Báo Công An Đà Nẵng

“Khôn Lao mặc muồn”

Thứ tư, 05/02/2020 22:02

Đầu năm tôi làm một chuyến “Tây Tiến” sang đất Lào. Lần này đi đến vài địa danh mới gắn liền với phía bắc thủ đô Vạn Tượng...

Cánh đồng Chum còn nhiều dấu tích hố bom thời chiến.

Cách thành phố tỉnh lỵ Savannakhet 30km về phía đông là một địa danh rất Tây, mang tên SENO, nơi gặp gỡ của hai con đường: đường 9 theo hướng đôngtây và Quốc lộ 13 chạy dọc theo chiều nam- bắc nước Lào. Một người bạn Lào kể rằng SENO là chữ nối lại của 4 mẫu tự S.E.N.O theo tiếng Pháp (Sud, Est, Nord và Ouest = Nam, Đông, Bắc, Tây), do người Pháp đặt tên khi xây dựng hai tuyến đường này từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Lúc đó trục đường này phục vụ cho việc vận chuyển thư tín và đi lại quan trọng của 5 xứ Đông Dương...

Từ ngã tư SENO đi về phía bắc hơn 500 km là thủ đô Vientiane và về phương Nam là cao nguyên Boloven và các tỉnh Saravan, Sê Kông, Champasak, Attapeu thuộc Nam Lào. Hướng tây, qua khỏi thành phố Savan là sông Mê Kông, ranh giới với Thái Lan mà cách đây 12 năm, chiếc cầu mang tên Hữu Nghị số 2 đã nối liền giao thông của đất nước Lào với tỉnh Mukdahan thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan. Từ cửa khẩu Lao Bảo ở phía đông thuộc tỉnh Quảng Trị đến SENO bằng con đường QL 9 trên đất bạn, đi ô-tô hết 4 giờ đồng hồ. Ngày nay, SENO trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng, thu hút nhiều nhà đầu tư từ Việt Nam, Mỹ, Thái Lan, Australia và cả Trung Quốc... Vì vậy, SENO luôn nhộn nhịp xe cộ, hàng hóa, như một trung tâm công nghiệp, dịch vụ ở miền Trung Lào.

Dọc từ SENO, qua các tỉnh Savannakhet, Phukhet, Bolikhamxay “Khôn Lao mặc muồn” đến thủ đô Vientiane ngày nay, có khoảng hơn 50 ngàn người Việt gồm nhiều thế hệ đến sinh sống từ năm 1945 và sau 1975. Chúng ta sẽ dễ dàng được họ hướng dẫn thăm thú nhiều nơi, kể cả được họ mời về nhà khá nhiệt tình... Nhiều bà con làm nghề kinh doanh, dịch vụ ở quy mô vừa và nhỏ. Ở một số địa phương có đông người Việt, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và lữ hành của họ rất phát đạt. Nhiều doanh nghiệp kiều bào đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực, đầu đàn của một số tỉnh, thành phố có vai trò trong kinh tế - xã hội địa phương và có nhiều hoạt động xã hội giúp địa phương xóa đói giảm nghèo, được các cấp chính quyền tin cậy và hoan nghênh. 

Nhìn qua dòng Mê Kông tươi đẹp này, một người bạn kể với tôi: Trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1946, nhiều nhà hoạt động Việt Minh đã vượt sông qua Thái Lan để bảo toàn lực lượng, khi nghe tin quân đội Pháp sẽ “làm cỏ” các thị xã ven sông này. “Nhiều người trong số họ đã nằm lại dưới dòng sông Mê Kông...”, anh nói. Từ khi hòa bình lập lại ở Đông Dương, rồi đến Hiệp định Mê Kông 1995 và nhất là Tuyên bố chung Hua Hin 2010 của chính phủ 4 nước trong tiểu vùng Mê Kông đã xác định: “Chính phủ các nước thành viên cần thiết tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do các hiện tượng tự nhiên và con người gây ra, và bảo vệ giá trị lớn lao của các hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái”. Ý tưởng xây dựng một Hành lang kinh tế Đông Tây từ tháng 10-1998 cho đến nay, cũng đồng thời tạo ra điều kiện giao lưu văn hóa và phát triển trong vùng. Nhờ vậy, đã giúp SENO trở thành một “ngã tư quốc tế” thật sự và những chuyến đi xuyên Á cũng ngày càng dễ dàng, giúp ta có dịp ngồi bên bờ sông này hoặc đi qua chiếc cầu Hữu nghị số 2 ở Savan, hoặc cầu số 1 ở Vientiane và nhìn ngắm dòng Mê Kông vừa trầm hùng, vừa thơ mộng.

Nếu vào 10 năm trước ở SENO chỉ có tiệm phở khô của bà Lò Thị Sửu, người gốc Hà Giang theo chồng đi lính Pháp định cư ở đây từ trước năm 1945, thì ngày nay, có thêm nhiều tiệm ăn lớn của người Việt mở ra và luôn đông khách. Khi đến Vientiane, chúng tôi đã vào những tiệm phở lớn hơn như Phở Đức Tùng từ Hà Nội sang kinh doanh, kể cả ngồi nhâm nhi cà-phê và chơi bi-a trong phòng máy lạnh gần cơ quan thương vụ của đại sứ Việt Nam. Đối diện đó là một siêu thị Vong Deuane, có tên Việt là Yến Hải chuyên bán hàng sỉ từ Thái Lan về, kiêm cả đổi ngoại tệ. Cách đó không xa là những hộ buôn bán quần áo người Quảng Nam, Đà Nẵng mới xuất hiện độ 5 năm qua...

Nhưng đó chỉ là những hộ kinh doanh trên phố. Khi tôi đi chợ Sáng, mới thấy sự năng động của bà con Việt kiều tại đây, họ là chủ những hiệu kim hoàn, hàng điện tử, hàng vải lớn trong khu chợ này. Ở Vientiane, chúng tôi còn quen biết một doanh nhân gốc Quảng, anh N.B.Đ, hiện là một nhà đầu tư trồng và chế biến cao su lớn, có lẽ chỉ sau đại gia Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai...

Thế nhưng cũng ở chợ Sáng, cũng có nhiều người Việt nghèo, họ là người bán hàng rong, công nhân các công trường xây dựng chỉ làm đủ ăn. Hoặc như một bạn trẻ từ Quảng Trị đến tận thị trấn Pakkading gần thủy điện Nậm Ngừm để mở tiệm sửa và rửa xe máy hơn 10 năm nay, nhưng chưa dám lấy vợ, vì sợ... không đủ tiền nuôi con! Dù ai, họ cũng sống lạc quan vui vẻ trong một đất nước hiền hòa...

Từ SENO đến thủ đô Lào chúng tôi luôn chạy dọc dòng Mê Kông hùng vĩ, luôn gặp những bà con người Việt thân thiện. Có người là con cháu bốn, năm đời sinh ra ở đây, nói tiếng Việt không trau chuốt bằng tiếng Lào, nhưng họ luôn luôn ân cần nếu gặp đồng hương từ bên nhà sang, sẵn sàng dừng lại chỉ đường khi biết chúng tôi đi tìm một chỗ nghỉ, một tiệm ăn hay hỏi thuê xe đi thăm một địa danh nào đó với tất cả sự vui vẻ... Trên hành trình từ thủ đô Vientiane về phía bắc đất nước Triệu Voi, Quốc lộ 13 là con đường huyết mạch nhưng đèo dốc hiểm trở... Chúng tôi vạch chương trình thăm cố đô và cánh đồng Chum trong 3 ngày sau khi rời thủ đô...

Di sản thế giới Luang Prabang cách Vientiane chỉ hơn 400 cây số nhưng phải đi mất 10 tiếng đồng hồ, khi phố đêm đã gần thưa khách du lịch chúng tôi mới đến nơi. Đường đèo dốc chiếm ba phần tư lộ trình.

Trước khi leo đèo, chúng tôi dừng ở thị trấn Vang Vieng để ăn trưa. Đây chính là trung điểm của hành trình và gần kề khu bảo tồn động vật hoang dã- khu du lịch thủy điện Nậm Ngừm nên tập trung rất nhiều du khách và nhiều nhà hàng thức ăn khá ngon... trước khi leo đèo...

Xe bò qua những vòng cong dựng đứng, cao ngất và nối tiếp nhau. Bên ngoài mưa dần nặng hạt và gió lạnh hơn. Hôm qua ở thủ đô nắng có lúc đến 38 độ C thì ở đây trên độ cao 1.300 đến 1.400 mét, chỉ còn 18 độ trong mưa. Con đường đèo một bên là núi một bên là vực sâu thăm thẳm, không có lan can phòng hộ mà chỉ rộng đủ cho 2 xe tránh nhau, thật là nguy hiểm. Mọi người đều căng thẳng, tay nắm chặt chỗ vịn phía ghế trước... Chỉ đến chỗ dừng lại vệ sinh hay hút thuốc mới nói với nhau vài câu để lấy lại bình tĩnh. Tôi cứ nghĩ dại, lúc đó nếu xe lạc tay lái hay nổ lốp, cả đoàn chúng tôi sẽ lao tự do ngay xuống vực và không cả thời gian hô... khẩu hiệu!

Luang Prabang là cố đô của Vương quốc Lane Xang từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI đến nay còn tồn tại nhiều di tích cổ như hoàng cung, các chùa cổ trên 600 năm như War Xiềng Thong và các bảo tàng lịch sử. 

Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1995 nhưng nó còn chứa đựng nhiều giá trị kiến trúc mang hơi hướng phương Tây đầu thế kỷ XX và là đô thị cổ có sự sinh hoạt của con người như Hội An ở nước ta. Các dãy phố buôn bán của người Lào, người Hoa khá nhộn nhịp. Phía dọc bờ sông Mê Kông được quy hoạch và quản lý khá tốt nên dù đông du khách vẫn nề nếp và vệ sinh. 

Ấn tượng với tôi là các con hẻm và lề đường đều được lát gạch khá tinh tươm. Ảnh các nhà sư áo vàng xuống sông gánh nước và làm ruộng phía ngoại ô mỗi sớm mai, tạo nên những hoạt cảnh sinh động nhưng đáng yêu...

Hầu hết những ngôi nhà dân trong phố nếu không buôn bán hay làm hàng thủ công đều được đón khách đến ở với giá 50-75 USD trong những căn phòng gỗ kiểu nhà rường khá thân thiện như ở Hội An. Một chủ nhà trong hẻm có phòng cho thuê nói, nhờ vậy dân cư như anh vẫn có thu nhập mà không cần đến mặt tiền!

Lần đầu vượt núi non hiểm trở đến Luang Prabang là chuyến đi mạo hiểm và lý thú, nhưng dừng chân ở các khu phố cổ bình yên này tôi vẫn thấy gần gũi ngay vì có nhiều kiến trúc và lối sống như Hội An. Nhiều ngôi nhà vẫn giữ lại bộ mái, cột gỗ đứng đá, tủ thờ, cối đá từ xưa của ông cha họ sau khi cải tạo. Một ông cụ lớn tuổi nói trước năm 1945, đã có nhiều thợ mộc từ Hội An và Huế được người Pháp đưa đến đây để dựng nhà cho họ!

Luang Prabang thật thanh bình vào những buổi sáng sớm với những đoàn tăng lữ áo vàng đi khất thực. Trên những lối phố ấy những người dân sùng kính đạo Phật đã bày sẵn từ tinh mơ những vật phẩm cúng dường khá cung kính chờ đợi. Một lối sống hiền hòa vốn có của miền đất Phật giáo!

Từ Luang Prabang quay về hướng nam trên QL13, để đi đến cánh đồng Chum phải rẽ về Khăm Muộn tại ngã ba bản Phou Khoun. Tuy là ngã ba nhưng độ cao ở đây vẫn hơn 1.200 mét... Phải vượt hơn 160km đường đèo dốc hiểm trở nữa để đến tỉnh Xiêng Khoảng...

Trên phố chính của thị xã Phon Savan ngày nay có nhiều cơ sở kinh doanh như khách sạn, hiệu ăn và cà-phê của người Việt. Nhưng tôi ấn tượng nhất với hiệu cà-phê mang tên Craters của vợ chồng Dũng. Những hố bom. Hơn 10 năm trước vợ chồng Dũng theo người anh bỏ khu chợ Bình Tây, quận 6 Sài Gòn qua đây lập nghiệp. Quen biết với các nhân viên rà phá bom mìn, anh hỏi thăm và được cho phép mua lại những vỏ bom, đạn cối, bom bi đã tháo ngòi nổ cùng các loại quân trang quân dụng khác do các đơn vị tháo gỡ khắp tỉnh Xiêng Khoảng, đưa về trưng bày như một showroom trong hiệu cà-phê của mình. Quán mang tên Craters lại càng mang tính khái quát cho một vùng đất tang thương nhất vùng Bắc Lào này trong giai đoạn 1965-1970, thành ra nó trở thành nơi thu hút nhiều khách du lịch...

Nhờ Dũng giới thiệu, tôi biết được năm 1977 chính phủ Lào đã từng mời một đoàn khách quốc tế gồm đại diện các cơ quan từ thiện, Chữ thập đỏ, Quỹ giúp đỡ trẻ em, UNICEF, FAO, WHO... và một nhà báo làm việc cho tạp chí Kinh tế Viễn Đông (Far Eastern Economic review) đến thăm Xiêng Khoảng. Trong đó có đại diện hai cơ quan của Mỹ là AFSC và MCC lần đầu đến Lào sau chiến tranh.

Một báo cáo và một bài tường thuật báo chí sau đó đã được công bố cho thấy Xiêng Khoảng và Phon Savan là một vùng bị bom đạn tàn phá nặng nề nhất với hàng vạn người chết và bị thương, hàng ngàn người sống sót sau những trận phi pháo là nhờ ẩn nấp trong các hang đá và rừng sâu. Hàng vạn héc-ta cây công nghiệp, lúa nếp và gia súc mất trắng. Sau chiến tranh, mỗi năm có hàng ngàn người chết hoặc tàn phế vì bom mìn còn sót lại khi họ đi khôi phục lại đồng ruộng.

Con đường chính mà ngày nay Dũng có hiệu cà-phê và các khách sạn quanh đây được mô tả là đã có hàng trăm cái chòi tạm cho người hồi cư được dựng lên với cuộc sống vô cùng cơ cực bên cạnh các hố bom... Có lẽ những thông tin quốc tế sớm sủa đó đến với thế giới đã giúp các bạn Lào sớm khôi phục các hậu quả của chiến tranh, nhất là các khoản giúp đỡ về rà phá bom mìn và nông nghiệp! Rà phá bom mìn tại khu vực cánh đồng Chum (Plain of Jars) được sự hậu thuẫn của New Zealand trong nhiều năm qua đã giúp Xiêng Khoảng thu hút du khách đến đông hơn, dù vẫn còn nhiều khu vực rộng lớn chưa thể đến được...

Chỉ cách thị xã tỉnh lỵ Phon Savan 8 cây số, cánh đồng Chum đã góp phần thúc đẩy kinh tế lẫn văn hóa Xiêng Khoảng phát triển hơn nhờ thu nhập từ du lịch. Chưa bước vào mùa mưa, nhưng các thảm cỏ và màu xanh các rừng cây công nghiệp quanh đây dường như đã nói lên điều đó! Các nghiên cứu khoa học về di tích bí hiểm mấy ngàn năm này vẫn còn phía trước. Các truyền thuyết về nó vẫn còn đất sống trong lòng người dân và du khách. Mỗi cách tiếp cận là ẩn trong đó những khát vọng về hạnh phúc và ấm no...

Vẫn còn nhiều hố bom trong ba khu vực đã an toàn cho du khách, nhưng màu xanh của hòa bình đã khuất lấp màu đỏ của đất bazan còn in dấu chết chóc của thời chiến.

Tôi trở về Việt Nam qua nóc nhà Đông Dương phía cửa khẩu Nậm Cấn, hình ảnh di tích cánh đồng Chum, quán cà-phê mang tên Craters vẫn như một niềm vui lung linh giữa ánh chiều...

Ấn tượng sau cùng của chuyến đi là câu nói cửa miệng của người Lào: Khôn Lao mặc muồn” (người Lào thích vui) mà chúng tôi vẫn nghe. Giờ đây nó cũng thành câu nói của những người Việt xa quê ở Lào: “Khôn Việt mặc muồn”!