Không ngừng hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội
Tại hội thảo, TS Bùi Trường Giang đề nghị các đại biểu tập trung phân tích và làm rõ thực trạng mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN ở nước ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Cùng với đó, đánh giá việc giải quyết mối quan hệ, những vấn đề đặt ra trong giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN ở nước ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, TS Bùi Trường Giang cho rằng, ngay từ khi bắt đầu tiến hành đường lối Đổi mới, Đại hội VI (năm 1986) của Đảng ta đã thấy cần phải “thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước”, “quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý”. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khoá VII (1/1994) của Đảng đã chính thức xác định nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Chủ trương này được khẳng định nhất quán cùng với nhiều bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội từ Đại hội VIII đến Đại hội XIII của Đảng.
Về nền dân chủ XHCN nghĩa ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” đăng trên Báo Nhân dân. Trong đó, khẳng định: “Xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định: Hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng, và là cơ hội quý báu để thành phố Đà Nẵng tiếp thu các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN trong hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam; từ đó, nghiên cứu, tổng kết lý luận, đổi mới tư duy để nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn nữa về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội vào thực tiễn phát triển của thành phố, nhất là trong điều kiện thành phố đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội. “Việc xác định rõ, thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường, bảo đảm đúng định hướng XHCN, tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để phát triển nhanh và bền vững ở nước ta hiện nay” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, quá trình phát triển thành phố, phần lớn tầng lớp nhân dân rất đồng tình ủng hộ và thành phố luôn dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Trong xây dựng các chính sách, thành phố luôn đặt người dân là trung tâm, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, với phương châm “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; Chính quyền làm - dân ủng hộ”.
Cũng trong ngày 26-12, các đại biểu đã tham dự hội thảo “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trên một số lĩnh vực giai đoạn đến năm 2030, tầm nhình đến năm 2045, phục vụ việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng”.
Công Hạnh