Báo Công An Đà Nẵng

Không thể chấp nhận ép cung, nhục hình

Thứ năm, 21/11/2013 23:31

(Cadn.com.vn) - Ngày 21-11, phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình có sự tham gia giải trình thêm của Bộ trưởng Bộ CA Trần Đại Quang, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về một số nội dung, kiến nghị được đại biểu Quốc hội đề nghị trả lời trực tiếp. Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Ngành Tòa án đã giải quyết 63,3% số đơn tái thẩm, giám đốc thẩm, cao nhất từ trước đến nay. Hiện còn gần 4.000 đơn còn thời hạn luật định, đang tiến hành giải quyết; đã giải quyết trên 6.000 đơn. Ngành cố gắng tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng giải quyết đơn để tăng cường niềm tin trong nhân dân. Tuy vậy, vẫn còn án hủy sửa, chưa đạt yêu cầu - Chánh án thừa nhận.

Dẫn chiếu vụ án Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang bị kết án tù chung thân, sau 10 năm mới được minh oan, ĐB Nguyễn Bá Thuyền chất vấn: Vậy trách nhiệm của ngành Tòa án đến đâu, giải pháp minh oan, bồi thường cho người bị oan sẽ được thực hiện như thế nào? Cũng với nội dung này, ĐB Lê Thị Nga đề nghị Chánh án cho biết quan điểm về thông tin cho rằng có dấu hiệu ép cung, dùng nhục hình? Chánh án Trương Hòa Bình đã thông tin về nội dung vụ việc và cho biết, trong những năm gần đây, mỗi năm cơ quan tố tụng các cấp thụ lý trên 100 ngàn vụ án hình sự. Việc điều tra đấu tranh, vạch trần tội phạm rất vất vả, có trường hợp CBCS CA hy sinh. Công tố viên và thẩm phán cũng phải chịu áp lực lớn kể cả khủng bố, đe dọa. Vì vậy trên thực tế, vì những lý do khác nhau có thể xảy ra oan sai. Đối với thông tin có oan sai, ép cung, nhục hình trong vụ án ông Chấn, Chánh án khẳng định, việc xác định có oan sai hay không phải chờ đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan chức năng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước Quốc hội và trước nhân dân để xác minh, làm rõ những vấn đề này.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền: "Trách nhiệm của ngành Tòa án đến đâu, giải pháp minh oan, bồi thường cho người bị oan sẽ được thực hiện như thế nào?"

“Vấn đề có ép cung, nhục hình, nếu có đó là điều không thể chấp nhận được... Để xảy ra ép cung, nhục hình nếu có, phải chứng minh chặt chẽ. Nếu cán bộ vi phạm, đều bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm từ xử lý hành chính, xử lý điều lệnh hoặc nếu xâm phạm hoạt động tư pháp sẽ bị xử lý về các tội xâm phạm tư pháp, đó là điều khẳng định. Nếu không phải như thế, không thể kết luận vội vàng vì còn liên quan đến tinh thần, ý chí tiến công tội phạm. Nếu không sẽ làm nhụt ý chí, tinh thần tiến công của những người đang làm những công việc khó khăn, gian khổ”- Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Chánh án Trương Hòa Bình: "Các cơ quan chức năng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Quốc hội và trước nhân dân"

Tham gia báo cáo bổ sung liên quan tới oan sai, hiện tượng ép cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự và quan điểm, giải pháp của Bộ CA, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định: Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác điều tra, xử lý các vụ án hình sự nói riêng, một nguyên tắc chỉ đạo hàng đầu và xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai; nghiêm cấm việc mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm minh. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Quan điểm, chủ trương trên được toàn ngành CA luôn quán triệt thực hiện. Bộ thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, phát hiện và khắc phục, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Vì vậy các sai phạm trong hoạt động điều tra đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, cá biệt vẫn xảy ra ở một số đơn vị, địa phương thậm chí còn án oan sai, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Theo quy định, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án là những người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra oan sai. Với trách nhiệm quản lý và tổ chức hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra trong công an nhân dân, Bộ Công an có trách nhiệm về tất cả hoạt động của cơ quan điều tra, kể cả những sai sót trong hoạt động điều tra.

Làm rõ hơn những nội dung đại biểu chất vấn, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định: Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ CA đều có quan điểm chung về vấn đề oan sai; biện pháp khắc phục án oan sai, không để lọt tội phạm và đã có những biện pháp khắc phục. Việc này đã giảm một cách đáng kể trong năm 2013, tuy nhiên có xảy ra một tỷ lệ nhỏ. Đối với việc này, với tư cách là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp, Viện Kiểm sát cũng có phần trách nhiệm. Đối với các vụ án oan sai đã xảy ra trên thực tế, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có 5 việc cần làm: kịp thời minh oan cho người bị oan; tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để điều tra làm rõ đối tượng gây án; thực hiện trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật; xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra oan sai – sai đến đâu, xử đến đó; tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân, ban hành các quy định để khắc phục.

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại cần tiếp tục giải quyết. Qua phần chất vấn, một lần nữa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội cũng như của cử tri cả nước đối với công tác tư pháp, nhất là công tác xét xử. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành Tòa án nhân dân cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ vừa đủ về lượng, vừa mạnh về chất. Bởi hiện nay, chất lượng của ngành Tòa án vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, công tác đào tạo của ngành Tòa án phải thực hiện một cách quyết liệt.

B.T – TTXVN