Báo Công An Đà Nẵng

Không thể “mặc định” Đà Nẵng là nơi lây nhiễm dịch bệnh cho các địa phương

Thứ năm, 20/05/2021 07:32

* Tổ chức xét nghiệm cho đại diện tất cả các hộ gia đình trên địa bàn quận Sơn Trà

Chiều 19-5, tại cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, Bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP cho biết, đã có kết quả giải trình tự gen mẫu bệnh phẩm của các ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng. Theo đó, cả 11 mẫu đại diện cho tất cả các ổ dịch phát sinh trên địa bàn đều cùng một chủng là của Anh. 



Theo kết quả phân tích gen từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng có biến chủng từ Anh, còn các tỉnh phía Bắc hầu hết là chủng Ấn Độ.

Vợ chồng Giám đốc Công ty Hacinco không lây COVID-19 tại Đà Nẵng  

Bác sỹ Tôn Thất Thạnh cho biết thêm, ngay trong sáng 19-5, CDC Đà Nẵng nhận được thông tin từ Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo khi phân tích, giải trình tự gen của hai vợ chồng giám đốc Công ty Hacinco được cho là nhiễm Covid-19 từ Đà Nẵng thì mẫu của người vợ chất lượng xấu nên không giải trình được, còn mẫu của người chồng thì trình tự gen thuộc chủng của Ấn Độ. Trong khi đó, Đà Nẵng cũng đã kết hợp với CDC Quảng Nam lấy tổng cộng 801 mẫu của những người tại các địa điểm có liên quan đến cặp vợ chồng này khi đi du lịch tại Đà Nẵng thì đều cho kết quả âm tính. “Như vậy, có thể khẳng định nguồn lây của hai vợ chồng này không phải từ Đà Nẵng”, Bác sỹ Thạnh khẳng định. Từ những kết quả nêu trên, Bác sỹ Thạnh cho rằng, khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đến nay, Đà Nẵng luôn được xem là nơi khởi phát và là nơi phát tán dịch bệnh cho các địa phương khác trong cả nước, vì vậy, khi có kết quả phân tích gen cho thấy, những thông tin này là chưa đúng, chưa có cơ sở khoa học.
Ngoài ra tại cuộc họp, Bác sỹ Thạnh đề nghị các địa phương trên toàn TP cũng cần có biện pháp giám sát, cách ly người về Đà Nẵng từ các vùng dịch, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc, bởi theo Bác sỹ Thạnh, đa số ca bệnh ở đây đều mang chủng Ấn Độ nên lây lan rất nhanh, rất nguy hiểm. 

Trong một diễn biến khác có liên quan, để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc các biến thể của virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành giải trình tự gen các mẫu do các địa phương gửi về ở những bệnh nhân đã mắc Covid-19. Mới đây nhất, kết quả giải trình tự gen các mẫu sáng ngày 19-5 do các tỉnh, thành gửi về cụ thể như sau: 29 mẫu thuộc biến thể B.1.617.2 thuộc biến chủng lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ, trong đó tại Hà Nội (10), Bệnh viện K (5), Bắc Giang (9), Bắc Ninh (2), Vĩnh Phúc (2), Hải Phòng (1). 2 mẫu thuộc biến thể B.1.1.7 thuộc biến chủng của Anh tại Hải Dương.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã nhiều lần công bố kết quả giải trình tự gen của các ca bệnh COVID-19 tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Thái Bình đều mang biến thể Ấn Độ và biến thể Anh. Tại cuộc làm việc với tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn ngày 18-5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh tốc độ lây nhiễm lần này cũng cao hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước, biến chủng của Ấn Độ có tần suất lây nhanh hơn biến chủng của Anh, vì vậy phải chặn nhanh, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến cả công tác.

Không có cơ sở khẳng định Đà Nẵng là “ổ dịch” phát tán dịch bệnh  

Từ thông tin CDC đưa ra, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, các địa phương, kể cả một số cơ quan truyền thông đều xem Đà Nẵng là “ổ dịch” phát tán dịch bệnh cho cả nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Đà Nẵng, mà quan trọng hơn, việc đánh giá như vậy là không đầy đủ, không có cơ sở khoa học, vì thế các địa phương có thể có tâm lý chủ quan trong khi nguy cơ tại chính mình là rất cao mà không biết. “Vấn đề này có ảnh hưởng đến Đà Nẵng tí cũng không sao, quan trọng và cực kỳ nguy hiểm hơn, khi các địa phương khác không hiểu tình hình dịch bệnh trong chính nội tại của mình để đề phòng”, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh nói.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị trong công tác truyền thông, BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP phải thông tin rõ hơn nội dung này đến các cơ quan báo chí; đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp tuyên truyền thông tin này đến bạn đọc. 

Bác sỹ Tôn Thất Thạnh cho rằng, những ca xuất phát từ các ổ dịch cũng như các ca phát sinh trong cộng đồng tại Đà Nẵng từ lúc bùng phát đến nay đều ở quận Sơn Trà. Ví như ca đầu tiên ở thẩm mỹ viện AMIDA, hay như ở Công ty Trường Minh, và một số ca lây nhiễm trong cộng đồng khác thì đều ở quận Sơn Trà. Vì vậy, CDC cũng như các đơn vị đều nhận định mầm bệnh còn tiềm ẩn tại đây. Thế nên đề xuất BCĐ cho xét nghiệm toàn bộ đại diện cho hộ gia đình trên địa bàn quận, còn hiện tại, TP mới có chủ trương xét nghiệm cho 30% đại diện hộ gia đình trên toàn địa bàn TP (3 hộ chọn 1 hộ, trong hộ chọn 1 người thường xuyên đi lại, tiếp xúc với nhiều người khác...).   

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đồng ý sẽ tổ chức xét nghiệm cho đại diện tất cả các hộ gia đình trên địa bàn quận Sơn Trà; đồng thời đề nghị Sở Y tế cân nhắc, xem xét có nên mở rộng thêm diện xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình trên toàn địa bàn thành phố. Riêng đề xuất cách ly đối với những người từ vùng dịch trở về Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo các địa phương nhanh chóng nắm thông tin và có biện pháp kiểm soát, nếu không sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là những người về từ vùng dịch có chủng Ấn Độ. 

* Theo BCĐ thành phố, trong 24 giờ qua, trên địa bàn TP ghi nhận 2 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 1 ca là F1, còn 1 ca được phát hiện trong cộng đồng. Cũng trong ngày, các địa phương đã xét nghiệm cho 31.451 mẫu, con số kỷ lục của 16 ngày qua.

DOÃN HÙNG

Quân đội triển khai hai bệnh viện dã chiến ở Bắc Ninh và Bắc Giang

Trong ngày 19-5 hai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm sẽ được cấp tốc triển khai tại cơ sở 2 Trường Sỹ quan Chính trị ở thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) và Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang ở huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang). Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 1 do Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) chủ trì với sự tham gia về lực lượng, trang thiết bị của các Bệnh viện Quân y 354, 105, 103, Trường Sỹ quan Chính trị và phối thuộc Tổ Xét nghiệm của Học viện Quân y đang triển khai tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh. Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 do Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) chủ trì, sử dụng lực lượng gồm nhân sự, vật tư từ Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Y học Phòng không  - Không quân, Viện Y học cổ truyền Quân đội và các lực lượng phối thuộc của Quân đoàn 2, Tổ Xét nghiệm của Học viện Quân y đang triển khai tại Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang. Mỗi bệnh viện dã chiến được tổ chức thành 4 cơ quan và 10 khoa với biên chế gần 120 người và 300 giường bệnh (sẵn sàng nâng hệ số sử dụng lên 500 giường).

T.T

Lãnh đạo quận Thanh Khê thăm, động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19

Lãnh đạo Q.Thanh Khê thăm Cơ sở cách ly Tiểu đoàn Công binh 29.

ĐÀ NẴNG - Ngày 16-5-2021, Bí thư Quận ủy Thanh Khê Lê Tùng Lâm; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Thị Minh Nguyệt; Chủ tịch UBND quận Hồ Thuyên và các Phó Chủ tịch đã tổ chức 3 đoàn thăm các cơ quan, đơn vị, điểm phong tỏa mềm nhằm động viên tinh thần các tập thể, cá nhân và lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong chuyến thăm lần này, các đồng chí lãnh đạo Q.Thanh Khê đã đến tận nơi động viên các y, bác sĩ, nhân viên Trung tâm Y tế Q.Thanh Khê; CBCS và tình nguyện viên Cơ sở cách ly Tiểu đoàn Công binh 29; Cơ sở cách ly Đại học TDTT (cơ sở 2); Trạm Y tế 10 phường và 22 điểm cách ly y tế, chốt kiểm dịch khác trên địa bàn.            

PHƯƠNG KIẾM