Khốn đốn vì vay tiền qua App
Vay tiền qua App (phần mềm trên ĐTDĐ) với thủ tục nhanh gọn, không cần gặp mặt, tiền vẫn nhanh chóng “đổ” về tài khoản nên nhiều người “kẹt tiền” cứ “nhắm mắt” vào vay. Nhưng không ngờ, với lãi suất “cắt cổ” hơn cả tín dụng đen ngoài đời, vay tiền không trả đúng hạn thì “con nợ” và bạn bè, người thân bị bêu rếu, bôi nhọ hình ảnh lên mạng xã hội...
Hình ảnh nạn nhân gửi đến CA TT-Huế để phản ánh họ bị bêu rếu lên mạng xã hội dù không nợ nần gì. |
“Tín dụng đen” biến tướng
Dịch vụ quảng cáo mời gọi vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến (vay tiền qua App) đang bùng nổ và thu hút khách hàng với thủ tục đơn giản, nhanh gọn và không cần thế chấp. Người vay tiền chỉ cần cung cấp ảnh, CMND hoặc giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu với số tài khoản ngân hàng. Số tiền vay sẽ được giải ngân vào tài khoản ngân hàng của người vay. Số tiền trả cả gốc lẫn lãi hàng ngày sẽ được thông báo trên điện thoại của người vay qua App. Một số App quảng cáo, lãi suất cho vay dao động quanh từ 15-18%/năm. Thế nhưng, theo một số nạn nhân thì, họ tính rất nhiều loại phí, tổng cộng lãi suất vì thế có thể lên tới gần 1.000%/năm.
Chị Nguyễn T.N. (trú TP Huế, TT-Huế) kể rằng, chị tình cờ nhận được tin nhắn cho vay tiền qua ứng dụng trên ĐTDĐ, với thủ tục đơn giản nên trong thời gian bán buôn ế ẩm do dịch bệnh Covid-19, chị N. đã vay qua App với số tiền 10 triệu đồng, thời hạn trả trong 3 tháng. Sau khi hoàn tất thủ tục, tiền được chuyển ngay vào tài khoản cho chị.
“Vay 10 triệu đồng, nhưng khi giải ngân, mình bất ngờ chỉ nhận được 7 triệu đồng, 3 triệu đồng còn lại, họ nói trừ lãi suất tháng thứ nhất và các loại phí. Đúng 3 tháng nhưng do chưa trả đủ tiền nên tôi xin thêm 1 tuần thì các đối tượng dùng số điện thoại “lạ” gọi đến khủng bố, đe dọa. Sau đó, các đối tượng “ép” mình vay của App khác để lấy tiền trả nợ. Lo sợ bị đưa hình ảnh lên mạng, tôi buộc làm theo yêu cầu của các đối tượng, tiếp tục vay của các App sau để trả cho App trước. Dù chỉ vay 10 triệu đồng chỉ trong vài tháng nhưng đến nay, tôi đã trả tiền gốc và lãi hơn 35 triệu đồng nhưng hiện vẫn còn nợ 7 triệu đồng. Nếu không trả đủ thì số tiền tiếp tục tăng lên hàng ngày…”, chị T.N. kể lại.
Tương tự, anh Hoàng Văn Th. (trú TP Huế) cho biết, sau khi nhận được tin nhắn cho vay tiền qua App, anh cũng làm thủ tục vay 15 triệu đồng. “Mình làm nghề lái xe chở khách du lịch, số tiền này mình đã có kế hoạch trả trong 5 tháng. Nhưng không ngờ, số tiền mình phải trả đã lên 40 triệu đồng rồi nhưng nhân viên của App cho vay tiền vẫn thông báo, mình còn thiếu số tiền 10 triệu đồng nữa…”.
Bạn bè, người thân của “con nợ” bị vạ lây
Ngày 12-7, anh Đ.Q.H.L. (26 tuổi, trú TP Huế) gửi đơn trình báo đến Phòng CSHS CA TT-Huế với nội dung, anh L. và vợ anh cùng những người thân trong gia đình bị một số đối tượng không rõ lai lịch, vu khống vay tiền của các đối tượng và không trả. “Chúng bêu rếu hình ảnh của anh, vợ anh và gia đình lên mạng xã hội facebook cùng những lời lẽ xúc phạm. Mục đích của các đối tượng là ép tôi phải chuyển tiền cho chúng dù anh không nợ nần gì. Đồng thời, chúng còn sử dụng số điện thoại không hiển thị số gọi hàng trăm cuộc vào số máy tôi bất kể ngày đêm”, anh L. trình bày.
Theo cơ quan CA, qua xác minh ban đầu cho thấy, một người bạn trên facebook của anh L. có vay tiền qua App. Sau đó, người quen này không trả đúng hạn nên chúng nhắm đến danh bạ của bạn bè trên facebook để “khống chế”, uy hiếp, bêu rếu hình ảnh nhằm thu nợ… “Việc các đối tượng đưa hình ảnh tôi cùng gia đình lên mạng đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm và gây hiểu nhầm cho nhiều người”- anh L. bức xúc.
Tương tự, anh Phan Văn T. (trú H. Phú Vang, TT-Huế), một người vay tiền qua App cho biết: “Ban đầu là họ đề nghị người thân nhắc tôi trả nợ. Sau đó, họ còn yêu cầu gia đình phải trả nợ thay tôi vì “có mối quan hệ thân thiết”… Đỉnh điểm, họ còn đưa số điện thoại của các bạn gái lên các trang “web đen” để nạn nhân càng bị khủng bố hơn. Còn cá nhân tôi, những hình ảnh trong điện thoại gần như bị họ lấy sạch để gán ghép những lời chửi bới tục tĩu rồi gửi toàn bộ cho bạn bè, đồng nghiệp”.
Đại úy Lưu Thanh Tùng- Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế cho biết, từ đầu tháng 7-2020 đến nay, đơn vị liên tục nhận được trình báo của rất nhiều nạn nhân (trong đó, gồm cả “con nợ” và bạn bè, người quen của “con nợ” vay tiền qua App) bị bôi nhọ, bêu rếu hình ảnh của họ lên mạng xã hội sai sự thật. Theo Đại úy Tùng, có không ít cán bộ dù chẳng nợ nần, vay mượn tiền bạc của ai nhưng chúng vẫn bôi nhọ, đưa hình ảnh lên facebook chỉ vì những người này có trong danh bạ bạn bè facebook với người đi vay tiền.
“Khi tải những App vay tiền về điện thoại, người dùng sẽ bị các App yêu cầu cho phép truy cập vào danh bạ, tin nhắn của cả điện thoại và zalo, thậm chí ngay cả bộ sưu tập hình ảnh cá nhân cũng sẽ bị yêu cầu cho phép truy cập. Trường hợp nếu người dùng không đồng ý, App sẽ không cho vay tiền. Đây là một bước rất quan trọng, bởi khi có được danh bạ điện thoại, tin nhắn, các App này sẽ thu thập thông tin về “khách hàng” lẫn người thân, bạn bè, đồng nghiệp của các “con nợ” để sau đó thực hiện việc đòi nợ”, Đại úy Lưu Thanh Tùng cho biết.
HẢI LAN