Không phải chỉ tu theo hạnh đầu đà mới là chân tu
Một số người lợi dụng hình ảnh của ông Minh Tuệ để so sánh với những hình ảnh, phát ngôn chưa chuẩn mực của một số ít tăng sĩ, cố tình tạo ra sự đối lập để bôi xấu cộng đồng tu sĩ Phật giáo làm mất niềm tin đối với người dân và Phật tử. Để hiểu rõ hơn việc này, phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã phỏng vấn thầy Thích Pháp Hiếu, Phó chánh văn phòng Ban thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Tam Bảo (Đà Nẵng).
+ P.V: Thầy nghĩ sao về ý kiến cho rằng người tu sĩ phải thực hành hạnh đầu đà như ông Minh Tuệ mới là “bậc chân tu”?
+ Thầy Thích Pháp Hiếu: Pháp đầu đà là pháp môn tu khổ hạnh không phải chỉ có duy nhất trong Phật giáo mà có trước thời Đức Phật, thịnh hành nhất của đạo Bà la môn giáo và Kỳ na giáo. Trước khi Đức Phật xuất gia và trở thành Phật thì ngài có thời gian tu tập và thọ hạnh đầu đà với các vị thầy Bà la môn. Ngài tu khổ hạnh tại rừng già, chỉ uống sương, ai cúng dường chỉ dùng 1 hạt gạo, ngâm mình dưới sông Hằng băng giá, hay phơi mình dưới cái nắng khủng khiếp mùa hè của Ấn Độ. Sau 6 năm tu hành khổ hạnh, ngài chỉ còn bộ xương khô tiều tụy, gục ngã nhưng ngài cảm thấy pháp môn khổ hạnh không đạt đến mục đích tối thượng là giải thoát. Ngài thấy rằng nếu quá lợi dưỡng, hưởng lạc sẽ bị sa đọa, nếu khổ hạnh quá mức cũng sẽ đứt gãy, vì vậy ngài đã tự giác ngộ con đường trung đạo, từ đó không thực hành khổ hạnh thái quá, ăn ngày một bữa, tu hành gần gũi với đời sống dân làng để hóa độ.
Trong quá khứ có rất nhiều vị Phật không phải nhờ qua pháp môn khổ hạnh. Đức Phật chế định ra 13 hạnh để phù hợp cho những người sống độc cư, ở trong rừng, ở một mình, điều này để người khác biết không đến quấy nhiễu, phiền hà. Đạo Phật có 84 ngàn pháp môn thì pháp môn khổ hạnh chỉ là một trong số đó, và chỉ dành riêng cho một số đặc thù. Cũng giống như anh lính đặc công, đặc thù chuyên môn tập luyện khổ cực, chứ không phải tất cả lính đều như vậy. Bên Phật giáo cũng vậy, một số người thích hạnh độc cư, không thích quần chúng. Nhưng mà đạo Phật không phải đạo xa rời quần chúng. Đạo Phật là để hóa độ, giúp đời, đưa đạo vào đời. Một số hạnh trong 13 khổ hạnh đầu đà Đức Phật cũng không áp dụng. Chẳng hạn suốt đời phải ở trong rừng. Đức Phật đâu phải suốt đời ở trong rừng. Ngài đi hóa độ ở trong các ngôi chùa. Rất nhiều vị vua, phật tử cúng dường chùa cho Đức Phật. Đức Phật cũng cho những vị sư được đắp những bộ y sạch sẽ tươm tất chứ không nhất thiết phải đi lượm vải tử thi. Hoặc Đức Phật cũng nằm ngủ chứ đâu có ngồi ngủ. Các chư tăng, đại đức, thánh tăng cũng nằm ngủ đâu nhất thiết phải ngồi. Ngay khi Đức Phật đạt trạng thái cao nhất là niết bàn ngài vẫn ở tư thế nằm.
+ P.V: Từ hiện tượng ông Minh Tuệ một số ý kiến cho rằng đi tu như ông Tuệ không cần chùa, không cần tổ chức giáo hội, không vướng bận gì, như thế mới đáng ngưỡng mộ. Thầy nghĩ thế nào về ý kiến này?
+ Thầy Thích Pháp Hiếu: Thời xa xưa, các sư thầy lớn ở địa vị cao luôn luôn có tùy tùng, đệ tử, có chùa chiền đầy đủ chứ không nhất thiết độc cư. Ngày xưa Đức Phật vẫn có giáo hội điều hành. Ngài Ananda là một trong 10 vị đệ tử lớn của Đức Phật, cũng là thị giả (trợ lý) và ngài Jivaka chuyên chăm sóc sức khỏe cho Đức Phật, và hai vị đại đệ tử Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên chính là hai vị điều hành công việc của giáo hội. Từ thời Đức Phật đến giờ, tăng đoàn đã theo một tổ chức, nề nếp. Còn hạnh đầu đà là hạnh độc cư chỉ dành riêng cho một số vị riêng biệt, không ưa thích đám đông, trong giáo hội, tổ chức… Nên nhiều người hiểu sai pháp cứ nghĩ tất cả các sư thầy đều phải như thế là không đúng. Ngay Đức Phật quy định một tháng phải hội họp tăng chúng ít nhất 2 lần để chấn chỉnh những sư thầy nói giảng sai về Phật pháp. Phật pháp hiện nay một số thầy hiểu không hết dẫn đến giảng sai. Họ học chưa tới hoặc quan điểm bị ảnh hưởng này kia rồi nói khác đi cho nên cần phải chấn chỉnh, cần phải có tổ chức. Mọi việc trong tăng đoàn đều có tổ chức. Cho nên mái chùa với giáo đoàn cực kỳ quan trọng. Phật giáo trường tồn phát triển cho tới ngày hôm nay cũng do các ngôi chùa để lưu giữ lại tất cả hạnh tu, những lời Phật pháp, sinh hoạt trong tăng đoàn. Đây cũng là nơi tín ngưỡng, văn hóa cho bà con đến chiêm bái, học tập, nơi để cho vua chúa, các tầng lớp nhân dân tới học đạo. Thời đức Phật xây dựng rất nhiều chùa. Phật giáo giữ gìn tồn tại cho tới ngày hôm nay cũng nhờ chùa. Như tại các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ nếu không có chùa Phật pháp đã tiêu hoại rồi. Không có nơi có chỗ để người ta biết dựa vào đâu.
+ P.V: Việc ông Minh Tuệ học tu khổ hạnh đầu đà, không nhận cúng dường bằng tiền chỉ nhận thực phẩm chay đủ ăn ngày một bữa trái ngược với hình ảnh thường thấy trong đời sống tu hành hiện nay khiến nhiều người ngưỡng mộ, đi theo ông đảnh lễ trên đường ông đi qua các địa phương. Quan điểm của thầy về việc này thế nào?
+ Thầy Thích Pháp Hiếu: Trong 13 hạnh đầu đà có ý suốt đời sống ở nghĩa địa, suốt đời không được ở cố định, phải du hành thường xuyên. Hạnh đầu đà dành cho số ít người có nguyện vọng như thế. Phật giáo hay ở chỗ có tính uyển chuyển, không ép buộc rập khuôn cho tất cả mà Đức Phật với lòng từ bi ngài chế định ra những pháp mà các vị nào cảm thấy thích hợp thì áp dụng. Thời xưa người ta đi du canh du cư, không ở cố định. Nhưng khi xã hội loài người tiến bộ, con người ngày càng đông thì bắt buộc phải thâm canh thâm cư. Việc đi lung tung lang tang vì tự phát gây mất an ninh trật tự, không quản lý được con người, sinh ra trà trộn và hiềm khích chống phá lẫn nhau. Vì vậy, theo sự phát triển xã hội bắt buộc phải có tổ chức, có nơi có chỗ đàng hoàng để ổn định về tổ chức, xã hội. Thời xưa các thầy đi rày đây mai đó, đi lang thang khắp mọi miền là do lúc đó các thể chế chưa hình thành, các quốc gia còn lỏng lẻo ở dạng các bộ tộc, bộ lạc. Cho nên thời xưa các sư đi du hành rất nhiều nhưng thời nay xã hội phát triển, phải an cư mới lạc nghiệp được, mới đúng theo mong muốn của người dân, có nơi tín ngưỡng, văn hóa để giãi bày niềm tin, tốt đạo đẹp đời.
Hơn nữa, thời xa xưa họ không dùng tiền mặt nhiều nên có giới không giữ tiền. Nhưng bây giờ mọi thứ đều phải có trao đổi qua lại, cuộc sống con người phải có kinh tế mới nuôi sống bản thân được. Bây giờ các thầy đau ốm đi bệnh viện, đi học đâu phải được miễn phí, rồi tiền điện, tiền nước, chi phí ăn ở trong chùa cũng phải chi trả. Cho nên các thầy mới nhận cúng dường, giữ tiền để có phương tiện đi lại, lo học hành, y tế, tiền điện, tiền nước chỗ ăn ở trong chùa.
+ P.V: Như vậy việc tu khổ hạnh theo pháp đầu đà chỉ là một trong hàng ngàn pháp tu, phù hợp với người thích độc cư và cũng không phải của riêng Phật giáo. Nhưng từ hiện tượng ông Minh Tuệ thì các Facebooker, Youtuber, Tiktoker, “influencer” lại cố thổi bùng lên thêm ồn ào từ đó nhằm bôi xấu, hạ uy tín của Phật giáo. Thầy có chia sẻ gì về việc này?
+ Thầy Thích Pháp Hiếu: Trong tăng đoàn của Đức Phật có ngài Đại Ca Diếp thực hành hạnh đầu đà vì ngài mong muốn lối sống khổ hạnh độc cư chứ không thích tham gia giáo hội, không phải ngài chống phá mà ưa ẩn tu, ngài xin Phật được Phật đồng ý mới ra tu hạnh đầu đà. Việc tu 13 hạnh đầu đà chỉ dành cho số ít thôi chứ không phải những người thực hành theo là đi phỉ báng, chê bai tu theo những pháp môn khác, như vậy không đúng.
Vì sao đi tu phải tuần tự, vào phải thọ giới, điệu chúng từ nhỏ, học hành từ sơ cấp đến trung cấp, đại học, phải có hiểu biết. Đạo phật gốc là đạo du nhập vì vậy muốn học về giáo lý gốc phải học cổ ngữ. Chẳng hạn muốn tìm hiểu Phật giáo Nam truyền của Ấn Độ thì phải học tiếng Pali. Nếu muốn học Phật giáo Bắc truyền thì phải học chữ Hán chữ Nôm thì mới thâm nhập kinh điển được. Một số thành phần muốn nhanh, được quần chúng công nhận là thầy, là Phật không qua trường lớp, không cần phải đi thọ giới nơi các giáo hội. Vì vào giáo hội phải từ từ chứ không thể một bước mà lên thầy được. Họ muốn lên nhanh thì dùng Facebooker, Youtuber, Tiktoker để công nhận, tự đắp y, còn các Facebooker, Youtuber, Tiktoker không được đào tạo, hiểu biết về Phật pháp thì chỉ muốn quay, đăng lên để thu hút lượt người xem.
Qua hiện tượng này, một số thành phần bất mãn tổ chức, muốn đời sống tự do, không cần tổ chức, không cần quản lý của các cơ quan ban hành thì họ cổ súy việc tự đắp y. Nói rộng ra, không chỉ Việt Nam, ở Lào, Thái Lan… các nước xung quanh chúng ta họ rất bài bản, đi vô tu phải tuần tự theo cấp bậc đi lên, phải được thọ giới trong giáo hội, phải trải qua các kỳ thi giáo lý, được quần chúng nhân dân, chính quyền địa phương xác nhận mới được chứ không phải đơn giản.
+ P.V: Xin cảm ơn thầy đã chia sẻ!
HẢI QUỲNH (Thực hiện)
Ban Tôn giáo Chính phủ: Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực Ngày 3-6, Trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ đăng tải thông tin nguyên văn như sau: Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật. Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng - Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung. Tuy nhiên, trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo ông Lê Anh Tú, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường; đặc biệt, ngày 30-5-2024 đã xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo có tên là Lương Thanh Sơn, trú tại Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong; tiếp theo đó là ngày 2-6-2024 có 2 người phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị. Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực. Để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng. (Theo Cổng TTĐT Ban Tôn giáo Chính phủ) |