Báo Công An Đà Nẵng

Không tuyển được học sinh, nhiều trường tư nguy cơ đóng cửa

Thứ tư, 28/09/2016 10:40

(Cadn.com.vn) - Nhiều trường ngoài công lập (trường tư) ở TT-Huế đã xóa sổ và trước nguy cơ đóng cửa vì tuyển không đủ học sinh.

Mỏi mắt chờ học sinh

Khoảng 10 năm trước, do sĩ số học sinh tăng nhanh nên ngoài trường công lập, bán công, một loạt trường tư, dân lập từ TP Huế đến các huyện, thị xã lần lượt ra đời như: Thế hệ Mới, Nguyễn Trãi, Huế Star, Trần Hưng Đạo; Chi Lăng, Phượng Hoàng... Chỉ sau khoảng 3 năm tuyển được học sinh (HS) thì khoảng 5 năm trở lại đây, các trường tư gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Theo một giáo viên trường tư, nguyên nhân dẫn đến loại hình này không tuyển được HS là do trường công phát triển nhanh; trong khi đó, HS, phụ huynh không mặn mà với trường tư là do thói quen học trường công và niềm tin vào trường công trong cộng đồng cao. Ngoài ra, do học phí trường tư cao hơn mặt bằng kinh tế chung...

Dù cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khang trang nhưng năm nay, Trường Phổ thông Huế Star cũng chỉ tuyển được hơn 20% chỉ tiêu. 

Theo Sở GD-ĐT tỉnh TT- Huế, những năm gần đây, số lượng tuyển sinh trường ngoài công lập cứ “tụt dốc không phanh”, năm sau giảm nhiều hơn so với năm trước. Trong năm học 2016-2017, mặc dù cơ sở vật chất được đầu tư rất tốt, nhưng  tất cả các trường tư (trừ mầm non) trên địa bàn tỉnh đều tuyển không đủ chỉ tiêu đề ra; thậm chí, chỉ tuyển chưa bằng 1/3 chỉ tiêu đăng ký với Sở GD-ĐT.

Trường Phổ thông Huế Star với một hệ thống giáo dục quốc tế có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại nhất, nhì ở Huế cũng đang “thoi thóp” vì không tuyển đủ HS. Trường Huế Star (H. Phú Vang) chỉ tuyển được 13/60 chỉ tiêu HS vào khối lớp 10. Trường Chi Lăng (TP Huế) tuyển được 43/90 chỉ tiêu THPT. Trường Trần Hưng Đạo (TP Huế) tuyển 20/90 chỉ tiêu... Tương tự, lượng tuyển khối THCS của các trường tư thục cũng hết sức nghèo nàn. Trường Huế Star chỉ tuyển được 13/40 chỉ tiêu vào lớp 6. Bước vào năm học mới này, 2 bậc đào tạo tiểu học và THCS của Trường Chi Lăng chỉ còn lại 76 HS, trong đó có 42 em khối tiểu học.

Theo ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế, khó khăn về tuyển sinh của các trường ngoài công lập ở Huế đã nảy sinh từ những năm trước. Ông Hùng cho biết, mặc dù Sở GD-ĐT đã bình đẳng hóa trong việc tạo cơ hội tuyển sinh cho cả trường tư lẫn trường công, nhưng trường phổ thông ngoài công lập vẫn cứ gặp khó khăn, hụt hơi về tuyển sinh so với trường công và đứng trước nhiều nguy cơ. Nguyên nhân chính do tâm lý phụ huynh vẫn muốn con em học trường công hơn, mặt khác là điều kiện kinh tế gia đình không đủ trang trải cho việc học trường tư. Bên cạnh đó là “thương hiệu” trường tư tại Huế chưa đủ mạnh để thu hút người học như tại nhiều tỉnh, thành khác.

Nhiều năm liền, Trường tư thục THPT Trần Hưng Đạo tuyển không đủ học sinh.

Nguy cơ giải tán

Tại Trường Chi Lăng, các khối lớp tiểu học và THCS chỉ với tổng số vỏn vẹn 76 HS đang được bàn cách chuyển về cho các trường công lập tại Huế, do không đủ sức duy trì khi người học quá ít. “Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo trường Chi Lăng phải trực tiếp liên hệ với hiệu trưởng các trường công lập, căn cứ đăng ký của phụ huynh để chuyển giao HS, trên tinh thần đồng ý của UBND TP Huế. Đến nay, khối tiểu học đã chuyển giao xong, THCS cũng sẽ hoàn thành chuyển về trường công trong tháng 9 này”, ông Hùng cho biết. Như vậy, Trường Chi Lăng hiện chỉ còn lại khối lớp THPT.

Còn tại Trường THPT tư thục Thế Hệ Mới (H. Phú Lộc), bước vào năm học mới này, đơn vị tiếp tục ngừng tuyển sinh, khối lớp cuối cùng của trường (chỉ với 11 em HS lớp 12) cũng đã ra trường từ năm học trước. Như vậy, trong 3 năm lại đây, trường Thế Hệ Mới đã ngừng tuyển sinh. Hiện nay, nhà trường đang làm thủ tục để giải thể. Trước đó, được thành lập năm 2007, nhưng sau 6 năm hoạt động, do không cầm cự nỗi nên Trường Nguyễn Trãi (TX Hương Thủy) cũng đã đóng cửa.

Nguyên nhân khiến hệ thống trường tư thục đứng trước nguy cơ xóa sổ là do đầu tư lớn nhưng nguồn thu vào quá thấp,  do đó không đủ kinh phí để tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Về nhân sự, do hoạt động của trường tư bấp bênh nên không những không mời được giáo viên người nước ngoài mà còn không níu giữ được giáo viên giỏi...

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực công tác giáo dục, để vực dậy các trường tư thì các nhà đầu tư cần phải xây dựng một ngôi trường có thương hiệu, đảm bảo chất lượng. Và để trường tư thực sự tồn tại thì nhà đầu tư nên tính toán chuyển sang bậc giáo dục mầm non. Bởi, hiện ở TT-Huế, bậc học mầm non dù có rất nhiều trường công lập song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

H. Lan