Báo Công An Đà Nẵng

Không thể trì hoãn các trạm trung chuyển rác

Thứ bảy, 04/07/2020 14:43

Xây dựng các trạm trung chuyển rác công suất lớn là yêu cầu bức thiết để giải quyết căn bản những bất cập trong qui trình thu gom rác thải hiện nay. Tuy vậy, khi đưa ra lấy ý kiến tổ dân phố tại các địa điểm đặt trạm, 100% người dân phản đối.

Cả TP hiện có khoảng 500 điểm tập kết rác trên đường phố như thế này. (Ảnh: Một điểm tập kết rác tại Hòa Xuân- Q.Cẩm Lệ).

Vì sao phải xây các trạm?

4 trạm trung chuyển rác Đà Nẵng sẽ xây dựng có tổng vốn gần 600 tỷ đồng. Cụ thể, trạm Sơn Trà hơn 139 tỷ đồng, trạm Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn hơn 137 tỷ đồng. Cả 3 trạm này đều có công suất 200 tấn/ngày bằng công nghệ ép ngang đảm bảo về mặt môi trường, khí thải, nước thải không gây ô nhiễm khu vực xung quanh. Riêng trạm Hải Châu được xây dựng trên khu đất hơn 3.000m2 cạnh chợ đầu mối Hòa Cường, tổng vốn 172 tỷ đồng, công suất thiết kế 485 tấn/ngày.

Việc xây dựng các trạm trung chuyển rác là phần không thể thiếu nếu muốn cải thiện qui trình thu gom rác thải. Hiện, mỗi ngày Đà Nẵng phải thu gom, xử lý khoảng 1,1 ngàn tấn rác bằng hình thức công nhân đẩy xe thu trực tiếp từ nơi phát sinh rác và đặt thùng cố định trên đường phố. Khoảng 5 ngàn thùng rác ở 400 - 500 điểm được tập kết trên đường phố. Rác từ các kiệt hẻm sẽ thu gom bằng xe ba gác đưa ra điểm tập kết ở đường lớn rồi xe rác tới chở lên bãi rác Khánh Sơn. Hiện cả TP cũng có khoảng 40 xe rác, dù vận chuyển hết công suất thì trong ngày cũng không thể "giải phóng" hết các điểm tập kết rác, bởi lẽ quãng đường đi trực tiếp lên bãi rác rất xa. Thành thử, thời gian các thùng rác lưu cữu trên đường phố lâu, tạo thành điểm ô nhiễm nhỏ lẻ. Chưa kể, hiện lượng ô-tô của Đà Nẵng rất lớn, đậu đỗ nhiều trên đường, xe rác khó tiếp cận các điểm tập kết thùng rác để gắp đi, gây ách tắc giao thông.

Có thể thấy, với qui trình thu gom rác thải như hiện nay, toàn thành phố nhìn đâu cũng thấy điểm tập kết rác. Bên cạnh đó, tần xuất xe chở rác hoạt động liên tục trên phố cũng để lại nhiều hệ lụy. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, một xe rác chạy giữa đường phố chẳng khác gì một trạm rác di động, ai đi phía sau cũng phải bịt mũi. Nếu không có các trạm trung chuyển, rác để lưu cữu trên đường rất nhiều, kéo dài, người dân khu vực đó cũng phản ứng, không ai muốn khu vực tập kết rác gần nhà mình. Do vậy, ông Thơ cho rằng, để giảm số lượng các điểm, thời gian, lượng rác thải tập kết trên đường phố; hạn chế thời gian thu gom rác thải trên các tuyến phố vào giờ cao điểm; hạn chế các phương tiện có tải trọng lớn, gây cản trở giao thông trong quá trình thu gom rác... thì bắt buộc phải xây dựng các trạm trung chuyển. Khi có các trạm, TP tiếp tục đầu tư hàng trăm xe thu gom rác hiện đại, mỹ quan để giải phóng thu gom thủ công bằng xe đẩy, xe kéo, xe bò, xe ba gác.

Theo thiết kế, rác thu gom về các trạm sẽ sử dụng công nghệ ép kín, có hệ thống thu gom nước rỉ riêng và vận chuyển bằng xe container cỡ lớn, mỗi xe 20 tấn lên bãi rác Khánh Sơn.

Khu vực xây dựng trạm trung chuyển rác thải Hải Châu trên đường Lê Thanh Nghị.

Không thể trì hoãn

Việc xây dựng trạm trung chuyển rác quan trọng, bức thiết là vậy, song khi lấy ý kiến người dân tổ dân phố nơi đặt trạm, 100% phản đối. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, theo qui định của Luật quy hoạch đô thị, khi triển khai lập qui hoạch chi tiết phải lấy ý kiến người dân. Nhưng cách thức và phạm vi lấy ý kiến thế nào thì không có một qui định cụ thể nào. Luật không qui định trong quá trình lấy ý kiến mà người dân không đồng ý thì không được triển khai dự án. Do vậy, các trạm trung chuyển rác là công trình có ảnh hưởng, tác động, phạm vi hoạt động cả quận, cả TP chứ không riêng tổ dân phố nơi đặt trạm. Nếu chỉ lấy ý kiến ở tổ dân phố chắc chắn người dân chẳng bao giờ muốn một dự án liên quan tới xử lý rác cạnh nhà mình, dù rằng dự án đó theo qui chuẩn hiện nay hoàn toàn đảm bảo về khoảng cách ly và công nghệ. Ông Hùng cho rằng, Sở Xây dựng cần có cách lấy ý kiến, phạm vi lấy ý kiến theo mức ảnh hưởng, phạm vi phục vụ của dự án với khu vực, với TP thì mới phù hợp. Cũng theo ông Hùng, các trạm trung chuyển rác đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ, nó là phần không thể thiếu được trong toàn bộ qui trình thu gom, xử lý rác của TP. TP phải hoàn thiện hệ thống này mới hy vọng khắc phục được những tồn tại trong quá trình thu gom, xử lý rác hiện nay.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng, việc lấy ý kiến người dân nhằm phát huy những đóng góp ý kiến của người dân với các lợi ích kinh tế, xã hội nói chung cho dự án chứ không phải lấy ý kiến về việc đó ảnh hưởng tới mình thì mình phản đối, dẫn đến không triển khai dự án được. Nếu hộ dân nào bị ảnh hưởng, nằm trong phạm vi bán kính qui định bởi các thông số kỹ thuật thì TP đền bù giải tỏa. Còn không ảnh hưởng gì, mà cảm nhận rằng để trạm trung chuyển rác hay cho xe rác chạy ngang qua nhà mình thì mình không đồng ý. Căn cứ vào ý kiến đó thì không phù hợp và chẳng bao giờ làm được gì. "Trạm trung chuyển rác là cách giải quyết bài toán thu gom rác cho toàn dân TP, nếu lấy ý kiến phải lấy toàn dân chứ đâu phải của tổ dân phố đó. Còn tổ dân phố đó nếu có ảnh hưởng về môi trường phải tìm cách xử lý, nếu không xử lý được mà gây ô nhiễm thì phải đền bù, giải phóng mặt bằng"- Ông Thơ nói.

Rõ ràng để cải thiện căn bản qui trình thu gom rác theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển thì việc xây dựng các trạm trung chuyển rác là cần thiết, không thể trì hoãn.

HẢI QUỲNH