Báo Công An Đà Nẵng

Không cho "đi bước nữa"

Thứ năm, 28/09/2017 09:28

- Ai bị ngăn vậy Bề Tui?

- Người bệnh có tham gia BHYT.

- Ai ngăn?

- Cơ quan giải quyết chế độ khám chữa bệnh BHYT.

- Không cho người bệnh có BHYT "đi bước nữa" là như thế nào?

- Là vầy, theo Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế có quy định: "Trường hợp người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi". Nói nôm na là Bộ Y tế cho phép người bệnh có BHYT được chuyển tuyến trung gian. Nhưng, thời gian qua, BHXH TP Đà Nẵng lại chỉ đạo các cơ sở y tế không được chuyển tuyến trung gian, yêu cầu bệnh nhân phải quay về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để lấy giấy chuyển viện.

- Vậy tức là bệnh nhận đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các TTYT quận, huyện thuộc TP Đà Nẵng hay các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng muốn được chuyển đi Hà Nội, TP HCM để điều trị bệnh thì buộc phải quay về cơ sở y tế ở địa phương để xin giấy chuyển viện...

- Đúng thế.

- Thủ tục quay về "vạch xuất phát" như rứa thì phiền hà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân quá.

- Không riêng gì tờ giấy chuyển viện, nhiều vấn đề khác liên quan đến công tác khám chữa bệnh hiện cũng đang bị gây khó. Ví như Công văn số 2692/BHXH-CSYT của BHXH Việt Nam quy định: "Đối với giường bệnh nội trú: Trường hợp cơ sở KCB kê thêm giường điều trị nội trú ngoài giường kế hoạch thì số giường thực kê thanh toán tối đa 30% số giường được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện trong năm...". Đây cũng là một quy định gây khó khăn cho người bệnh và cơ sở KCB, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện có tự chủ về tài chính và các bệnh viện có tỷ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh cao.

- Rứa chừ phải làm răng Bề Tui?

- Bề Tui thiển nghĩ, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của người dân thì các cơ quan chức năng liên quan, nhất là cơ quan BHXH và y tế cần sớm nghiên cứu giải quyết những vướng mắc, khó khăn một cách hợp tình, hợp lý. Qua đó, tránh tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược".

BỀ TUI