Báo Công An Đà Nẵng

Không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ bảy, 01/04/2023 06:40
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết và Trưởng Ban nội chính Thành ủy Võ Công Chánh đồng chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng.

Theo báo cáo của các Ban Nội chính tỉnh, thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và nhanh chóng triển khai có hiệu quả các hoạt động đã thể hiện quyết tâm cao của tỉnh ủy, thành ủy trong việc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương, cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Nhưng kết quả ban đầu khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Trong quý 1-2023, các địa phương trong cả nước khởi tố mới 512 vụ án, gần 1.300 bị can phạm tội về tham nhũng. Ban chỉ đạo, thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo, rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo…

Sau khi triển khai phương hướng, nhiệm vụ hoạt động quý 2 và cả năm 2023 của ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc một lần nữa khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính cấp tỉnh đạt được trong thời gian vừa qua, Trưởng Ban nội chính Trung ương đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quán triệt một số nội dung trọng tâm. Cụ thể, Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải thực sự là một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ. “Trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, mỗi thành viên của Ban Chỉ đạo phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Đồng thời, cần phát huy bài học kinh nghiệm sâu sắc qua tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, đó là phát huy nhân tố hàng đầu về vai trò gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu, để làm chỗ dựa vững chắc, sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hiệu quả, quyết liệt, hay không hiệu quả, quyết liệt trước hết là người đứng đầu”.

Trưởng Ban nội chính Trung ương cũng lưu ý, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, mắt xích yếu, bảo đảm bộ máy của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh vận hành thông suốt, thực hiện đúng chức năng; dứt khoát thực hiện đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: “Ai không làm thì đứng ra một bên cho người khác làm”. Cần tổ chức công việc thật chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, nề nếp, kỷ luật, kỷ cương; phối hợp công tác nhịp nhàng, đồng bộ; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, tắc trách, được chăng hay chớ; lúc ra mắt thì rầm rộ nhưng sau đó thì thưa thớt, nguội lạnh dần. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, nhưng để tạo chuyển biến rõ nét, đột phá, với kết quả cụ thể, thực chất thì cần chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn, những vấn đề bức xúc dư luân xã hội địa phương quan tâm..

Công Hạnh - Minh Duyên