Báo Công An Đà Nẵng

Không né... Mũi Né

Thứ bảy, 18/01/2020 21:00

Mũi Né là bức tranh với nhiều gam màu sống động: Xen trong nắng vàng óng là màu ngọc bích của trời, màu xanh của biển, màu cát hồng ngậm hơi sương trong buổi sớm mai. Mũi Né là nơi mà khuất sau những gò đất mịn màng, bụi xương rồng xanh thẫm kia là những ngôi mộ cũ kỹ rêu phong còn in đậm dấu thời gian... Mũi Né ẩn chứa  bao nỗi niềm trăn trở sau vẻ bình yên lãng mạn thường thấy.

Khách du lịch đến với Mũi Né.

Chuyện của một lão ngư

Ông Nguyễn Ngọc Đãi, lão ngư, tuổi ngoài 60, sống gần trọn đời với Mũi Né, kể: Ngày xưa Mũi Né là một làng chài ven biển, rất ít người ở, đường đi lối lại  dày cát, mênh mông cát, chỉ cần bước lên từ biển, vượt qua những dãy nhà lá ven biển là đối diện với cát. Khi ông Đãi còn nhỏ, Mũi Né chỉ có 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở. Nhà có tiền, con cái  mới vào Phan Thiết học trung học hoặc cao hơn thì đi Sài Gòn. Mặc dù chỉ cách Phan Thiết 22 km nhưng mỗi ngày mới có một chuyến xe. Xe chạy từ Mũi Né lúc 8 giờ sáng đến hơn 15 giờ mới tới. Trên xe chở tất cả những gì Mũi Né có như dừa, nước mắm, cá khô và khi ở Phan Thiết về thì chở  gạo, các loại nhu yếu phẩm cần thiết. Có những lúc xe tắt máy giữa đường hoặc sa lầy, hành khách phải xuống xe cùng phụ xe lót vỉ sắt, phụ đẩy xe chạy.

“Năm 1978, sau giải phóng, chú đi cưới vợ ở Hàm Mỹ mà mất hết 3 ngày tính đi lẫn về. Với chú, không cần rước dâu đúng giờ, chỉ tìm ngày tốt mà cưới thôi! Người Việt mình, nhiều người coi trọng việc rước dâu đúng giờ. Đàng trai đến trễ, nhiều gia đình không cho rước dâu. Vì vậy, con trai Mũi Né nếu lỡ thương con gái Phan Thiết thì khổ nhất là cái đoạn rước dâu. Cháu nghĩ coi, đường sá khó đi, xe mỗi ngày chỉ có một chiếc, phải may mắn và tính toán kỹ lắm mới không bị trễ giờ đón dâu. Thời trẻ của chú có nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ cũng chỉ vì đường sá và phương tiện đi lại”. Ông Đãi  ngừng kể và mắt nhìn xa xăm. Một cơn gió bất thần từ biển thổi vào làm rung mái tôn nhà. Ngọn gió ấy chắc đã miết trên mặt vịnh Mũi Né trước khi đến chỗ tôi và lão ngư ngồi. Ông Đãi nói với tôi: “Gió  từ ngoài vịnh thổi vô, không bao lâu nữa sẽ mưa cháu à. Ngày xưa, ở Mũi Né trời mà hết mưa sớm thì khổ lắm vì nhiều tháng thiếu nước sinh hoạt. Chỉ có 4 giếng đào có mạch nước ngọt xây bằng vôi trộn đường cho cả làng, hỏi sao không khan hiếm nước?”. Trong trí nhớ của ông già Đãi, đó là các giếng: Bụi Tre,  Khánh Vị, Bà Banh và Ba Giác. Nhà ông Đãi ở khu Dốc Đá, đá nhấp nhô lên cao xuống thấp lấn sát ra sát mép biển, không thể đào giếng. Gánh một đôi nước đi từ giếng Bà Banh lên khu Dốc Đá khoảng 1km. Nhà càng đông người gánh càng nhiều. Vào lúc cao điểm, mạch nước nhỉ không kịp,  nên người ta phải thức từ 2 giờ sáng, xếp hàng chờ đợi để thả gàu chắt nước. “Lúc đó, con trai ở khu này đưa ra tiêu chí tìm vợ phải biết gánh nước, chú sợ phụ nữ ở đây không chịu ưng chú vì sợ gánh nước, nên chú tìm vợ trong Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam). Nghĩ mà thương bà xã! Về làm dâu, hàng ngày bả gánh 10 đôi nước, mỗi đôi 40 lít và phải chạy quãng đường 2 km (đi và về)! Trung bình chỉ riêng với cái khoản nước, mỗi ngày bả phải chạy bộ 20 km. Không có nhiêu đó nước thì không đủ cho 6 người trong gia đình sử dụng”, ông Đãi nói và chặc lưỡi.

Trước đây, 80% người dân Mũi Né sống bằng nghề biển, tàu thuyền có công suất  từ 8 - 30CV, thường đánh bắt ven bờ. Vào mùa Nam đi xa lắm cũng chỉ khoảng 40  hải lý. Ông Đãi lúc đầu dùng thúng chai đi câu mực, sau thời gian làm ăn kha khá, sắm chiếc thuyền 30cv. Ông như bao ngư dân khác dựa vào kinh nghiệm và sự phán đoán của bản thân để đánh bắt trên biển. Ngày ngày quan sát bầu trời, hướng gió, màu nước biển mà đoán thời tiết, cũng như quyết định ra khơi hay không? Khi đang lênh đênh trên biển, thấy mặt biển đột ngột đùn sóng to, mây đổi màu, ráng đỏ cả bầu trời phải vào bờ để trú bão. Nhìn sao Bắc Đẩu, sao Bánh lái... để nhắm hướng đi, nơi nào có đàn hải âu bay lượn xuống mặt nước, nơi ấy chắc chắn rằng có luồng cá đang đi... Tóm lại, càng dày kinh nghiệm đi biển, càng có hy vọng thuyền đầy cá khi  về.

Hải sản đánh được đều bán cho Trạm thu mua thủy sản để đổi lấy dầu, gạo... tiếp tục cho chuyến biển sau. Mọi thứ lương thực, nhu yếu phẩm đều phải mua bằng tem phiếu. Chính vì giao thông cách trở, cách thức sản xuất và quản lý không phù hợp nên ngày đó cuộc sống của nhiều người dân thường khó khăn.

Vẻ đẹp hoang sơ

“Hải Long (Mũi Né) có động cát vàng, có ghềnh đá đẹp, có hàng dừa xanh, một vẻ đẹp hoang sơ, đầy lung linh sắc màu. Nhà nhiếp ảnh Ngô Đình Cường đã sớm khai thác ghi nhận vẻ đẹp đồi cát bay mà đạt được giải thưởng quốc tế. Sau năm 1975, khi còn học sinh, tôi từng tham gia đóng bộ phim “Về nơi gió cát” khi phim quay tại Gành, trên đồi cát gần cầu Rạng”, Nguyễn Nam Long – Bí thư kiêm Chủ tịch phường Mũi Né, người con của làng chài nhỏ, nói. Cũng ông Long kể: Sau sự kiện Nhật thực toàn phần năm 1995, Mũi Né như nàng công chúa ngủ trong rừng tỉnh giấc, thu hút bao người. Tiếp theo là những con đường mới mở thẳng tắp. Các khu nghỉ dưỡng chạy nối tiếp nhau mang nhiều phong cách Âu, Á, Mỹ. Giao thông phát triển, tạo điều kiện cho ngành du lịch địa phương phát triển theo. Các nhà đầu tư du lịch lần lượt đến Mũi Né và dĩ nhiên theo đó là các dự án. Chính các dự án du lịch cùng với sự đầu tư của tỉnh làm nàng công chúa Mũi Né ngày càng hương sắc.

Làng quê chuyển mình

Lúc này, lão ngư Ngọc Đãi sau nhiều năm tích lũy, sắm được thuyền đi biển  công suất 250cv, trên thuyền trang bị đầy đủ các các thiết bị máy móc hiện đại chuyên đánh bắt cá cơm hay còn gọi là nghề pha xúc. Nhiều ngư dân bạn bè ông cũng vậy. Bây giờ ra biển Mũi Né thấy phần lớn thuyền công suất lớn. Ông Đãi  giải thích cái sự khá lên của mình: Những năm 2000, đường sá được mở mang. Nước sạch cũng được đưa về, thuận lợi cho chế biến  hải sản và cho mấy cái nhà máy nước đá mới ra đời. Vì vậy vào vụ cá hàng trăm ghe thuyền từ Khánh Hòa, Bình Định... vào cập bến mua bán, trao đổi hàng hóa rất sôi động. “Nhờ giao thông và nhờ du lịch, Mũi Né được biết đến nhiều hơn và dĩ nhiên người dân mình cũng biết đón đầu khi có cơ hội tới”, ông Đãi  nói.

Có thể nói, “công nghiệp không khói” kéo theo sự phát triển các loại hình dịch vụ khác và qua đó hàng năm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Tỷ lệ hộ nghèo trong các năm gần đây giảm trung bình 30 hộ/năm. Năm 2014, tỷ lệ này chiếm 1,83% (113 hộ/6.163 hộ dân).

“Nhìn lại sau 40 năm, Mũi Né đang từng bước thay da đổi thịt. Đời sống của người dân khấm khá hơn trước đây cả về vật chất lẫn tinh thần. Với nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015, UBND phường tiếp tục khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, thương mại - dịch vụ - du lịch và đẩy mạnh khai thác hải sản”, ông Nguyễn Nam Long - Chủ tịch kiêm Bí thư P. Mũi Né khẳng định.

Tôi rời biển Mũi Né, dưới ánh nắng vàng ươm là màu xanh mơn man của cỏ cây hoa lá, xen lẫn những làn gió từ biển thổi vào mang theo cái mùi mằn mặn của muối biển, làm cho bất cứ ai cũng cảm nhận được không gian thoáng đãng, tràn đầy sảng khoái. Dọc theo những con đường trải nhựa phẳng lì là những góc phố nhộn nhịp, những ngôi nhà cao tầng, nhà hàng, quán ăn, khu nghỉ dưỡng... tất cả sự hài hòa của đất trời như ôm trọn vòng cung bãi biển. Hy vọng sự nỗ lực của người dân cùng chính quyền địa phương, kinh tế mũi nhọn của Mũi Né sẽ vượt lên cao nữa trong thời gian ngắn nhất.

B.T