Báo Công An Đà Nẵng

Không được để mất đà trong xử lý nợ xấu

Thứ tư, 29/08/2018 15:06

“Đưa tổng nợ xấu về mục tiêu dưới 3% vào năm 2020, sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ, đã có phương án xử lý với các ngân hàng (NH) trong diện kiểm soát đặc biệt” là thông điệp được Thống đốc NH Nhà nước nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu ngày 28-8 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: C.P

 “Cây đũa thần” phát huy hiệu quả cao

Theo báo cáo của NH Nhà nước, tính từ năm 2012 đến hết tháng  6-2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý gần 786.000 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm xử lý ước đạt 58.800 tỷ đồng (trong đó, các tổ chức tín dụng tự xử lý 56.740 tỷ đồng).

Đối với việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, tính đến ngày 30-6, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm 61.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỷ đồng, chiếm 50,78%, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21.590 tỷ đồng, chiếm 15,61% và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho Cty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỷ đồng, chiếm 33,59%.  Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ giảm còn 2,09% tính tới cuối tháng 6-2018 (thời điểm 31-12-2016 tỷ lệ này là 2,46%).

Nếu như trước kia, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc thu giữ các tài sản đảm bảo, thì theo báo cáo, VAMC đảm nhiệm khá tốt vai trò này, đặc biệt tại các dự án bất động sản. VAMC đã thực hiện thu giữ 6 tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, cụ thể: Tài sản bảo đảm của Cty cổ phần Thép Tân Quốc Duy (bảo đảm cho khoản nợ của Cty cổ phần Thuận Kiều) tại đường Kha Vạn Cân, Dĩ An, Bình Dương; tài sản bảo đảm của nhóm khách hàng Cty cổ phần Sài Gòn One Tower là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34-Tôn Đức Thắng, Q. 1, TPHCM, khoản nợ xấu lớn nhất mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt với tổng nợ gốc và lãi gần 7.000 tỷ đồng...

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập, như: Việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42; vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua.

Ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 42. Tuy nhiên, ông Vân chỉ ra, hiện vẫn còn 54/63 tỉnh, thành phố và 8/12 bộ, ngành chưa có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 42, có nơi đùn đẩy trách nhiệm cho ngành ngân hàng.

Cũng tại hội nghị, 2 trong 4 ngân hàng lớn phát biểu và mong muốn có thêm được nguồn lực về vốn để công cuộc xử lý nợ xấu đạt hiệu quả hơn nữa. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhấn mạnh: Chính phủ cần tăng vốn điều lệ cho Vietcombank và các ngân hàng thương mại Nhà nước từ nguồn cổ tức. Đây là vấn đề cấp bách vì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đã chạm ngưỡng, không đáp ứng được chuẩn mực của Basel II, không tạo đủ không gian tín dụng để ngân hàng cấp vốn cho nền kinh tế. Với Agribank, tình trạng cũng tương tự và được Chủ tịch Hội đồng thành viên Trịnh Ngọc Khánh chia sẻ: “Chúng tôi gánh vác nhiệm vụ  cung ứng vốn cho tam nông tới trên 70% tổng dư nợ, lãi suất đầu vào huy động trên 6%, cho vay 6,5% trong khi vốn thì thiếu nhiều”. Ông Khánh cũng mong muốn được nhận một số nguồn vốn từ phía Chính phủ như vốn ủy thác, vốn khác nhàn rỗi, dù có phải đấu thầu Agribank cũng sẵn sàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu mặc dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng tỷ lệ nợ xấu nói chung, bao gồm cả nợ xấu ngoại bảng của các tổ chức tín dụng vẫn còn cao, ở mức 6,6%, đòi hỏi ngành ngân hàng phải tận dụng tối đa các lợi thế về quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách để xử lý hiệu quả hơn nợ xấu.

Để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn tiếp theo, Thống đốc Lê Minh Hưng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Tòa án nhân dân Tối cao xem xét, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản đảm bảo là   vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42.

Đối với Bộ Tài chính, NH Nhà nước đề nghị sớm triển khai giải pháp về xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước Trung ương, địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh; tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế rõ ràng và cụ thể hơn để thực hiện đúng Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế.

Người đứng đầu NH Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Công an xem xét ban hành văn bản chỉ đạo công an các cấp phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết khi thu giữ tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu; đặc biệt kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của bên thu giữ tài sản để việc thu giữ tài sản đảm bảo được thành công. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất tại các địa phương về vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản còn dở dang. Bộ Tư pháp nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn cụ thể về trường hợp đơn đăng ký giao dịch bảo đảm thiếu chữ ký của bên thế chấp. 

Thời kỳ lịch sử của ngành ngân hàng

Phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 trở thành công cụ quan trọng trong tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu. Hay nói cách khác, Nghị quyết 42 và Luật các tổ chức tín dụng có ý nghĩa lịch sử của ngành ngân hàng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước: “Tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kịp thời phát hiện các vướng mắc, không được để “mất đà” trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu”. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành NH phấn đấu từ nay đến năm 2020 hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 42 và Quyết định 1058. Riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, có ít nhất 70% NH thương mại áp dụng thành công Basel II và có ít nhất từ 1-2 NH nằm trong top 100 NH lớn nhất trong khu vực Châu Á. Đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NH thương mại, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã được phân loại xuống dưới 3%, tăng cường chất lượng cơ cấu tín dụng cho vay. Ngành NH cũng tiếp tục tập trung tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, có lộ trình tăng vốn, tăng cường nhân sự có chất lượng cao cho VAMC, thực hiện mua bán nợ theo thị trường. Đặc biệt thực hiện tăng vốn điều lệ của các NH thương mại Nhà nước bằng việc sử dụng nguồn chia cổ tức và các giải pháp cơ cấu lại hoạt động của các NH.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương chủ động phối hợp với ngành NH xử lý các vướng mắc trong xử lý nợ xấu vì sự phát triển bền vững và nhanh của đất nước.

VN+