Báo Công An Đà Nẵng

Không để hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất

Thứ hai, 26/07/2021 15:39

Lão nông Nguyễn Xí (thôn La Bông, xã Hòa Tiến) cả đời gắn bó với đồng ruộng,làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Trước đây, trồng lúa nước là nghề vất vả của nhà nông. Còn bây giờ, nhờ có những "cú hích" từ cơ chế, chính sách, đặc biệt là sự đột phá trong tư duy, mạnh dạn áp dụng những mô hình, phương thức sản xuất tiên tiến, gắn chặt với nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã có "của ăn, của để dành"…

Tình cờ gặp lão nông Nguyễn Xí (67 tuổi, thôn La Bông, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) đang phun thuốc bảo vệ thực vật ở đám ruộng ven đường, trong lúc những cánh đồng xung quanh không còn bóng người. "Làm nông bây giờ sướng hay cực?" Nghe chúng tôi hỏi, ông Xí chậm rãi giãi bày: "Làm nông cực nhưng phải biết tính toán chi li".

Bởi theo ông, một năm ngoài 2 vụ lúa, còn phải làm dặm để kiếm thêm thu nhập, như gia đình ông có trâu nên các chủ đất trồng màu còn thuê cày xới vườn, hoặc đánh góc các thửa ruộng mà xe cơ giới không với tới được… Ông chia sẻ, đời ông không được học hành nhiều nhưng chưa bao giờ lười lao động. Từ ngày có vợ rồi sinh con, ông vẫn chăm việc đồng áng, chẳng quản ngại khó khăn, vất vả. Có người từng hỏi, động lực gì khiến ông làm mà không ngơi nghỉ, ông trả lời, đó là niềm tự hào khi thấy các con được ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm và trở thành người hữu ích cho xã hội.

Lân la trò chuyện với ông Xí thêm một hồi, chúng tôi càng ngạc nhiên khi biết mỗi mình ông hiện đang canh tác gần 30 sào lúa vụ hè- thu (khoảng 15.000m2). "Đất ở đâu ra nhiều vậy?". "Thì đất người khác bỏ hoang vì không có lao động nên tui thấy tiếc, liên hệ chủ ruộng xin mở rộng diện tích trồng lúa. Chứ dựa vào khẩu phần của hộ gia đình, tui chỉ được địa phương bố trí 3,5 sào ruộng thôi"… Và cứ thế, nhiều năm qua ông luôn dành thời gian bám ruộng chăm bón cây lúa, còn vợ thì lo toan việc nhà, dắt trâu ăn và thỉnh thoảng ra đồng phụ giúp chồng. Bây giờ, các cánh đồng đều được cơ giới hóa và không còn cảnh "thấp thỏm" nguồn nước tưới như trước, nên người trồng lúa giải phóng được nhiều sức lao động. Còn đến thời điểm thu hoạch thì có máy kéo chở lúa về tận nhà, tận sân phơi… "Vụ đông- xuân vừa rồi lúa được mùa, được giá. Với diện tích canh tác trên, trừ các chi phí vợ chồng tui kiếm thêm 65 triệu đồng. Công sức bỏ ra chỉ là một phần. Cái tâm, cái tình của người với cây lúa mới là điều cốt yếu tạo nên giá trị sản xuất", ông Xí trải lòng.

Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng những người như ông Xí, hay như ông Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Văn Xí (cùng trú thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến)… vẫn đang nỗ lực liên hệ, mở rộng thêm diện tích trồng lúa từ những thửa ruộng bỏ hoang, cố gắng làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn, để tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài việc địa phương tiếp tục rà soát chuyển đổi đất cằn hoang hóa, ruộng hoang thành những cánh đồng chuyên canh hàng hóa; hằng năm, còn chủ động phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật cho nông dân sản xuất; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường... "Điều quan trọng bây giờ là phải khuyến khích được lực lượng còn làm nông nghiệp yêu đất, gắn bó với ruộng đồng để tìm cách sử dụng tài nguyên đất hiệu quả nhất mà không để hoang hóa, lãng phí", ông Tuấn cho biết thêm.

VY HẬU