Báo Công An Đà Nẵng

Không thu Quỹ Phụ huynh có phải là điều hay?

Thứ sáu, 14/10/2022 13:35
Nhiều trường học làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trên tinh thần tự nguyện của người ủng hộ, đã hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn có được điều kiện học tập tốt hơn. (Ảnh có tính minh họa)

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một việc làm hay, đúng, góp phần hạn chế những biểu hiện tiêu cực, lạm thu trong nhà trường. Bản thân tôi (người viết) nguyên là Hiệu trưởng trường THCS đã từng không thu Quỹ Ban đại diện CMHS xin trao đổi một vài ý sau.

Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, việc đóng góp của CMHS hay vận động tài trợ, tất cả phải đều thực hiện đúng, nghiêm túc theo Thông tư 55/2011 ban hành Điều lệ Ban đại diện CMHS và Thông tư 16/2018 của Bộ GD-ĐT Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Mỗi khi bước vào năm học mới, ở một số nơi, các bậc CMHS rất lo lắng về tình trạng lạm thu với quá nhiều khoản tiền so với quy định của Nhà nước do nhà trường và Ban Đại diện CMHS đề xuất. Dẫu rằng, trước khi năm học mới bắt đầu, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương đều có văn bản nhắc nhở, hướng dẫn, quy định về các khoản thu trong trường học.

Nhiều địa phương quy định rõ từng khoản thu cụ thể được thu và các khoản không được thu. Nhất là nhắc nhở Ban Đại diện CMHS không được thu 7 khoản theo quy định ở Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT, đó là: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có không ít trường để xảy ra tình trạng lạm thu với các khoản ngoài quy định. Một thầy giáo cho biết, vào thời điểm đầu năm học mới việc đóng các khoản tiền rất nhạy cảm. Nên việc một trường không thu 3 loại quỹ trên được dư luận quan tâm là điều dễ hiểu.

Cá nhân thầy giáo này cho rằng, quy định của vị Hiệu trưởng nọ là khá hợp lý. Riêng về quỹ lớp, thầy giáo này bàn thêm: “Nếu trong năm học các lớp có việc chi cần chi thì Ban Đại diện CMHS phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp thu và chi luôn như: đóng góp bồi dưỡng cho các em dự thi Hội khỏe Phù Đổng, Hội thao Thể dục- Thể thao, hội thi Văn nghệ…; còn nội dung xã hội hóa giáo dục, cần phụ huynh tình nguyện tài trợ cho trường thì Hiệu trưởng cần có kế hoạch vận động rõ ràng, được Phòng ( Sở) GD-ĐT phê duyệt. Điều này sẽ giúp hạn chế việc lạm thu, ngăn ngừa những tiêu cực trong sử dụng các loại quỹ. Hiệu trưởng phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn tiền vận động, xã hội hóa”.

Nhưng cũng ý kiến rằng, trong bối cảnh hiện nay, nguồn kinh phí ngân sách bảo đảm cho các trường công lập hiện còn khá nhiều khó khăn. Các đơn vị trường học có thể tìm nhiều cách huy động theo phương châm xã hội hóa giáo dục. Vì hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương xã hội hóa giáo dục. Và trên thực tế, cũng có không ít CMHS rất muốn đóng góp một khoản kinh phí hỗ trợ cho nhà trường nhất là những phụ huynh có điều kiện về tài chính, để cho con em họ có điều kiện học tập tốt hơn. Vấn đề là Nhà trường mà cụ thể là Hiệu trưởng phải làm như thế nào để việc "xã hội hóa giáo dục" thành công trên tinh thần tự nguyện của người ủng hộ và việc chi tiêu Quỹ này cần rõ ràng, minh bạch, công khai.

Theo ý kiến của người viết, việc thu quỹ dùng cho hoạt động của lớp như ý của thầy giáo trên là tạm ổn, để cho lớp có khoản kinh phí bồi dưỡng cho các em tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, rèn luyện kỹ năng sống. Còn việc không cho thu Quỹ phụ huynh trong phạm vi toàn trường không hẳn là điều hay. Bởi thực tế có trường không thu Quỹ Phụ huynh đã giảm tham gia một số cuộc thi HS giỏi, HS năng khiếu do cấp trên tổ chức vì nhà trường không đủ kinh phí cho các hoạt động này. Và cuối năm tài chính nguồn kinh phí được Nhà nước cấp cho đơn vị để chi các hoạt động thường xuyên còn lại là con số 0, dẫn đến nguồn tiết kiệm để chi cải thiện cho giáo viên cuối năm rất thấp hoặc không có. Đây cũng là điều khiến Hiệu trưởng dễ bị so sánh với đơn vị trường khác.

Việc Hiệu trưởng nọ không thu các quỹ trên, theo thiển ý của người viết có thể vì các lý do sau: Thứ nhất, nếu thu mà sử dụng nguồn kinh phí đó không đúng sẽ dễ bị dư luận lên án, có khi bị kỷ luật nên Hiệu trưởng cảm thấy nhọc sức, lao tâm. Thứ hai, có khi đây là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Bởi, nếu không thu Quỹ CMHS đóng góp thì Hiệu trưởng giảm bớt được việc và rất khỏe, khỏi lo suy nghĩ, khỏi làm kế hoạch, không tốn thời gian, công sức, tâm trí cho việc họp hành, thảo luận bàn bạc về việc thu tiền; lại được tiếng “tâm sáng”, nhất là không bị tập thể nhà trường cũng như xã hội “dòm ngó”. Và chắc chắn sẽ có nhiều người khen…

Cho rằng, Điều lệ Ban đại diện CMHS ban hành kèm theo Thông tư 55/2011 đã quy định rất rõ về kinh phí hoạt động, quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS. Do đó, các nhà trường cần thực hiện nghiêm túc các quy định nói trên. Tuy nhiên, quy định của Thông tư 15 đã hoàn hảo chưa? hay có một số nội dung chưa phù hợp nên việc thu chi Quỹ Ban Đại diện CMHS ở hầu hết các trường đều chi sai. Chỉ có không thu mới đúng. Đây là điều cần phải xem xét kỹ càng, thấu đáo để có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Lê Văn Huân

(Nguyên chuyên viên Phòng GD-ĐT, nguyên Hiệu trưởng trường THCS)