Không thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch ở trong nước trước biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Tại cuộc họp ngày 7-1, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất, trước sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2, các lực lượng cần theo dõi tình hình, nhưng về cơ bản, không thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch trong nước, tiếp tục “giữ thật chặt từ bên ngoài, tăng cường các giải pháp ở bên trong”. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì.
Các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu, khi có bà con trở về, các địa phương chủ động bố trí đưa vào khu cách ly tập trung, đặc biệt với những người hoàn cảnh khó khăn. |
Bệnh nhân 1.489 vi phạm quy định cách ly
Tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thông tin về trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thường trú Quảng Ninh (BN1489) sau khi trở về địa phương từ khu cách ly tập trung ở H. Chương Mỹ, Hà Nội.
Ông Đặng Quang Tấn khẳng định: “Trường hợp này có vi phạm quy định cách ly. Thứ nhất, chưa có kết quả xét nghiệm cuối cùng nhưng đã được cho ra khỏi khu cách ly. Sau khi ra khỏi khu cách ly, các lực lượng không bố trí đơn vị, cơ quan chức năng để đưa đón, bàn giao cho địa phương. Trường hợp này sử dụng xe riêng của gia đình, đưa về khách sạn của gia đình để cách ly. Khi đã trở về nhà, Trung tâm Y tế H. Chương Mỹ mới thông tin trường hợp này dương tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó, bệnh nhân đã cùng gia đình đi ăn tối ở bên ngoài... Chính trường hợp này không thực hiện nghiêm quy định hạn chế tiếp xúc với mọi người”.
Liên quan đến trường hợp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: Bộ Y tế tiếp tục rà soát lại các quy trình. Nơi nào sai, Bộ Y tế chính thức có văn bản kiến nghị xử lý nghiêm. Không thể vì lơi lỏng, thoải mái cá nhân của một số người, một bộ phận cán bộ, công chức mà gây nguy hại cho cộng đồng.
Tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly y tế trong 14 ngày
Liên quan đến thông tin, người dân khi thấy triệu chứng mắc Covid-19, xét nghiệm tại cơ sở y tế cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng sau đó, xét nghiệm lại ở đơn vị có năng lực tốt hơn lại cho kết quả âm tính, chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của sự việc có thể do quá trình lấy mẫu, kết quả xét nghiệm hoặc hiệu quả của phương pháp xét nghiệm.
“Tuy nhiên, đối với kết quả âm tính rồi lại dương tính, không thể nói là do lấy mẫu hoặc làm xét nghiệm sai, có thể do hiệu quả của test-kit chỉ đạt 95% hoặc có thể do trường hợp dương tính giả, dương tính với virus Corona khác. Việc các viện Pasteur xét nghiệm 2 lần bằng các test-kit khác nhau, tôi cho rằng, kết quả xét nghiệm có thể tin tưởng được”, chuyên gia Trần Đắc Phu nêu rõ. Về thời gian thực hiện cách ly, chuyên gia Trần Đắc Phu cho biết, thời gian ủ bệnh của người nhiễm virus SARS-CoV-2 đến khi xét nghiệm, phát hiện mắc Covid-19 sớm nhất từ khoảng 1-2 ngày, trung bình khoảng 5-6 ngày. Một số trường hợp phát hiện vào ngày thứ 19 hoặc ngày thứ 27. Một số bài báo trên thế giới đã thông tin về khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đó là những trường hợp phơi nhiễm kép, nghĩa là đã bị nhiễm lần 2. Do đó, chuyên gia Trần Đắc Phu khẳng định, đến nay, quan điểm của ngành Y tế về thời gian ủ bệnh vẫn là 14 ngày nên vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly y tế trong 14 ngày.
Rà soát lại quy trình giao - nhận người trở về từ khu cách ly
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2021, tổ chức Đại hội XIII của Đảng… Do đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nước. Phó Thủ tướng yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, trước sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2, các lực lượng cần theo dõi tình hình, nhưng về cơ bản, không thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch bệnh trong nước, tiếp tục “giữ thật chặt từ bên ngoài, tăng cường các giải pháp ở bên trong”. Các bộ, ngành, địa phương khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K; cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 (https://antoancovid.vn/).
Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh hiện hữu từ bên ngoài, bên cạnh các biện pháp của lực lượng biên phòng, an ninh, Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường công tác nắm sát địa bàn của chính quyền cơ sở, dưới sự tham mưu của lực lượng Công an và Y tế. Các lực lượng này nhanh chóng nắm bắt thông tin, vận động gia đình có người thân đang ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam không nhập cảnh bất hợp pháp, nhất là ở những địa bàn có đường bộ với Việt Nam. Nếu có nhu cầu về nước theo chủ trương của Nhà nước, mọi người nên nhập cảnh hợp pháp và thực hiện nghiêm quy định cách ly. Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu, khi có bà con trở về, các địa phương chủ động bố trí đưa vào khu cách ly tập trung, đặc biệt với những người hoàn cảnh khó khăn...
Đối với các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo giữ được an toàn trong nước. Lực lượng Quân đội, Y tế, Giao thông, Ngoại giao rà soát lại năng lực cách ly của các trung tâm trên tinh thần "tuyệt đối an toàn", từng bước giải quyết các nhu cầu chính đáng của bà con trở về nước...
Đối với một số trường hợp cá biệt (sau khi nhập cảnh 14 ngày, xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị rà soát, đánh giá lại quy định nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, Bộ Y tế, chỉ đạo ngành Y tế tăng cường công tác kiểm soát trường hợp cách ly tại khách sạn; tăng cường cập nhật thông tin trên các hệ thống để đảm bảo theo dõi tất cả mọi người Việt Nam từ khâu bắt đầu đăng ký để được về nước, đến khi về nước thực hiện cách ly, giám sát y tế.
38 quốc gia có biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến 18 giờ ngày 6-1, thế giới ghi nhận gần 87 triệu ca mắc Covid-19 và gần 1,9 triệu ca tử vong tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới, bao gồm: Mỹ, Brazil...
Tại Châu Âu, ngày 5-1, số ca nhiễm mới tại Anh lần đầu tiên vượt mốc 60.000 ca/ngày. Một số quốc gia tăng cường các biện pháp mạnh để phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ ba. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực sau đó đến Philippines. Về tình hình dịch Covid-19 trong nước, ông Đặng Quang Tấn cho biết, tính đến ngày 7-1, Việt Nam có 37 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, tính đến ngày 5-1, thế giới đã ghi nhận 38 quốc gia có biến thể mới của virus, trong đó 12 quốc gia có lây nhiễm ra cộng đồng. Hiện có 70 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh và các quốc gia ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn biến thể mới lây lan.
Diệp Trương