Báo Công An Đà Nẵng

Không chủ quan với tiêm phòng bệnh sởi

Thứ ba, 09/04/2019 12:15

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, địa bàn vừa xuất hiện 5 ca trẻ em mắc bệnh sởi nhưng phụ huynh vẫn còn chủ quan, không đưa con đi tiêm phòng. Một số phụ huynh bỏ qua các mũi tiêm để chờ tiêm dịch vụ, điều này khiến nguy cơ bùng phát dịch tăng cao.

Phụ huynh cần chủ động đưa con đi tiêm vaccine phòng sởi.

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, từ đầu năm 2019 đến nay đã có 16 trường hợp sốt phát ban nghi sởi và đã lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó có 5 trường hợp đã có kết quả dương tính với bệnh sởi. Các ca bệnh sởi trên nằm rải rác tại huyện Phú Ninh, Tiên Phước, TP Tam Kỳ. Quảng Nam vẫn chưa công bố ổ dịch vì số ca bệnh này không nằm tập trung, hiện có 4 ca bệnh đã xuất viện an toàn. Để ngăn chặn sự bùng phát của sởi, yếu tố tiên quyết là trẻ em trong độ tuổi phải được tiêm vaccine đầy đủ. Các bà mẹ cần đưa trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Trường hợp đã được tiêm phòng nhưng phụ huynh cũng cần đưa trẻ đi tiêm trong các chiến dịch tiêm bổ sung. Hiện bệnh sởi vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, các ca bệnh chỉ điều trị theo phương pháp hỗ trợ bệnh như: cách ly bệnh, hạ sốt, vệ sinh mắt miệng, dùng vitamin A liều lượng cao và theo dõi biến chứng.

Những ca bệnh sởi mới được phát hiện thời gian gần đây nằm trong chu kỳ của bệnh sởi, thường là 4-5 năm. "Sởi là một dạng của sốt phát ban vì vậy khi không có dịch cũng có thể mắc sởi. Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Hiện nay trên cả nước đang có nhiều nơi phát hiện sởi, để chủ động khống chế, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát, ngành Y tế tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các trung tâm y tế ở các địa phương tăng cường công tác khám, nhất là các ca sốt phát ban cần phải phân loại để đảm bảo phát hiện đúng bệnh. Tuy nhiên, về lâu dài cách ngăn ngừa xử lý bệnh sởi tốt nhất vẫn là cho trẻ tiêm phòng, nâng cao số lượng trẻ được tiêm phòng để đảm bảo cộng đồng dễ mắc sởi không gia tăng qua các năm. Theo khảo sát chung thì phần lớn những người mắc sởi là người dân lao động lúc nhỏ không được tiêm chủng, một số phụ huynh có hiểu biết nhưng ngại tiêm cho con vì nhiều lý do hoặc bỏ tiêm nhưng không có điều kiện tiêm dịch vụ. Điều này là rất nguy hiểm", ông Hai nói. Cũng theo ông Hai, ngoài số lượng người lớn lúc nhỏ không được tiêm thì cũng có một bộ phận nhỏ mũi tiêm cho trẻ không đạt yêu cầu, vì vậy Bộ Y tế có tổ chức tiêm nhắc lại sởi - rubella đối với đối tượng trên 15 tuổi để đảm bảo an toàn. Theo thống kê năm 2018 Quảng Nam có gần 27 nghìn trẻ được tiêm vaccine sởi mũi 1 (từ 9 đến 12 tháng tuổi), đạt 94%; tỷ lệ trẻ tiêm sởi mũi 2 (từ 18 tháng) đạt 88,6%. Ngoài ra, trong chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubelle cho trẻ 1 - 5 tuổi ở 6 huyện miền núi (Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My), tỷ lệ trẻ được tiêm đạt 92,2%.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa có văn bản khuyến cáo phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi đầy đủ và đúng lịch. Bệnh sởi rất dễ lây, khi phát hiện các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo.

ĐỒNG DAO