Không để tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Đảng ủy, lãnh đạo Sở GD-ĐT sáng 23-8, liên quan đến công tác xây dựng Đảng và tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với ngành GD-ĐT. Ảnh: P.T |
Vướng đủ thứ
Trong nhiều vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019 được Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Đình Vĩnh báo cáo tại buổi làm việc, có 2 vấn đề “nóng”: Thiếu giáo viên (GV), bất cập trong mua sắm tập trung - đấu thầu do vướng về quy trình, thủ tục theo quy định. Cụ thể, mặc dù Sở Nội vụ đã phê duyệt kế hoạch tuyển dụng GV các cấp phục vụ năm học mới với chỉ tiêu 630 GV (Tiểu học (TH): 313 GV, THCS: 233 GV, THPT: 84 GV). Tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng, ngoài vướng các quy trình, thủ tục, còn vướng bởi Công văn số 1424 của Sở Nội vụ.
Theo công văn này, người dự tuyển phải có trình độ từ ĐH trở lên, trong khi đó như địa bàn H. Hòa Vang số thí sinh dự tuyển GV mầm non (MN) và TH có trình độ ĐH không đủ số lượng theo chỉ tiêu cần tuyển. Vì thế, sau khi tổ chức tuyển dụng vẫn thiếu GV ở 2 cấp học này. Không riêng gì Hòa Vang, trong đợt thi tuyển GV vừa qua, Liên Chiểu chỉ có 52 hồ sơ dự thi/chỉ tiêu cần tuyển là 79 GV (PV). Sau khi thiếu GV, việc hợp đồng lao động có thời hạn đối với GV có trình độ thấp hơn (cao đẳng, trung cấp) sẽ gây cho số GV này tâm lý không ổn định, không yên tâm công tác, thiếu tâm huyết với nghề.
Sở GD-ĐT đề nghị TP nên tùy thực tế của các quận, huyện mà có yêu cầu trình độ chuyên môn của người dự tuyển. Riêng đối với H. Hòa Vang, để đảm bảo số lượng cần tuyển ở cấp MN và TH, trình độ chuyên môn chỉ cần đáp ứng theo Luật GD là đủ. Cũng theo đề nghị của Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ cần có quyết định giao chỉ tiêu sớm để địa phương ổn định đội ngũ kịp thời phục vụ năm học mới...
Liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu mua sắm trang thiết bị dạy học từ nguồn kinh phí sự nghiệp kịp thời cho năm học mới và theo đúng quy định của Chính phủ, Sở GD-ĐT đề nghị TP phân cấp phê duyệt các nội dung trong công tác lựa chọn nhà thầu bao gồm khâu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu cho các chủ đầu tư (sở, ban, ngành), đồng thời cần ưu tiên bố trí quỹ đất dự phòng cho GD-ĐT để phát triển mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng sự phát triển của TP đến năm 2030. Quan tâm bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng nhà trẻ công lập, đặc biệt ở khu công nghiệp và khu chế xuất để công nhân lao động có chỗ gửi con; tăng cường đầu tư xây dựng mở rộng mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo đủ các điều kiện để 100% HS TH được học 2 buổi/ngày...
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các Sở Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư giải thích một số vấn đề liên quan đến những vướng mắc trong quy trình đấu thầu mua sắm tập trung cũng như những vướng mắc trong tuyển dụng GV, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Minh Trung cho rằng, việc mua sắm trang thiết bị bàn ghế nói riêng và trang thiết bị cho GD-ĐT nói chung, tuyển dụng GV vừa qua phần lớn do các địa phương, Sở chỉ tham gia một phần nhưng lại độc lập, tuy vẫn biết là đã phân cấp nhưng đề nghị Sở tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong công tác quản lý. Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa địa phương với các ngành, nhất là cần có sự thống nhất cao giữa các ngành. Liên quan đến thông tin thiếu trầm trọng GV ở Hòa Vang, ông Trung đề nghị phải xem trách nhiệm này thuộc về ai khi còn chưa đến 2 tuần là bước vào năm học mới? Trong giải quyết các công việc, ông Trung cũng đề nghị cần làm sớm hơn. Đối với những gói đầu tư trên tỷ đồng, không thể bỏ qua đấu thầu được.
Xem lại cơ chế đối với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
Đó là một trong những vấn đề được Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề cập tại buổi làm việc này. Theo Bí thư Thành ủy, tại sao Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được TP quan tâm đầu tư như vậy nhưng vài năm trở lại đây xu hướng tham gia giải quốc tế gần như vắng bóng? Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng đặt câu hỏi tại sao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở Đà Nẵng lại thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước? Liên quan đến vấn đề Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Minh Trung đề nghị ngành GD-ĐT TP rà soát, thống kê lại số lượng HS được đào tạo tại trường này có bao nhiêu người trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt các sở ban ngành, bao nhiêu chuyên gia, cán bộ trẻ cho TP. Phải nhìn nhận công bằng với các trường khác trong TP để có sự đầu tư lâu dài, phù hợp.
Giải thích vì sao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở Đà Nẵng thấp hơn so với trung bình cả nước (cả nước 97%), ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT đánh giá là làm tốt, bài bản nhất ở tất cả các khâu trong kỳ THPT Quốc gia vừa qua. Đà Nẵng cam kết là học thật, thi thật. Riêng về Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, giải quốc gia vẫn giữ vững, chỉ có giải quốc tế vắng bóng do 3 năm qua đội ngũ GV chuyên dạy đội tuyển đồng loạt về hưu (21 GV/3 năm). Một lý do nữa là do tính thích ứng để dạy HS thi quốc tế chưa theo kịp với mô hình thi quốc tế hiện nay. Ngoài ra, so với xu hướng đầu tư mạnh mẽ, ào ạt đối với trường chuyên của cả nước, Đà Nẵng hiện không bằng. Và nguyên nhân nữa là do đề án 922 của TP thay đổi nên nhận thức của HS cũng thay đổi. Ông Nguyễn Đình Vĩnh cũng cho biết, hiện nay các thông tư, nghị định đã thay đổi. Đây chính là cơ sở để phải bãi bỏ QĐ 03 về các chế độ, chính sách đối với GV, HS Trường THPT chuyên Lê Quý đôn, thực hiện đúng thông tư hướng dẫn về trường chuyên của Bộ GD-ĐT.
Sau khi nghe Sở GD-ĐT giải thích, Bí thư Thành ủy cho rằng, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Đà Nẵng trên 95% tuy có thấp hơn so với một số địa phương, nhưng nếu so với yêu cầu của kỳ thi “2 trong 1” và với việc quản lý chặt chẽ, thi đúng thi thật thì kết quả đó có thể yên tâm được. Điều quan trọng nhất là kết quả đó phản ánh, đánh giá đúng thực chất học lực của HS. Bí thư Thành ủy đề nghị phải thực hiện nghiêm túc các kỳ thi không vì cố gắng nâng xếp hạng mà có chuyện nọ, chuyện kia; không vì chuyện nâng tỷ lệ mà để chất lượng gian dối được. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng cách giải thích đến việc HS THPT chuyên Lê Quý Đôn vắng bóng giải quốc tế là do đội ngũ GV kinh nghiệm, có trình độ nghỉ hưu là chưa thuyết phục.
Phải đảm bảo đủ giáo viên
Kết luận tại buổi làm việc, một trong những vấn đề được Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa quan tâm nhấn mạnh là biên chế GV cho ngành GD. Theo đó, trong việc thực hiện tinh giảm biên chế không được máy móc, phải đảm bảo đội ngũ GV phải đủ, đúng theo quy định của Luật GD. Chỉ tinh giảm đối với đội ngũ quản lý. Bí thư Thành ủy đồng ý với quan điểm của Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng cũng như ý kiến của Sở GD-ĐT trong vấn đề cần đầu tư xây dựng nhà trẻ công dành cho trẻ 6 đến 18 tháng tuổi, cho đây là một chủ trương, quan điểm hết sức nhân văn, nhằm tạo điều kiện cho các bà mẹ là công nhân, lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện gửi con để đi làm mưu sinh.
Bí thư Trương Quang Nghĩa đề nghị các sở, ngành có liên quan tập trung cao độ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò quản lý, đôn đốc. Phải làm thế nào để những năm học tới chấm dứt tình trạng thiếu GV, thiếu bàn ghế, cơ sở vật chất trước thềm năm học mới.
P.THỦY