Không chỉ là điểm tựa
Ngày 6-9-1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734 về việc thành lập Tổ chức Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đối tượng chính sách. TGPL là chính sách tiến bộ, trách nhiệm của Nhà nước để đảm bảo cho mọi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội, được tiếp cận các trợ giúp cần thiết về pháp lý, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Trên cơ sở đó, năm 1998, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định thành lập Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh. Với mục tiêu, tính chất nhiệm vụ như thế nên lựa chọn trở thành TGVPL và gắn bó với công việc đó đòi hỏi cả sự bản lĩnh và tâm huyết cống hiến.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Hà Trung Thành cho biết hiện Trung tâm có 10 trợ TGVPL. Trung tâm cũng có 2 chi nhánh, tạo điều kiện thuận lợi nhất khi người dân có yên cầu hỗ trợ. Chỉ tính 8 tháng đầu năm 2023, Trung tâm tiếp nhận 301 yêu cầu và đã thực hiện TGPL 288 vụ việc. Trong đó, tham gia tố tụng 149 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 33 vụ việc và tư vấn 106 vụ. Con số đó đã nói lên được phần nào áp lực công việc nhưng chưa thể bật lên được hành trình vất vả, gian nan mà các TGVPL đối diện, trải qua.
Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Lương Chính cho biết, số lượng lớn trường hợp cần trợ giúp là người đồng bào thiểu số, địa bàn miền núi, không ít trong đó là bị can trong các vụ án hình sự. Việc tham gia tố tụng không chỉ ở các vụ án do tỉnh xử lý mà bao gồm cả địa bàn các huyện. Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng, quá trình bào chữa đòi hỏi những “luật sư công” này ngược xuôi, băng rừng, lội suối đến nhà để tường tận gia đình, mong thấu hiểu được thêm hoàn cảnh để có nội dung bào chữa, bảo vệ thuyết phục, lay động HĐXX. Chia sẻ về điều này, TGVPL Trần Đại Nghĩa (Chi nhánh số 1) không giấu được những xót xa khi gần đây đã thụ lý nhiều vụ án liên quan đến ma túy mà các bị can đối diện với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Sinh sống ở địa bàn vùng núi, là đồng bào thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế, một số thanh niên vì ham vui theo bạn vận chuyển, cảnh giới cho phi vụ ma túy lớn chỉ nhận vài trăm ngàn đồng uống nước để rồi trả giá bằng cả mạng sống. “Ở những vụ án đó, anh chị em chúng tôi cố gắng tìm bằng hết các tình tiết giảm nhẹ để HĐXX xem xét. Và sau những bản án mức phạt nặng nề, là nỗi day dứt, đau xót khôn nguôi của người thân” - TGVPL Lê Thị Thủy Ngân chia sẻ. Có những vụ án, các TGVPL lại ở hai tuyến khác nhau khi bị cáo lẫn bị hại đều là đối tượng được trợ giúp miễn phí. Trong đó có vụ xâm hại trẻ em. Dù ở “thế khó” như vậy nhưng các TGVPL đều đã thể hiện sự sắc bén, xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ của mình, nội dung thấu tình, đạt lý. Có trường hợp bị cáo vị thành niên bị VKS đề xuất mức án 8 năm tù nhưng qua tranh luận, bào chữa của TGVPL đã được HĐXX chấp nhận, tuyên còn 3 năm 6 tháng tù.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng cao, Trung tâm thường xuyên tổ chức các đợt truyền thông và tư vấn pháp luật. Chỉ tính riêng 8 tháng qua, đã tổ chức 31/43 đợt truyền thông và tư vấn pháp luật về trợ giúp pháp lý tại cơ sở và đã thực hiện tư vấn tại chỗ 186 vụ việc cho người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý. Thông qua đó, người dân được nâng cao kiến thức về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật người khuyết tật, một số quy định pháp luật liên quan đến đối tượng người chưa thành niên như: kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, một số quy định của Luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân ở cơ sở… Trung tâm cũng tổ chức bồi dưỡng kiến thức TGPL tại 10 xã Hải Khê, Hải An huyện Hải Lăng; xã A Ngo, A Vao, Tà Rụt, Đakrông, A Bung, Húc Nghì, Mò Ó, Triệu Nguyên H.Đakrông. Tham dự hoạt động bồi dưỡng kiến thức là những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ tại cơ sở như cán bộ thôn,bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm…
Với những nỗ lực bền bỉ, trách nhiệm và tâm huyết, những “luật sư công” thực sự là chỗ dựa tin cậy, là nơi thắp lên niềm tin mà nhiều phận đời, số phận đã tìm thấy giữa sóng gió khó khăn, nghiệt ngã.
Bảo Hà