Khối phố có truyền thống... nghèo!
(Cadn.com.vn) - Nằm trên địa bàn phường trung tâm thành phố nhưng khối phố 6 P. Phước Hòa (TP Tam Kỳ - Quảng Nam) vẫn còn nhiều hộ nghèo, cuộc sống bấp bênh ở xóm Củi, Cồn Thị. Nhiều người ví đây là khối phố có truyền thống... nghèo!
Khu vực Cồn Thị thêm heo hút khi lũ về. |
Chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay, chúng tôi trở lại khu vực Cồn Thị (khối phố 6, P. Phước Hòa, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) để thăm và trao tiền hỗ trợ hàng tháng cho gia đình chị Hồ Thị Tiềm. Đây là một trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của khối phố. Chồng chị Tiềm bị bệnh ung thư qua đời năm 2015 để lại mình chị tảo tần nuôi 3 đứa con nhỏ. Đứa con đầu bị bại liệt nằm một chỗ, hai đứa nhỏ đang là học sinh tiểu học và THCS. Là trụ cột gia đình nhưng với gánh cháo gạo lức trên lưng nên chị Tiềm lo không đủ cái ăn cho 4 mẹ con mỗi ngày chứ chưa nói đến tiền ăn học, thuốc thang cho con. Với sự quan tâm hỗ trợ của địa phương và khối phố, các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, nhận đỡ đầu cho gia đình chị Tiềm 800.000 đồng mỗi tháng. Chị Đặng Thị Ngọc Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN P. Phước Hòa cho biết: “Khi có thông tin các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu một trường hợp khó khăn đặc biệt trong phường, chúng tôi nghĩ ngay đến gia cảnh của chị Hồ Thị Tiềm ở khu vực Cồn Thị. Dù rất khó khăn nhưng chị vẫn hết lòng chăm lo cho các con, hằng ngày vừa bán cháo vừa chăm sóc con lớn bị bại liệt, lo việc ăn học của hai cháu nhỏ. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng sẽ góp phần giúp gia đình chị Tiềm vượt qua những khó khăn hiện tại, làm ăn ổn định cuộc sống”.
Gia cảnh khó khăn của chị Tiềm chỉ là “điểm nhấn” ở khối phố có truyền thống... nghèo trên địa bàn P. Hòa Hương, TP Tam Kỳ. Cuộc sống lam lũ, nghề nghiệp bấp bênh, đất chật người đông nhưng hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém, nhà cửa tạm bợ chen chúc bên sông Bàn Thạch nên Cồn Thị còn được gọi là “xóm nhà chồ” ở Tam Kỳ. Theo lãnh đạo địa phương, Cồn Thị có hơn 140 hộ gia đình thì gần một nửa sống bằng nghề sông nước. Số còn lại buôn gánh bán bưng hoặc làm... “thợ đụng”, tức ai kêu việc gì làm việc nấy. Đàn ông, thanh niên có sức khỏe thì ly hương để mong có công ăn việc làm ổn định. Và, nghèo thì vẫn cứ nghèo từ đời này sang đời khác.
Trao tiền hỗ trợ hằng tháng cho gia đình chị Hồ Thị Tiềm. |
Xóm Cồn Thị xưa kia là một mỏm đất cao, được bồi đắp bởi hai con sông Bàn Thạch và Kỳ Phú. Giữa xóm nhiều cây thị cao to đến hai ba người ôm không xuể nên khi đến đây lập nghiệp, người xưa đặt tên khu vực này là Cồn Thị. Vị trí địa lí Cồn Thị xưa kia phù hợp với nghề đánh bắt thủy sản nên là kế sinh nhai duy nhất nuôi sống người dân trong xóm. Những gia đình chuyên sống bằng nghề chài lưới trên sông nhưng rất bấp bênh. Cá tôm dần cạn kiệt, đánh bắt bây giờ không thể giúp họ trang trải cuộc sống đắt đỏ nơi phố thị. Ông Lê Minh Ngọc, một người chuyên đánh bắt cá trên sông cho biết, khu vực sông Bàn Thạch qua xóm Cồn Thị thường xuyên bị ô nhiễm do nước thải từ chợ cộng với nước thải, rác thải của các khu dân cư khác trên địa bàn thành phố và cả rác thải của các gia đình ven sông trong xóm. “Cá tôm khan hiếm nên thả lưới, lồng chừ chỉ đủ đong gạo qua ngày. Mấy năm nay xảy ra hiện tượng cá trên sông Bàn Thạch chết hàng loạt nên ngư dân còn điêu đứng” - ông Ngọc nói.
Nhiều gia đình ở khối phố 6, P. Phước Hòa (P. Tam Kỳ) cần hỗ trợ để bớt khó khăn. |
Đời sống khó khăn, công ăn việc làm không ổn định nên lực lượng lao động chính ở Cồn Thị phải rời quê ra đi để mong tìm cơ hội... đổi đời. Trẻ con làng này nghèo quá mà phải bỏ học đi làm sớm là thực trạng. Cầu Kỳ Phú 1 qua sông Bàn Thạch ngay tại khu vực Cồn Thị làm cho tuyến đường dân sinh trước kia bị thu hẹp, người dân phải đi vòng vèo mới lên được cầu. Đường nhỏ hẹp ngay bên dưới cây cầu cao nên các hàng quán nước của người dân gần như cũng bị bít, buôn bán lèo tèo qua ngày. Mùa mưa lũ hằng năm thì Cồn Thị như một “ốc đảo”, cuộc sống, sinh hoạt của người dân càng thêm khốn khó. Chị Đặng Thị Ngọc Hà cho biết, khối phố 6 chiếm 50% số lượng hộ nghèo trên địa bàn P. Phước Hòa. Thành phố Tam Kỳ, chính quyền địa phương và khối phố quan tâm đến bà con trong khối phố nhưng cuộc sống của nhiều hộ dân vẫn còn khó khăn.
Thạch Hà