch triển khai nghiên cứu tiền khả thi.

Triển khai càng nhanh càng tốt

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng gợi mở về các vấn đề mà Đà Nẵng đang đặc biệt quan tâm, chú trọng thu hút đầu tư và định hướng phát triển chung đô thị trong tương lai, trong đó mắt xích đặc biệt quan trọng là cảng Liên Chiểu. Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, việc khởi động nghiên cứu tiền khả thi cảng Liên Chiểu Đà Nẵng nhằm làm rõ vai trò của cảng Liên Chiểu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng trong tương lai. Hiện nay, Đà Nẵng đang ở giai đoạn phát triển nhanh, đồng bộ về các hướng. Phía Đông TP dành ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ; phía Tây quy hoạch phát triển Công nghiệp, Công nghệ cao, dịch vụ Công nghiệp nên rất cần triển khai nhanh cảng Liên Chiểu để phục vụ phát triển nhanh của Đà Nẵng và miền Trung.

“Trong tương lai gần, cảng Liên Chiểu sẽ dần thay thế cảng tổng hợp Tiên Sa hiện tại. Với vị trí lựa chọn thuận lợi, là cảng nước sâu, kết nối đường hàng không qua sân bay quốc tế Đà Nẵng; hệ thống đường bộ (đường sắt quốc gia, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi), hệ thống logistic đang được đẩy mạnh thiết lập... sẽ là đòn bẩy cho Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, đồng bộ. Vì vậy, Đà Nẵng mong được triển khai cảng Liên Chiểu càng nhanh càng tốt”- Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ khẳng định.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao, nguồn lực thành phố hạn hẹn, Đà Nẵng đang tìm kiếm nguồn lực khác để triển khai theo PPP (hợp tác công tư) triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu. Vì vậy, cần có đơn vị tư vấn đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, thông thạo về quy hoạch đô thị, cảng biển để khi phát triển cảng lớn không dẫn tới xung đột với định hướng phát triển khác trong đó có các loại hình dịch vụ, du lịch. Ông Thơ mong muốn thông qua JICA, Yokohama, các đối tác phía Nhật Bản đã quan tâm đến Dự án, đến Đà Nẵng và mong muốn sự khởi động thuận lợi để đem đến những thành quả tốt đẹp.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc.

Dự án sẽ sử dụng vốn ODA

Đại diện đoàn công tác của Công ty tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC); Viện phát triển khu vực ven biển nước ngoài (OCDI), ông Haroda cho rằng, nghiên cứu sẽ hướng vào mục tiêu rà soát, bổ sung cho TP Đà Nẵng đánh giá tính khả thi của Dự án sao cho Dự án có thể thực hiện được bước tiếp theo. Bên cạnh đó, nghiên cứu sẽ tập trung vào các điểm: phân chia chức năng giữa các cảng của Đà Nẵng, cảng nào bốc xếp loại hàng nào và bao nhiêu? Đơn vị nào thi công, khai thác, quản lý và sở hữu cảng? Đơn vị nào hỗ trợ tài chính, hỗ trợ bao nhiêu?

Nhiệm vụ của các thành viên đoàn nghiên cứu phải đánh giá được nhu cầu bốc xếp hàng hóa đến năm 2030 sẽ được dự báo trên mối quan hệ giữa GDP của Việt Nam và lượng hàng hóa tại các cảng, sự phân chia chức năng với các cảng khác... Đối với nhu cầu khách nước ngoài, dự báo được lập trên cơ sở tuyến, chủng loại, số lượng khách, xu hướng tương lai của các chỉ số kinh tế như GDP... Ngoài ra, mục tiêu của nghiên cứu là mặt bằng cảng và kế hoạch mua sắm thiết bị sẽ được kiến nghị để đảm bảo các cảng khách và hàng hóa an toàn và hiệu quả. Nghiên cứu sẽ tập trung vào các vấn đề tiết kiệm năng lượng, bao gồm việc giới thiệu các thiết bị hiệu quả về năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

Việc đánh giá các tác động môi trường chính do thực hiện Dự án cũng được tập trung đánh giá như: suy giảm chất lượng nước do nạo vét, đổ thải; biến đổi đường bờ do xây dựng các công trình cảng; Làm gia tăng tắc nghẽn giao thông và nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ và đường thủy liên quan tới cảng; Tái định cư người dân sống dọc bên đường dẫn của cảng. Đặc biệt, ông Hadora nhấn mạnh: Dự án sẽ được đầu tư từ ODA Nhật Bản và có sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản. Theo kế hoạch, thời gian nghiên cứu sẽ gói gọn trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng   9-2016 đến  tháng 2-2017.

Sau khi nghe đối tác trình bày các phương án, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng đã nổi lên 3 vấn đề chính của sự cần thiết đối với cảng Liên Chiểu, từ sự nhận diện này sẽ giải đáp được câu hỏi về chức năng của cảng Liên Chiểu, cơ cấu tổ chức và ý định dàn xếp về tài chính.

Hoan nghênh việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài để chia sẻ lợi ích của cảng Liên Chiểu, tuy nhiên, điều quan trọng nhất theo ông Huỳnh Đức Thơ vẫn là tìm nguồn khoảng 150 triệu đến 200 triệu USD từ ODA để đầu tư đê chắn sóng và nạo vét luồng tàu vào cảng. Ông Thơ cũng đề nghị tư vấn nghiên cứu phát triển cảng Liên Chiểu, đồng thời, phác thảo quy hoạch để Đà Nẵng tạo ra được các khu đô thị, khai thác được quỹ đất để có kinh phí cho dự án này.

“TP Đà Nẵng đề nghị thúc đẩy nghiên cứu dự án nhanh, có kết quả sớm hơn để có cơ sở báo cáo với các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ Việt Nam cũng như các Tổ chức quốc tế tại Nhật Bản để có nguồn vốn từ tài khóa trong năm tới, nếu muộn sẽ dẫn đến thời gian xây dựng kéo dài, ảnh hưởng lớn đến phát triển  kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Quang Minh