Báo Công An Đà Nẵng

Không có hồ sơ lưu đối với thương binh Trần Bá Nha: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ tư, 05/08/2015 09:07

Hồ sơ của ông Trần Bá Nha ở đâu?

(Cadn.com.vn) - Theo bà Hoàng Thị Lộc (1937, hiện trú  476/28-Điện Biên Phủ, P. Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) trình bày: chồng bà là ông Trần Bá Nha (1927) tham gia cách mạng tháng 11-1945 và bị thương trong kháng chiến chống Pháp. Thương binh loại 2/4 (Giấy chứng nhận thương binh số 19226, do Bộ Nội vụ cấp ngày 13-10-1959). Tháng 12-1954 tập kết ra Bắc làm Quản đốc tại Trại Thương binh A32 Nghệ An. Năm 1958 làm Quản trại trưởng Tập đoàn Thương binh, thuộc Liên Đoàn sản xuất Miền Nam, H. Chí Linh, Hải Dương. Đến ngày 30-8-1962, do vết thương tái phát nên chồng bà đã qua đời tại xã Bắc An, Chí Linh, Hải Dương. Đến năm 1990, bà cùng các con vào Đà Nẵng sinh sống cho đến nay.

Bà Lộc trình bày sự việc.

"Đối chiếu chính sách của Nhà nước, tôi thuộc diện được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Tôi đã làm đơn gửi lên Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng) nhưng không được giải quyết, lý do là không có hồ sơ lưu của ông Trần Bá Nha. Tôi cũng đã gửi đơn đề nghị giải quyết đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương, nơi cư trú cuối cùng của chồng tôi; Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) hỏi về vấn đề này nhưng vẫn không được giải quyết, lý do là cũng không có hồ sơ thương binh của ông Trần Bá Nha", bà Lộc cho hay...

Điều đáng nói, trong khi các cơ quan chức năng không có hồ sơ lưu nhưng gia đình vẫn có đầy đủ các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận thương binh, lý lịch quân nhân, thẻ thương binh, kỷ niệm chương, giấy chứng nhận đeo huân chương, lý lịch đảng viên và các loại huy hiệu, huân chương khác. Chính vì vậy, bà Lộc bức xúc khi không hiểu nguyên nhân vì sao mà Cục Người có công và những cơ quan khác lại không có danh sách, hồ sơ của ông Nha.

Giấy tờ liên quan đến thương binh Trần Bá Nha mà bà Lộc còn lưu giữ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Để hiểu rõ hơn về nội dung đơn của bà Lộc, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã trao đổi trực tiếp với ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng và được ông cho biết: Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng tiếp nhận một số giấy tờ liên quan đến ông Trần Bá Nha là chồng của bà Lộc. Trong đó, có công văn Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương; Cục người có công Bộ LĐ-TB&XH) trả lời: "Không thấy hồ sơ thương binh của ông Trần Bá Nha".

Căn cứ vào Điều 40, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15-5-2013 của Bộ LĐ-TB&XH quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết trợ cấp tiền tuất hàng tháng khi người có công từ trần gồm: Bản khai của thân nhân người có công từ trần; Bản sao Giấy chứng tử; Hồ sơ người có công với cách mạng... Nhưng hiện nay Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng không lưu hồ sơ thương binh của ông Nha nên không đủ cơ sở xem xét hướng dẫn bà Lộc lập hồ sơ giải quyết tuất từ trần theo quy định.

Cũng theo ông Hoàng, mặc dù không có hồ sơ lưu để xem xét giải quyết nhưng Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng đã có công văn gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị- Bộ Quốc phòng đề nghị kiểm tra hồ sơ lưu trữ nếu có hồ sơ thương binh Trần Bá Nha thì sao lục gửi về để đơn vị có cơ sở giải quyết chế độ cho bà Lộc theo quy định. Tuy nhiên đơn vị này cũng đã trả lời không có hồ sơ lưu.

"Nguyên tắc không có hồ sơ lưu thì Đà Nẵng không thể giải quyết chế độ cho bà Lộc được. Tuy nhiên chúng tôi đã, đang và sẽ làm hết sức mình đối với trường hợp thương binh Trần Bá Nha. Trong trường hợp này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc lưu trữ hồ sơ của ông Nha...", ông Hoàng nói thêm.

Như vậy, các cơ quan chức năng đều xác định không có hồ sơ thương binh Trần Bá Nha lưu trữ tại đơn vị nên cơ quan chức năng TP Đà Nẵng không thể giải quyết chế độ cho bà Lộc theo quy định là đúng. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây, những loại giấy tờ mà bà Lộc lưu giữ có đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng xem xét hay không? Nếu có, cơ quan chức năng cần phải hướng dẫn, giải quyết cho bà theo quy định của pháp luật; Nếu không, cũng nên có hướng giải quyết vấn đề này đảm bảo quyền và lợi ích của gia đình người có công...

Trang Trần