Báo Công An Đà Nẵng

Không nên quy định chia di sản khi vợ hoặc chồng còn sống

Thứ ba, 15/10/2013 17:27

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-10, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2000. Hội nghị do ông Huỳnh Nghĩa- UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì với sự tham gia của đại biểu các ngành Tòa án, Tư pháp và các đơn vị có liên quan.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật HN&GĐ đã sửa đổi 64 điều, bổ sung mới 54 điều so với Luật hiện hành; trong đó sửa đổi bổ sung 6 điều về những quy định chung, 55 điều liên quan đến quan hệ nhân thân, 52 điều liên quan đến quan hệ tài sản, 63 điều về quan hệ hôn nhân, 55 điều về quan hệ gia đình, 23 điều liên quan đến thẩm quyền, thủ tục  giải quyết các quan hệ hôn nhân và gia đình.

Dự thảo luật cũng đã bãi bỏ 2 chương của Luật hiện hành gồm: chương Giám hộ giữa các thành viên trong gia đình và chương Xử lý vi phạm (các nội dung này đã được quy định trong các Bộ luật Dân sự, Hình sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính). Đồng thời cũng bổ sung thêm một số thuật ngữ như: “tập quán về hôn nhân và gia đình”, “chung sống như vợ chồng”, “cưỡng ép kết hôn, ly hôn”, “kết hôn giả tạo”, “yêu sách của cải trong hôn nhân”, “cản trở kết hôn, ly hôn”, “những người cùng dòng máu trực hệ”, “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”, “mang thai hộ vì múc đích thương mại”...

Ông Huỳnh Nghĩa- Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ý kiến đa số các đại biểu đều thống nhất nội dung dự thảo Luật. Đại biểu đến từ UBMTTQVN TP cho rằng: về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (điểm d, khoản 1, điều 63C) của dự thảo Luật quy định: “người được nhờ mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích cùng hàng của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được một lần mang thai hộ” là không khả thi, vì cũng có trường hợp người có quan hệ thân thích cùng hàng với vợ hoặc chồng nhưng không đồng ý mang thai hộ hoặc ngược lại, vì thế nên có quy định chặt chẽ về tăng cường công tác kiểm tra, tránh việc lợi dụng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Cũng về nội dung mang thai hộ, đại biểu Lê Tự (TAND TP Đà Nẵng) đề nghị cần quy định cụ thể hơn vì sau này rất khó xác định cha, mẹ của đứa trẻ cũng như các vấn đề liên quan đến tài sản, thừa kế. Đại biểu Lê Tự  đề nghị không nên đưa chế định “ly thân” vào dự thảo Luật.

Đại biểu Tạ Tự Bình (HĐND TP) và đại biểu Phan Thanh Long (Sở Tư pháp TP Đà Nẵng) đều cùng quan điểm đề nghị tên gọi của Luật là “Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi”, bởi số điều sửa đổi, bổ sung đã chiếm hơn 50% số điều khoản của dự thảo Luật. Các đại biểu này cũng thống nhất tuổi kết hôn là 18 kể cả nam lẫn nữ như dự thảo, thay vì nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi như Luật hiện hành.

Đại biểu Lê Văn Quang (HĐND TP) đề nghị  không nên quy định chia di sản khi 1 bên vợ hoặc chồng còn sống (khoản 3 điều 31) nhằm hạn chế tình trạng con cái kiện cha, mẹ đòi chia di sản, điều này trái với đạo lý, đồng thời cũng đề nghị có điều luật nghiêm cấm việc con cái kiện tụng cha mẹ...

Nội dung được các đại biểu có nhiều ý kiến trái chiều là vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính. Có đại biểu đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật vì dễ gây kỳ thị đối với những người không thuộc 2 giới tính cơ bản, có đại biểu lại cho rằng vấn đề giới tính là do tự nhiên, nên có điều luật để quản lý...

Tất cả ý kiến các đại biểu đã được Đoàn ĐBQH TP tiếp thu, tổng hợp, báo cáo trình Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung trước khi được Quốc hội thông qua.

Bài, ảnh: K.Thanh