Báo Công An Đà Nẵng

Không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông: Mối hiểm họa khôn lường

Thứ sáu, 07/12/2018 10:31

Trong số những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông (TNGT) phải kể đến hành động thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, đó là không chấp hành theo tín hiệu đèn. Đặc biệt, việc không chấp hành tín hiệu đèn vàng dường như diễn ra hầu khắp tất cả các nút giao thông có tìn hiệu đèn. Đáng nói, hành động tưởng như “không có  gì” này lại tiềm ẩn mối hiểm họa không lường về TNGT.

Mặc dù tín hiệu đèn đã chuyển qua vàng nhưng nhiều xe vẫn lưu thông.

“Tranh thủ”... đèn vàng...

Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định: “tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”. Trước đây, theo theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, người điều khiển xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu vi phạm tín hiệu đèn vàng. Tuy nhiên, kể từ ngày 1-8-2016, Nghị định mới số 46/2016 thay thế quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người đi xe máy và phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người đi ô-tô trong trường hợp “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu dao động”. Như vậy có nghĩa là theo Nghị định số 46/2016, không còn các mức phạt phân tách rõ rệt cho không chấp hành tín hiệu đèn vàng và tín hiệu đèn đỏ mà chỉ có mức phạt chung cho việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông. Quy định xử phạt đã rõ ràng như vậy nhưng không phải ai cũng có ý thức chấp hành.

Thử đứng tại một nút giao thông có tín hiệu đèn, chúng ta dễ dàng nhận thấy bất cứ lượt đèn vàng nào cũng có người tham gia giao thông cố tình vượt. Nhiều người có tâm lý “đèn vàng chứ chưa đỏ, vượt nhanh kẻo lỡ” mà không biết rằng chính việc làm này không những vi phạm giao thông mà còn làm mất ATGT cho chính mình và những người khác. Và thực tế, không ít lần những hành vi này đã gây ra tai nạn thương tâm. Chị Nguyễn Thị Thúy (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ: “Bản thân tôi đã có lần vì vội vàng, đến ngã tư thấy đèn vàng vẫn cố tình vượt qua, không ngờ bên kia có người cố tình vượt đèn đỏ, cả hai không xử lý kịp đã va chạm. Cú va chạm mạnh đã làm tôi gãy một bên tay, còn xe thì hỏng nặng. Sau lần ấy, dù có vội vàng đến mấy tôi cũng hoàn toàn “nói không” với việc vượt đèn vàng...”.

Trường hợp của chị Thúy chỉ là một trong nhiều vụ tai nạn xảy ra mà lỗi do không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông. Các vi phạm chủ yếu là khi thấy đèn xanh còn 1 giây hoặc đã chuyển sang đèn vàng, thay vì dừng xe trước vạch sơn, nhiều người điều khiển phương tiện cố tăng ga để vượt. Điều đáng nói, việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông có sự hệ lụy theo kiểu... “lan tỏa”. Cụ thể, theo quan sát, tại nút giao thông nếu một người vượt đèn vàng hoặc đèn đỏ thì sẽ xảy ra tình trạng một số người khác cũng vượt vì cho rằng “họ vượt được thì mình cũng vượt”. Bên cạnh đó, nhiều người khi lưu thông trên đường không thực sự chú tâm cứ theo quán tính thấy người khác đi rồi đi theo, số khác lại cho rằng không có CSGT ở đó nên... “vượt đại”. “Có lần, mọi người đều đang dừng đèn đỏ thì có một người rú ga chạy, nhiều người chủ quan tưởng đã hết đèn đỏ người này đi nên theo phản xạ mọi người vặn ga đi chạy theo. Ai ngờ ra đến giữa đường gặp phải xe đi ngang mới phát hiện hướng mình di chuyển vẫn đang trong thời gian đèn đỏ. Cũng may, cú “gặp gỡ bất đắc dĩ” này không để lại hậu quả cho ai. Từ đó đến giờ tôi luôn quan sát tín hiệu đèn cẩn thận trước khi đi...”, ông Lương Văn Kỉnh (Q.Thanh Khê) cho hay. 

Và nỗi kinh hoàng khi dừng đèn đỏ!

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm, trong số đó có nhiều vụ lỗi do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông. Nhiều câu chuyện đau lòng đã được kể, có người  mất mát người thân, có người đã từng một lần từ cõi chết trở về nên họ không thể mạnh dạn để bước ra đường. Với họ, tai nạn khi tham gia giao thông là một nỗi ám ảnh. Ông N. (Đà Nẵng) nói trong nước mắt: “Tôi đã mất con đầy đau đớn. Tại điểm dừng đèn đỏ, con tôi đã bị một chiếc xe chồm tới, húc từ phía sau gây chấn thương sọ não. Sau thời gian nằm viện, tôi đã mất con. Tôi không hiểu những người cầm lái họ nghĩ gì, trong khi điều đơn giản nhất như đến các điểm giao nhau thì phải giảm tốc độ đến mức an toàn mà họ còn không tuân thủ... Đằng này, trước mặt là đèn đỏ, mọi người đang chấp hành mà mình cứ ngang nhiên phóng tới gây TNGT, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Không chỉ trường hợp gia đình ông N. Mà nhiều người tham gia giao thông khi được hỏi đều cho rằng đến cả việc dừng đèn đỏ vẫn không hết nỗi lo TNGT. Cụ thể, có nhiều người bị tông từ phía sau “ngã nhúi nhùi” khi đứng chờ đèn đỏ, người may mắn thì chỉ bị trầy xước, người kém may mắn thì chỉ biết than trời. Chị Nguyễn Thị Anh là người phải mất mấy tháng băng bột vì gãy chân do bị tông từ phía sau khi dừng chờ đèn đỏ. Chị Anh cho biết, đến giờ mỗi lần đến điểm dừng đèn đỏ tâm lý chị rất bất an, ngó trước ngó sau rất khổ sở.

Theo Trung tá Phan Văn Thương - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông CATP TP Đà Nẵng, đèn vàng tuy có tính cảnh báo thấp hơn đèn đỏ nhưng rất cần thiết để người tham gia giao thông chuẩn bị sẵn sàng dừng lại, tránh trường hợp phanh gấp gây va chạm. Việc người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông không chỉ làm mất an toàn giao thông cho bản thân mà còn nguy hiểm cho người tham gia giao thông, cho cả luồng giao thông.  Người tham gia giao thông cần hiểu rằng quy định xử phạt đối với việc “không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông” có nghĩa là bất cứ tín hiệu nào của đèn giao thông (đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng) người tham gia giao thông đều phải chấp hành.

Sau mỗi vụ TNGT là vô vàn nỗi đau ập xuống với nạn nhân, với người thân, thậm chí nó khiến bao nhiêu ước mơ của những người trẻ tuổi tan biến. Đó thực sự là một gánh nặng với cả xã hội.  Đối với người tham gia giao thông, bất kỳ quy định giao thông nào vẫn là nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông. Chính vì vậy, việc tuân thủ theo luật là cần thiết bởi sau tất cả sự an toàn là mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta...

TRANG TRẦN