Không đâu bằng chốn quê nhà
(Cadn.com.vn) - Có một đêm cách đây đã lâu tôi may mắn được nghe nhạc sĩ Trần Tiến hát trong một căn phòng nhỏ ở một khách sạn bên sông Hàn. Nói đúng hơn là tôi nghe anh độc hành với tiếng chim quê bằng tâm hồn của người nhạc sĩ hát rong hiện đại. Ôm đàn gõ nhịp với đời từ năm 17 tuổi với những ca khúc đầy ngẫu hứng một thời đã in sâu trong tâm trí của nhiều người. Và hơn thế nữa… Trần Tiến có quá nhiều ca khúc nổi tiếng mà nhiều người biết, nhưng bài viết này tôi chỉ muốn dừng lại ở hai tác phẩm ít được phổ biến của anh đấy là Độc huyền cầm và Tiếng chim quê. Đây là hai ca khúc mà tôi được nghe tác giả hát lần đầu tiên với công chúng yêu âm nhạc ở Đà Nẵng:
Độc huyền cầm buồn lắm
Mấy ai người tri âm
Độc huyền cầm lẻ loi
Bay ngang cánh chim hồng.
(Độc huyền cầm)
Vẫn những giai điệu khúc thức đầy ngẫu hứng vẫn là anh đấy thôi nhưng người nghe đã nhận ra một Trần Tiến độc hành đi tìm tiếng chim quê nơi vườn cũ một mình tìm lại những tháng năm đã mất, tìm lại đời mình:
Chiều trên phố nghe tiếng chim quê
Chàng Trương Chi buồn nhớ quê nhà.
(Tiếng chim quê)
Trương Chi vẫn còn lang thang nơi đất khách chưa về? Bỏ dòng sông xa rời Mỵ Nương, bạn bè cũ quê nhà mờ sương. Tôi mơ hồ nhận ra sự đơn độc của người nhạc sĩ “hát rong” bao năm trên đời mà vẫn thiếu tri âm. Thường những lúc như vậy ai cũng mong tìm về chốn cũ: “Đời không đâu bằng chốn quê nhà”. Tâm trạng của bài hát rất dễ tri âm với con người trong cơn lốc đỏ đen này, còn anh thì vẫn cứ độc hành. Bao hơn thua được mất ở đời mà chi một khi con người cứ sắm vai trước nỗi cô đơn luôn ám ảnh dằn vặt chính mình, Trần Tiến tri âm với “độc huyền cầm”...
Tôi là người ngoại đạo với âm nhạc nên chẳng dám luận bàn gì về giai điệu khúc thức. Chỉ đồng cảm với ca từ mà thôi. Đây cũng là một trong những đòi hỏi cũng không mới lạ gì với công chúng yêu nhạc. Lời hát làm cho con người sống đẹp hơn thức tỉnh và cao thượng hơn chứ không phải chỉ có những con chữ dễ dãi vô hồn chen vào giữa hai dòng nhạc. Mà ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn là một ví dụ. Làm sao mà ngồi yên, làm sao không chạnh lòng khi nghe những lời hát:
Gió mây ngàn về đâu
Cũng thu về một bóng
Tráng sĩ ngồi lặng câm
Độc hành độc huyền cầm.
(Độc huyền cầm)
Ai cũng đi tìm cho riêng mình một khoảng trời một nơi nương tựa. Nhưng mấy người gặp được tri âm. Có phải vì nỗi cô đơn ấy mà một chiều rất xa ở Đà Nẵng, Trần Tiến thảng thốt khi nghe tiếng chim cu làm anh nhớ quê nhà:
Chàng đi giữa phố phường lạnh giá
Còn đâu nữa tiếng đàn ngày xưa…
Tìm hạnh phúc gia đình yên ấm
Ổ rơm khô khói lam sương mờ.
(Tiếng chim quê)
Khi đau đớn, bơ vơ nhất người ta thường nhớ đến quê làng. Những rơm khô khói lam sương mờ đôi khi lại giải thoát được nỗi đau ấy của người nghệ sĩ. Bởi chính đấy mới là nơi trở về sau những ngày lang thang giữa phố phường chật hẹp. Và mỗi lần như thế, người mẹ bao giờ cũng là nỗi nhớ day dứt:
Mẹ dặn con đừng hát khúc ca buồn
Rồi tiếng hát vận vào đời con
Con đâu có nghe…
Chàng Trương Chi ôm sáo tre nằm chết bên hè.
(Tiếng chim quê)
Tiếng hát vận vào đời con mới sinh ra cái bi kịch ấy mẹ ơi! Độc huyền cầm, cây đàn ấy chỉ có một dây mà đã tạo ra bao nguồn vui se thắt bằng thứ âm thanh của riêng mình. Cũng như người nhạc sĩ ấy độc hành trên cõi đời thiếu tri âm nhưng cứ lấp lánh, cứ cháy hết những gì trời đã ban cho mình. Cứ ca hát hết lòng với cuộc đời này rồi về chốn quê nhà ngồi nghe tiếng chim cu nơi vườn cũ:
Tìm đâu nữa thiên đường mờ xa
Đời không đâu bằng chốn quê nhà...
NGUYỄN NGỌC HẠNH