Báo Công An Đà Nẵng

Khôi phục nghề dệt thổ cẩm cho người Cơ Tu vùng thấp

Thứ năm, 12/04/2018 09:42

Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, cũng như giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu, cuối tháng 3 vừa qua, UBND H. Hòa Vang (Đà Nẵng) đã khai giảng 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho gần 30 phụ nữ người Cơ Tu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú). Thời gian khóa học diễn ra 5 tháng, vào 2 ngày cuối tuần do các nghệ nhân giàu kiến thức, kinh nghiệm ở H. Đông Giang (Quảng Nam) truyền đạt. Chị Alăng Thị Phương (H. Đông Giang) cho biết: "Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tận tình chỉ dạy cho các học viên thành thạo các khâu dệt thổ cẩm. Sau khóa học, học viên sẽ tự tay dệt được các trang phục truyền thống bằng sợi màu trang trí với các họa tiết hình học kết cườm trên vải". Cũng theo chị Phương, nghề dệt thổ cẩm ở Đông Giang được khôi phục từ năm 2003 với gần 100 hộ tại các xã Tà Lu, A Tiêng. Những học viên thạo nghề dệt thổ cẩm thành những mặt hàng có tính thẩm mỹ cao để làm hàng lưu niệm và thiết kế những trang phục từ thổ cẩm có tính ứng dụng cao cho người dân bản địa. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng lại một số làng nghề truyền thống ở các xã khác và một cơ sở dệt thổ cẩm quy mô tại trung tâm huyện. Ngày trước, thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng trong gia đình hoặc trao đổi với nhau. Bây giờ sản phẩm đã có thể gửi về xuôi, bán cho du khách lên vùng cao...

Phụ nữ Cơ Tu H. Hòa Vang tiếp nhận các trang bị và sẵn sàng khôi phục nghề dệt thổ cẩm.

Chị Nguyễn Thị Lệ (thôn Tà Lang) chia sẻ: "Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người dân miền núi nhưng đã bị thất truyền từ lâu, đến nay không còn ai lưu giữ nghề này nữa. Mỗi khi có lễ hội, chúng tôi phải đi mua trang phục truyền thống ở những đia phương khác". Được biết, để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa người Cơ Tu mang tính bền vững, thời gian qua, xã Hòa Bắc đã vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ, cấp phát 105 bộ trang phục truyền thống cho học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học; các em sẽ mặc trang phục này đến lớp vào ngày thứ 2 hàng tuần. Ngoài ra, các cấp chính quyền còn tích cực phối hợp với Ban điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam xây dựng Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ Tu" tại xã Hòa Bắc giai đoạn 2017-2018 với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó ngân sách đối ứng của huyện là 900 triệu đồng. Đến nay, Đề án này đã thực hiện nhiều chương trình như xây dựng 2 bản hương ước bảo vệ rừng; tập huấn cho đồng bào Cơ Tu về cách sống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tạo không gian tốt thu hút khách du lịch; thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng; mua cồng chiêng, trang phục truyền thống hỗ trợ nhóm văn nghệ...

Theo Trưởng phòng VH-TT H. Hòa Vang Đỗ Thanh Tân, thời gian qua, huyện đã tổ chức cho đồng bào Cơ Tu trên địa bàn nghiên cứu thực tế cách thức làm du lịch ở Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, H. Đông Giang); phục dụng các lễ hội "Ăn thề kết nghĩa", "Mừng lúa mới" và tập huấn các kỹ năng cần thiết. Bây giờ là khôi phục nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao đời sống đồng bào Cơ Tu. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một ý thức và phong cách làm du lịch cho chính người dân bản địa, giúp họ có thể hưởng lợi từ du lịch dựa trên thế mạnh và tiềm năng sẵn có ở địa phương. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục mở rộng giao lưu với cộng đồng người Cơ Tu vùng cao Quảng Nam để làm giàu vốn văn hóa cho người Cơ Tu vùng thấp và thắt chặt mối quan hệ giữa các địa phương; đồng thời, xây dựng kế hoạch lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như nói lý, hát lý, cồng chiêng, đan lát của dân tộc miền núi. Đây cũng là hoạt động quảng bá vẻ đẹp và sự độc đáo của văn hóa người Cơ Tu hướng đến phát triển du lịch cộng đồng của TP, huyện trong thời gian đến.

VY HẬU