Báo Công An Đà Nẵng

Không được bỏ sót trường hợp nào có liên quan đến “chùm ca bệnh” vừa mới phát sinh

Thứ hai, 12/07/2021 08:13

Trước tình hình địa bàn vừa ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 1 ca chưa rõ nguồn lây, tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, địa phương chiều ngày 11-7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu ngành Y tế phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra, truy vết, giám sát và xét nghiệm các trường hợp có liên quan để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng...

Toàn cảnh cuộc họp.

Trong 24 giờ qua, trên địa bàn ghi nhận 6 ca mắc mới COVID-19, trong đó, bệnh nhân V.H.B (1974), trú P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ được phát hiện khi có triệu chứng ho, sốt và đi khám tại bệnh viện. Liên quan đến bệnh nhân này, trong ngày 11-7, Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 1.300 trường hợp có liên quan, đến 17 giờ chiều 11-7, trong tổng số hơn 900 mẫu có kết quả đã phát hiện 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Dự báo trong những ngày tới rất có thể sẽ phát sinh thêm các ca F0 liên quan đến bệnh nhân V.H.B, vì vậy cần tiếp tục quyết liệt điều tra, truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm các trường hợp có liên quan; khẩn trương điều tra, làm rõ nguồn lây cho bệnh nhân V.H.B để có cơ sở đánh giá nguy cơ; qua đó đề nghị người dân phải hết sức cảnh giác và phải thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K”; đặc biệt là khi tham gia vào các hoạt động vừa được nới lỏng. 

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay đang rất phức tạp, khi tại một số địa phương, đặc biệt là TPHCM mỗi ngày ghi nhận hàng trăm ca mắc mới. Riêng tại Đà Nẵng, sau 4 ngày không có ca nhiễm mới thì lại phát sinh thêm “chùm ca bệnh” mới. Vì vậy, các đơn vị, địa phương khẩn trương điều tra dịch tễ, các trường hợp F1, F2 và các F có liên quan; tuyệt đối không được bỏ sót trường hợp nào. “Lúc này chúng ta có đủ thời gian hơn, có điều kiện hơn để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, còn chậm một chút là có thể bỏ sót và điều này rất nguy hiểm”, ông Lê Trung Chinh nói, đồng thời giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện chủ động các phương án phong tỏa, cách ly đối với các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời tiến hành xét nghiệm liên tục các trường hợp có liên quan đến “ổ dịch” này. 

Liên quan đến hoạt động tại các chốt kiểm soát và các tổ COVID cộng đồng, Chủ tịch UBND TP yêu cầu cần kiểm soát chặt hơn nữa, đặc biệt, đối với người về từ vùng dịch tại các khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp thì các quận, huyện phải chỉ đạo các tổ COVID quyết liệt hơn trong kiểm soát, riêng đối với người về từ vùng dịch mà không kịp thời khai báo với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì phải xử lý nghiêm. “Tại các chốt, giao cho Sở Y tế nghiên cứu biện pháp test nhanh các trường hợp không có giấy xét nghiệm COVID-19 trong vòng 72 giờ, tuy nhiên phải tránh gây ùn tắc tại các chốt”, ông Chinh yêu cầu và giao Sở Y tế tiếp tục triển khai kế hoạch 119, các quận, huyện tổng hợp danh sách, nhu cầu xét nghiệm trong nhân dân để có cơ sở đề xuất với UBND TP  phương án miễn, giảm kinh phí. 

Ngay sau khi ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 là F1 của bệnh nhân V.H.B công tác tại công ty trong KCN An Đồn (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã tiến hành cách ly y tế, xét nghiệm sàng lọc nguy cơ.

Chủ tịch UBND TP cũng giao cho Ban quản lý các khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tăng cường cảnh báo nguy cơ dịch bệnh. Sở Công Thương chủ trì cùng Sở GTVT và các ngành có phương án kiểm soát người và các phương tiện chở hàng hóa từ Đà Nẵng đến các địa phương và quay về lại TP để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Văn phòng UBND TP khẩn trương trình lãnh đạo TP phê duyệt quyết định hỗ trợ khó khăn cho các đối tượng; chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể Thao, Thành đoàn và các đơn vị có liên quan đề xuất tiếp tục hạn chế một số hoạt động không thiết yếu như hoạt động tại các hồ bơi, sân bóng đá mi-ni…
Chủ tịch UBND TP cũng giao Công an TP phối hợp với CDC, các bệnh viện để điều tra dịch tễ, sớm tìm ra nguyên nhân, nguồn lây cho bệnh nhân V.H.B để Ban Chỉ đạo có cơ sở đưa ra các giải pháp cụ thể, sát hơn với thực tế nhằm khống chế dịch bệnh...

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong 24 giờ qua, ngoài 6 bệnh nhân được ghi nhận trên địa bàn TP thì có 1 bệnh nhân được ghi nhận tại Hội An (Quảng Nam) nhưng có liên quan đến Đà Nẵng. Đó là trường hợp bệnh nhân N.T.D, đi chuyến bay VN0128 (TPHCM- Đà Nẵng), QH104 (Đà Nẵng - Hà Nội) và VN171 (Hà Nội – Đà Nẵng).

Theo thông tin thu thập được, ngày 4-7, bệnh nhân từ TPHCM về sân bay Đà Nẵng, các lực lượng đã yêu cầu cách ly tập trung nhưng bệnh nhân không hợp tác, xin được cách ly tạm 1 đêm tại Đà Nẵng rồi sáng mai có chuyến bay sẽ quay đầu về, không lưu lại Đà Nẵng. Bệnh nhân này sau đó được đưa về khách sạn cách ly tại 150 Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, trên đường ra sân bay ngày 5-7, bệnh nhân nói là nhà ở Hà Nội nên cần bay về Hà Nội. Sau đó, ngày 6-7, bệnh nhân lại bay vào Đà Nẵng (theo diện không phải người đến từ địa phương có dịch nên không cách ly) và vào Hội An cách ly tại nơi lưu trú. Tối 7-7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và ngày 10-7 đã gọi điện liên hệ với y tế địa phương để được hướng dẫn dùng xe công ty đưa đến Bệnh viện Vĩnh Đức lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Liên quan đến bệnh nhân này, ngành Y tế đã lấy mẫu 46 trường hợp liên quan, trong đó 26/26 F1 có kết quả âm tính, 20 F2 và liên quan chưa có kết quả.  

DOÃN HÙNG

Thành phố Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng

Sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và những giải pháp lớn do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TPHCM đã thống nhất, thành phố đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Tình hình mới cần có những giải pháp mới hoặc cách làm mới trên giải pháp cũ theo phương châm “rõ-nghiêm-chắc-hiệu quả”. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc giao ban trực tuyến với TPHCM, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì, sáng 11-7.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, qua kiểm tra công tác ngày 10-7, TP ghi nhận 1.403 ca mắc COVID-19, phần lớn ở các khu cách ly và phong tỏa. TP cũng đã chỉ đạo cho các quận, huyện có kế hoạch cho công tác xét nghiệm theo tinh thần xét nghiệm ở những nơi có nguy cơ cao theo nguyên tắc “rõ-nghiêm-chắc-hiệu quả”; chuẩn bị 50.000 giường thu dung, điều trị COVID-19.

Về chăm lo cho người lao động thất nghiệp, từ ngày 6-7, TP cũng đã chăm lo cho 45.000 đối tượng; triển khai gói hỗ trợ gần 900 tỷ đồng, một số các quận, huyện đã chủ động ứng ngân sách để giải quyết kịp thời cho những người lao động mất việc làm, lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn như người bán vé số hay kinh doanh nhỏ lẻ. Các địa phương đã chủ động vận động mạnh thường quân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng.

DIỆP TRƯƠNG