Báo Công An Đà Nẵng

Không thể thờ ơ...

Thứ ba, 17/06/2014 10:59

(Cadn.com.vn) - Nói đến văn minh hẳn nhiên phải nói đến những điều lớn lao, bao quát, chứ chẳng ai lại đem một hiện tượng xã hội ra để “tham chiếu”. Thế nhưng, nếu vô tình bỏ qua những điều ngỡ như đơn lẻ, nhỏ nhặt thì biết đâu ngay cả những điều lớn lao, bao quát cũng chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa. Trộm chó là một điều như thế. 

Vụ trộm chó bắn súng điện gây chết cho 3 người ở TPHCM mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về loại tội phạm (hay hiện tượng xã hội) này. Cho đến nay, không rõ có thống kê nào về số người chết liên quan đến các vụ trộm chó hay chưa, nhưng chắc rằng con số đó không hề ít. Những vụ trộm chó bị truy đuổi quay lại tấn công gây chết người, người dân bức xúc bắt được và đánh chết trộm chó... lâu lâu lại xuất hiện và đều gây chấn động dư luận.

Tra cứu trên mạng Internet, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng chứng kiến những hình ảnh, clip hết sức rùng rợn, dã man về trộm chó. Hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh ở Thanh Hóa, nghi phạm trộm chó bị đánh chết tại chỗ, vợ anh ta ôm xác chồng ngồi bệt giữa đường.

“Trộm chó bị đánh chết ở Thanh Hóa”, “Trộm chó bị gí điện, đánh hội đồng dã man”, “Trộm chó bị đánh dã man ở Thái Nguyên”, “Đi trộm chó bị người dân đánh chết”... Đó là những tít đề trên báo mạng thời gian qua; còn trong xã hội, e rằng số vụ việc diễn ra không biết gấp mấy lần.

Trộm chó nhan nhản như thế nhưng tìm một báo cáo khoa học, một nghiên cứu đầy đủ và rộng rãi về loại tội phạm (hay hiện tượng xã hội) này không phải dễ. Ngay cả việc áp dụng quy định của pháp luật để xử lý trộm chó cũng còn nhiều lúng túng.

Trong thực tế người dân bắt được trộm chó giao cho cơ quan CA thì vẫn rất khó xử lý được do tài sản bị trộm có giá trị ít hơn 2 triệu đồng (theo quy định về tội trộm cắp tài sản tại Bộ luật Hình sự). Đây chính là nhân tố thúc đẩy hành vi “tự xử lý” của người dân khi bắt được trộm chó, gây nên những hậu quả hết sức  đau lòng.

Trong khi đó, ngoài hành vi nguy hiểm cho xã hội – điều đã quá rõ ràng – thì trộm chó hình như đã trở thành một vấn đề xã hội. Thậm chí, không ít lần, báo chí, truyền thông quốc tế đưa tin về “bắt cóc chó” ở ta với thái độ vừa tức giận vừa mỉa mai.

Với những gì đã và đang diễn ra, dù ái ngại nhưng cũng phải công nhận rằng họ không phải không có cơ sở để tỏ thái độ như vậy! Bởi, đó là điều không những đã vi phạm pháp luật mà rất khó có thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh thế kỷ XXI này.

Và, điều đáng lo ngại nhất không hẳn là những gì đã diễn ra, mà chính là hình như chưa có sự chuẩn bị thực sự nào để dẹp bỏ nan đề trộm chó một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất. Có nghĩa là, không ai có thể biết trước, ngày mai, ngày kia... ở đâu đó lại xuất hiện những cảnh tượng dã man về trộm chó. Phải chăng, chúng ta chưa đủ sức để ngăn chặn nên đành bỏ ngỏ nan đề này, hoặc giả quá thờ ơ với nó?

Trộm chó tuy chỉ là một trong vô vàn vấn đề xã hội, chỉ là một loại trộm, nhưng hệ lụy của nó đã hết sức nghiêm trọng. Hình ảnh trộm chó và người dân đánh, giết trộm chó chính là bức tranh phản chiếu về ý thức thượng tôn pháp luật ở Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế... Rõ ràng, đây không còn là lúc xã hội nói chung, các cơ quan xây dựng và bảo vệ luật nói riêng, thờ ơ với trộm chó.

Nguyễn Lê