Báo Công An Đà Nẵng

Không có chuyện lợi dụng trời mưa để xả nước thải chưa qua xử lý ra biển

Thứ hai, 09/04/2018 13:10

Đó là khẳng định của ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng vào ngày 8-4 khi trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng về nguyên nhân nước thải chưa qua xử lý ở các cửa xả tràn ra biển tại bãi biển Mỹ Khê (Q. Sơn Trà) và một số khu vực khác trên địa bàn thành phố vào ngày 7-4 vừa qua.

Hình ảnh nước thải chưa qua xử lý tràn ra bãi biển Mỹ Khê trong ngày 7-4.

Khẳng định đây không phải là sự cố tràn nước thải chưa qua xử lý ra biển, bởi theo ông Mã, “ở Đà Nẵng có rất nhiều cống, cửa xả nước thải ra biển”. Cụ thể, trên các tuyến biển tại Đà Nẵng có tới 16 cửa xả, và tất cả cửa xả này đều lắp đặt hệ thống thu gom nước thải (máy bơm) để đưa về các nhà máy xử lý”. Nêu ví dụ trong mùa khô, khi trời ít mưa, Công ty thường xuyên tiến hành thu gom để đưa nước thải về xử lý ở các nhà máy đóng tại Q. Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, sau đó mới xả ra hệ thống thoát nước chung của thành phố. “Tuy nhiên khi có mưa lớn, cụ thể là trong ngày 7-4, nước thải và nước mưa cùng chảy ra một tuyến cống nên lượng nước tăng đột biến, hệ thống bơm không thể thu gom hết nên có một lượng nước buộc phải chảy ra biển”, ông Mã nói. Đồng thời cho biết, kể cả các cửa xả ven sông Hàn, khi nước mưa lớn vẫn có một lượng nước chưa qua xử lý chảy ra sông.

Về việc khắc phục tình trạng trên, ông Mã thông tin rằng, hiện Công ty vẫn đang tăng cường bơm, vệ sinh, xử lý mùi, khoáng hóa để khắc phục một phần nào đó độ ô nhiễm. “Ngay trong sáng 8-4, mặc dù Công ty đã tăng cường nhân lực, phương tiện, đặc biệt là vận hành hết công suất các máy bơm, tuy nhiên do lượng nước mưa và nước thải quá nhiều nên vẫn còn tình trạng nước thải chảy ra biển”, ông Mã cho biết.

Theo ông Mã, ước tính, mỗi ngày đêm, Công ty cho vận hành, bơm hết công suất là khoảng 20 ngàn m3 nước về  trạm xử lý nước thải ở Ngũ Hành Sơn, còn tại trạm Sơn Trà khoảng 25 ngàn m3. “Mặc dù vận hành hết công suất, 24/24 giờ nhưng vẫn không thể xử lý hết lượng nước ùn ứ trong hệ thống”, ông Mã tiết lộ.

Nói về giải pháp lâu dài, căn cơ hơn để xử lý tình trạng khi có mưa lớn, cùng với lượng nước thải từ các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh xả ra thì sẽ tiếp diễn tình trạng nước thải chưa qua xử lý tràn ra biển, ông Mã cho biết, hiện thành phố đã có chủ trương đầu tư hệ thống cống bao để nâng công suất thu gom nước thải. “Việc đầu tư hệ thống này sẽ được tiến hành trong nay mai, hy vọng sẽ giải quyết được tình trạng trên”, ông Mã nói.

Trả lời thông tin liên quan đến việc một số người dân cho rằng các doanh nghiệp, nhà hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn lợi dụng tình trạng mưa lớn để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, ông Mã khẳng định “không thể có”. Lý giải về vấn đề này, ông Mã cho biết, khi đầu tư xây dựng công trình, các chủ đầu tư phải được Sở Xây dựng phê duyệt, kể cả phê duyệt hệ thống xử lý nước thải ngay trong cơ sở của mình. Cụ thể là, trước khi tiến hành xây dựng công trình, chủ đầu tư phải trải qua tuần tự các bước, trong đó có bước đánh giá tác động môi trường (DTM). Đồng thời các ngành chức năng liên quan của thành phố đã kiểm soát các công đoạn trước, trong và sau khi xây dựng công trình nên không thể có chuyện xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý được. Trước khi nước thải từ các cơ sở kinh doanh thải ra hệ thống thoát nước chung của thành phố, thì phải đi qua hệ thống xử lý ở trong các cơ sở kinh doanh này.  

Ông Mã khẳng định, nếu trời không tiếp tục mưa thì trong ngày hôm nay (9-4), lượng nước thải này sẽ không tràn ra biển nữa, và lúc đó Công ty sẽ cho các phương tiện, máy móc để hoàn trả lại nguyên trạng bãi biển như ban đầu.

* Ngày 8-4, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng cho biết, sau quá trình quan trắc, lấy mẫu nước biển để phân tích tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hơn 3km biển Đà Nẵng (thuộc địa bàn Q. Thanh Khê và Liên Chiểu) đổi màu sẫm, sủi bọt và có mùi hôi xảy ra từ ngày 24 đến ngày 25-3 gây bất an trong dư luận, đến nay đơn vị đã có kết quả ban đầu về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Theo đó, qua phân tích mẫu nước biển, quan trắc môi trường tại khu vực biển Nguyễn Tất Thành, đoạn từ khu vực  cống xả Phú Lộc đến khu vực biển Xuân Thiều (Q. Liên Chiểu) vào chiều ngày 25-3 và ngày 26-3 cho thấy, tại thời điểm lấy mẫu không xảy ra tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, qua phân tích mẫu nước biển, Sở TN-MT đã phát hiện một loài tảo giáp. Mặc dù không gây độc tố nhưng loài tảo giáp này có thể gây hiện tượng nở hoa với sinh khối lớn gây giảm nồng nộ oxy và khiến nhiều sinh vật sống trong môi trường biển bị chết, cũng như gây hiện tượng nghẹt mang cá do thiếu oxy. Hiện Sở TN-MT đang tiếp tục phân tích kết hợp tảo và sẽ có kết luận chính thức trong thời gian tới.

P.V

Trước đó, vào sáng và trưa 7-4, nhiều người dân và du khách tham quan, tắm biển ở vùng biển Mỹ Khê (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) bất an trước cảnh tượng dòng nước thải đen ngòm từ các cửa xả thải chảy tràn ra bãi biển. Nghiêm trọng hơn dòng nước này bốc mùi hôi thối, tạo cảm giác khó chịu, ngột ngạt khi đến gần. Một số đoạn bờ biển ở cửa xả thải do lượng nước thải chảy ra thành dòng nên bị xé toạc thành mương nước... Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, thương hiệu là “1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh”, đó là chưa kể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến ngành du lịch, dịch vụ của Đà Nẵng nếu không kịp thời khắc phục.

D.HÙNG