Báo Công An Đà Nẵng

Góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi):

Không nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản và tội vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy

Thứ tư, 09/09/2015 10:05

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-9, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP chủ trì hội nghị với sự tham gia của các đại biểu đến từ UBMTTQVN TP, đại diện các Ban của HĐND TP; đại diện các ngành CA, VKS, TAND, Cục Thi hành án dân sự, BCH Quân sự, BCH BĐBP, các sở, ngành của thành phố, quận, huyện và các đoàn luật sư, Hội Luật gia…

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo TAND TP, VKSND TP, CATP  báo cáo các chuyên đề: Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới; việc xử lý hình sự đối với trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng; việc thay thế tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế; trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự…

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng góp ý vào dự thảo Bộ luật.

Về  việc bỏ hình phạt tử hình, ông Đặng Ánh, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng thống nhất nên bỏ hình phạt này đối với 5 tội danh là: phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về ANQG; chống mệnh lệnh, đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người, tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên, ông đề nghị không nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản và tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy vì các tội này rất nguy hiểm, cần giữ nguyên như hiện hành để đảm bảo tính răn đe. Về việc  chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội, ông Đặng Ánh cho rằng nên đề cao tính giáo dục, cảm hóa và cần chỉ rõ loại tội phạm nào người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự vì hiện nay theo quy định trong dự thảo thì phạm vi quá rộng, khó xác định; đồng thời thống nhất với quy định áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

Góp ý vào dự thảo, đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP không đồng ý đối với quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, vì cho rằng pháp luật hiện hành đã có các chế tài xử lý hành chính như: đình chỉ hoạt động, tước giấy phép kinh doanh… là đã có hiệu quả, nếu có vi phạm thì cần cá thể hóa trách nhiệm hình sự của cá nhân. Đại tá Nguyễn Văn Chính cũng thống nhất với quy định về việc thay thế tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế vì cho rằng quy định như hiện hành là quá rộng, còn chung chung, chưa chỉ ra những lĩnh vực vi phạm cụ thể, mức xử lý cụ thể sẽ dẫn đến tạo ra các khoảng hở trong pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Bung, Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng thống nhất đề nghị bổ sung xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nếu đó là phương tiện sinh sống của người bị hại và đề nghị cần hình sự hóa tội rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ vì cho rằng hành vi này rất nguy hiểm đối với tính mạng, sức khỏe của người đi đường nếu phương tiện bị cán phải. Ông Bung cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo bộ luật tội biển thủ công quỹ. Ngoài các báo cáo chuyên đề của các ngành, tại Hội nghị các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung trong dự thảo và thảo luận, trao đổi các vướng mắc từ thực tiễn giải quyết các loại án, xử lý các loại tội phạm.

K.T