Không nhiều hy vọng
Sau khi không thể đưa ra một giải pháp cho cuộc chiến tranh kéo dài ở Syria qua 7 vòng đàm phán, vòng đàm phán thứ 8 diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ trong tuần này được kỳ vọng rất nhiều. Cuộc hòa đàm Syria tại Geneva lần này tập trung vào vấn đề bầu cử và hiến pháp. Đây là 2 vấn đề trọng tâm trong số 4 nội dung được thảo luận từ suốt 8 vòng đàm phán gần đây tại Geneva. Tuy nhiên, dù ai cũng đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán lần này, chính nó được cho là sẽ không có gì đột phá.
Từ năm 2012, các vòng đàm phán tiếp theo về Syria tại Geneva đều thất bại khi không thể đưa ra một cơ sở vững chắc về một giải pháp cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Các cuộc đàm phán đã bị phá vỡ bởi sự can thiệp của các cường quốc nước ngoài trong các cuộc đàm phán, ngoài sự phân mảnh của các nhóm đối lập Syria.
Trên thực tế, có những tiến triển rất quan trọng trên mặt đất và trên chính trường. Trên mặt đất, chính phủ Syria, với sự ủng hộ của Nga và Iran, đã chiếm giữ lại các khu vực trọng điểm và lớn từ phe nổi dậy, bao gồm các nhóm cực đoan, như IS hay Mặt trận Al-Nusra của Al-Qaeda. Thành công mới nhất của quân đội chính phủ là chiếm thành phố Deir al-Zour ở đông Syria từ các chiến binh IS và cả thành trì cuối cùng của nhóm cực đoan này tại thành phố Al-Bukamal ở vùng nông thôn phía đông của Deir al-Zour gần biên giới Iraq.
Những thành tựu này giúp củng cố vị thế của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, nhất là trong bất kỳ cuộc đàm phán nào. Nhưng các nhóm đối lập được phương Tây ủng hộ tham gia vào các cuộc đàm phán trước đó vẫn giữ lập trường rằng, Tổng thống Assad phải từ chức trước khi bắt đầu bất kỳ quá trình chính trị nào.
Các nhóm đối lập đã nhất trí về việc thành lập một phái đoàn thống nhất để tới đàm phán. Đây là lần đầu tiên, các nhóm đối lập chính trị Syria làm được điều này. Tuy nhiên, phái đoàn phe đối lập bị chi phối bởi “nền tảng Riyadh” do Saudi Arabia hậu thuẫn, đó là điều kiện tiên quyết cho sự ra đi của ông Assad. Vì vậy, nguyên nhân đằng sau sự bi quan này không chỉ vì thực tế là phái đoàn đối lập không thực sự đại diện cho tất cả các nhóm đối lập. Mà quan trọng, yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi, như là một phần của thỏa thuận hòa bình, chắc chắn sẽ không thể đạt được sự đồng thuận.
Và rồi, mọi hy vọng lại đổ dồn vào các cuộc đàm phán về Syria dự kiến diễn ra tại thành phố Sochi của Nga vào năm tới.
THANH VĂN