Không quên mất mát, nhắc nhở tương lai
Tối 19-11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam từ hai điểm cầu Hội trường Thống Nhất (TPHCM) và Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Cùng thời gian này, tại các tỉnh, thành phố có nhiều người dân tử vong như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh... cũng có những hình thức phù hợp để hưởng ứng chương trình.
Đông đảo cán bộ, nhân dân TPHCM dự Lễ tưởng niệm. |
Tham dự tại đầu cầu Hội trường Thống Nhất có Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn- Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh- Trưởng Ban kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Nên- Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Đỗ Văn Chiến- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng- Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tại điểm cầu TP Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dự Lễ tưởng niệm cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; đại diện một số tổ chức tôn giáo; đại diện các đơn vị, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội; đại diện thân nhân, gia đình đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID- 19. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi vòng hoa tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19
Trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID- -19 bùng phát đã gây tổn thất hết sức nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Dù toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã vào cuộc hết sức quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe và sự an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, nhưng dịch bệnh hết sức khốc liệt, chưa có tiền lệ. Hơn 1 triệu người mắc COVID- 19; dịch đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.400 đồng bào, cán bộ và chiến sỹ.
Trong cuộc sống, sinh mệnh con người là điều đáng quý nhất. Sẽ chẳng có gì bù đắp được với sự mất mát của hơn 23.000 đồng bào. Trong đó có biết bao người không được tổ chức một tang lễ trọn vẹn vì dịch bệnh. Hàng chục nghìn gia đình mất đi người thân yêu, hàng nghìn trẻ mồ côi cha, mẹ. Vì vậy, lễ tưởng niệm được tổ chức sẽ giải tỏa phần nào nỗi day dứt, xót thương của những người thân. Đó cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta và là sự quan tâm, chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nỗi đau của đồng bào.
Thắp nến tưởng nhớ những người đã hy sinh, tử vong vì COVID- 19 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). |
Theo Ban tổ chức, Lễ tưởng niệm được tổ chức để tưởng nhớ những người đã không may qua đời vì COVID-19, chia sẻ nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nỗi đau của đồng bào.
Không chỉ là nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, lễ tưởng niệm cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Dịch bệnh không loại trừ ai. Chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào mình, từ việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người; chia sẻ, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; sẵn sàng chung tay, góp sức tham gia phòng, chống dịch.
Tại TPHCM, nơi con số mất mát vô cùng lớn, Lễ tưởng niệm đồng loạt diễn ra tại hội trường Thống Nhất, số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q. 1; TP Thủ Đức và các quận huyện. Đúng 20 giờ 30, diễn ra nghi thức tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Khoảng 1.000 đại biểu tham dự cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân mất vì COVID-19 cùng mặc niệm tưởng nhớ những người đã khuất. Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) tại TPHCM cùng đánh chuông tưởng niệm. Ngoài nghi thức thắp nến tưởng niệm, tại các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình... tổ chức thả đèn hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vào lúc 20 giờ 5. Đông đảo người dân tắt đèn, thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân... để tưởng niệm vào lúc 20 giờ 30. Các cơ sở tôn giáo rung chuông tưởng niệm, các con tàu trên các tuyến kênh ở TPHCM kéo còi tưởng niệm.
P.V