Báo Công An Đà Nẵng

Đội tuyển quốc gia Việt Nam và Vòng loại thứ 2 World Cup 2026:

Không có chỗ cho thử nghiệm

Thứ ba, 07/11/2023 13:45
Nhiều gương mặt trẻ được HLV Troussier gọi tập trung trong tháng 11.

Chỉ còn chưa tới 10 ngày, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào trận đấu đầu tiên với đội tuyển Philippines ở Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á.HLV Troussier sẽ phải chính thức bắt đầu “giấc mơ World Cup” với lực lượng không phải là tốt nhất như kế hoạch, lại còn kéo theo hàng loạt cầu thủ trẻ “học việc”. Hơn 7 tháng, có lẽ vị chiến lược gia này đã “chấm” cho mình đội hình ưng ý nhất có thể, nhưng lúc cần, lại hao hụt bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, có những cái tên đã nêu.

Triết lý xuyên suốt của HLV Troussier là lối chơi kiểm soát bóng, luân chuyển bóng tốc độ cao và tấn công chớp nhoáng khi có cơ hội. Hơn 7 tháng cầm quân và liên tục sàng lọc, thử nghiệm qua các giải đấu khu vực, châu lục, “phù thủy trắng” vẫn trung thành với quan điểm đó và cho rằng không có lý do gì để từ bỏ. Vì vậy có thể tin rằng, ở 2 cuộc đối đầu với Philippines và Iraq trong tháng 11, Văn Lâm và đồng đội vẫn “cứ thế mà chơi”.

Công bằng mà nói, khả năng kiểm soát bóng ở các đội tuyển do HLV Troussier dẫn dắt ngày càng được cải thiện, ngay cả khi đối diện với những đội bóng mạnh. Nhưng kiểm soát bóng tốt để làm gì, một khi không ghi được bàn thắng?. Đòi hỏi của HLV Troussier với các học trò với tổng thể là kiểm soát bóng ở áp lực cao, di chuyển đồng bộ trong tấn công lẫn phòng ngự, hỗ trợ nhau thoát pressing với cá nhân là chơi đa năng, chuyền bóng chất lượng và phát động tấn công khi có cơ hội… Cảm giác HLV người Pháp “đòi hỏi” các học trò Việt Nam phải chơi như các cầu thủ Nhật mà ông từng dẫn dắt và rất thành công. Ấy nhưng, rõ ràng cả lịch sử và hiện tại, cầu thủ Việt không đủ giỏi, đủ sức và nhãn quan chiến thuật tốt như cầu thủ xứ sở mặt trời mọc, lăn lộn ở nền bóng đá đáng xếp hàng đầu châu Á.

Nhìn vào hàng công mà HLV Troussier mang đến vòng loại thứ 2 World Cup 2026, không hẹn mà gặp, đều vô duyên ở 3 vòng đấu V.League đã qua. Tiến Linh, Văn Toàn, Văn Quyết, Văn Tùng, Tuấn Hải, Thanh Nhàn, Đình Bắc, Hoàng Đức đều tịt ngòi. Đây là vấn đề lớn mà ban huấn luyện phải giải quyết trong rất ít thời gian còn lại, bởi đây cũng là những gương mặt chủ lực của các CLB chủ quản, và đa số đều phải đá rất “thực” ở cuộc đua tranh sân cỏ trong nước.

Sự kiên định về lối chơi cho đội tuyển quốc gia là cần thiết. Tính tập thể được đề cao cũng tối quan trọng. Nhưng để nói rằng với triết lý kiểm soát bóng, đội tuyển Việt Nam không cần ngôi sao là một sai lầm. Phẩm chất nổi trội của một ngôi sao là tỏa sáng, tỏa sáng đúng lúc. Có thể HLV Troussier phát biểu thế vì toàn cục, ngăn chặn mặt trái thường thấy của các ngôi sao, nhưng thâm tâm ông biết mình rất cần. Những “thử nghiệm” Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải hay thậm chí Thanh Nhàn, Đình Bắc trong những đợt tập trung trước đây cho thấy HLV Troussier không quá “bảo thủ” như nhiều người nghĩ, mà đi tìm cơ hội cho mình và cho cầu thủ. Ấy là việc thường thấy trong hành trình tìm “sao”. V.League không phải là La Liga, Premier League, Bundesliga, thậm chí là Japan League, Thai League để dễ bề lựa chọn. Một giải đấu trường kỳ ngoại binh ẵm giải vua phá lưới không phải là mảnh đất màu mỡ gì cho “cây trái nội địa”. Mệnh danh là “phù thủy”, nhưng HLV Philippe Troussier cũng đành “có gì dùng nấy”, vấn đề còn lại là mức độ tài năng đến đâu để biến cái không thể thành có thể.

Thực tế, chất lượng đội tuyển hiện tại chưa ngang bằng chính các đội tuyển Việt Nam các giải quốc tế cận kề, chứ chưa nói đến thực tế các đối thủ tại khu vực, châu lục đã có những bước tiến mới. Tuy vậy, đánh giá ấy chủ yếu dự vào kết quả của đội tuyển ở các giải đấu và giao hữu FIFA Days mang tính thử nghiệm nhiều hơn là chính thức. Đây là cơ sở (mong là vậy) để hy vọng rằng khi đã bước vào cuộc chiến thật sự như vòng loại thứ 2 World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam sẽ đá với một tâm thế khác hẳn, với đội hình, phương án được cho là tối ưu nhất. Và chính tại đây, HLV Troussier cần chứng tỏ mình có tài năng như được “giới thiệu”, chứng tỏ rằng quá trình thử nghiệm đầy “tổn thương” mà đội tuyển Việt Nam đã trải qua là không phí phạm…

T.S