Báo Công An Đà Nẵng

Khu kinh tế mở Chu Lai: Hành trình 15 năm (Kỳ 1: Ký ức những ngày đầu)

Thứ bảy, 16/06/2018 22:17

Hành trình phát triển cực kỳ ấn tượng của Quảng Nam trong vòng 20 năm qua, từ một tỉnh nghèo thứ 2 của cả nước đến một địa phương có đóng góp ngân sách cho Trung ương, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng trong chuyến thăm Quảng Nam năm 2001 được ông Lê Tự Đặng lưu giữ.

Đó là KKTM  đầu tiên của cả nước còn vô cùng non trẻ lại được đặt vào một địa phương chỉ vừa mới chia tách tỉnh đã trở thành bài toán khó cho chính quyền lúc bấy giờ và cũng là nỗi niềm băn khoăn của không ít người dân địa phương. 15 năm không phải là một hành trình quá dài, nhưng với tâm thế là một bước đi tiên phong, có quá nhiều câu chuyện để suy ngẫm, quá nhiều bài học để ta phải nhìn nhận ở Khu KTM Chu Lai.

Ngày 10-7-1999, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 232-TB/TW chọn khu vực Chu Lai - Quảng Nam để xây dựng KKTM đầu tiên của cả nước. Đến ngày 27-9-2002, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Thông báo số 79-TB/TW một lần nữa khẳng định chủ trương xây dựng KKTM Chu Lai. Đến năm 2003, KKTM Chu Lai chính thức ra đời. Ngay sau khi được thành lập, Quảng Nam đã tiến hành lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch; tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhân dân vùng dự án; thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu; tổ chức nhiều hoạt động thu hút đầu tư... Từ những việc làm cụ thể đó đã tạo ra được quỹ đất sạch và hệ thống hạ tầng khung cơ bản đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư.

Khác với những dự án được đầu tư xây dựng cần phải tiến hành giải phóng mặt bằng rất tốn kém thì KKTM Chu Lai lúc bấy giờ lại thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn đầu khá nhanh bởi khu vực này toàn cát trắng. Cũng vì đây là khu vực ít dân cư nên để tìm được một nhân chứng cho cuộc đổi thay ở vùng đất này sau 15 năm quả là nan giải.

Nhân dân Núi Thành trong ngày khởi công xây dựng KKTM Chu Lai.

Nhờ sự chỉ dẫn tôi tìm đến nhà ông Phan Văn Hai (67 tuổi, trú thị trấn Núi Thành). Là một trong hơn 50 hộ dân được chuyển đi khi dự án đến ông Hai vẫn còn nhớ rõ sự ngỡ ngàng của ông và gia đình khi biết cái khu đất vốn chỉ trồng được khoai môn của nhà mình sắp trở thành khu kinh tế động lực của tỉnh và cả khu vực miền Trung. Trong suy nghĩ của một “lão nông” lúc bấy giờ, ông chẳng thể nào hiểu được người ta sẽ làm gì với vùng đất đầy khắc nghiệt ấy. “Tôi còn nhớ khi họp dân giải tỏa lúc đó hầu hết mọi người ai cũng đồng ý chuyển đi vì sống ở đây cũng khổ cực quá rồi nên đi được tới đâu đổi đời là đi liền. Riêng gia đình tôi thì sau khi nhận đền bù tôi về nhà con trai ở chứ không cất nhà riêng nữa”.

Một câu chuyện vui mà ông Hai và những người dân thuộc diện di dời ngày ấy vẫn còn nhớ đó là sau khi các ngôi nhà đã được san ủi, đền bù thì cả vùng cát chỉ còn đúng... một cây khế. Kỳ lạ nhất là cây khế ấy lại vô cùng xanh tốt dẫu đất cát nóng rực, thời tiết khắc nghiệt. “Sau này cây khế ấy được bứng đi nơi khác hay chặt bỏ thì tôi không rõ nhưng đúng là sự xanh tốt của cây khế rõ ràng đã chứng minh một điều là mảnh đất này có thể ươm mầm sự sống, đâu đó vẫn còn nguồn lực sinh sôi. Có lẽ Chu Lai phát triển được như ngày hôm nay là nhờ những điều tự nhiên như thế”, ông Hai nói.

Nhớ lại những ngày đầu khi Chu Lai vừa có chủ trương thành lập KKTM,  ông Lê Tự Đặng (cán bộ lão thành cách mạng H. Núi Thành) chia sẻ: “15 năm trước, mặc dù kháng chiến đã lùi xa nhưng Núi Thành khi ấy vẫn còn  chìm trong khó khăn. Khi có thông tin về việc thành lập khu kinh tế mở ở đây cán bộ lão thành cách mạng chúng tôi cũng được lấy ý kiến. Hồi đó dân mình còn nghèo, việc làm không có nghe đến có khu công nghiệp có nhà máy là mừng rồi nhưng bên cạnh cái mừng lại có cái lo khác. Không hạ tầng, không giao thông, không điện nước  thực sự không ai dám mong chờ gì nhiều. Thế nhưng là những người đi ra từ kháng chiến chúng tôi vẫn tin vào sự cân nhắc, chọn lựa của nhà nước”.

Khác với những lão nông như ông Hai thì niềm tin của những cán bộ lão thành như ông Đặng quyết liệt hơn vì ông biết rằng để có quyết định thành lập KKTM là cả một sự quyết tâm của hệ thống chính trị. “Tôi còn nhớ trước khi KKTM được thành lập thì có rất nhiều đoàn chuyên gia đến khảo sát làm việc với địa phương. Không chỉ xem xét khu vực nhà máy mà tại các cảng biển, dân cư quanh vùng cũng được đưa vào sự tính toán trong dự án tổng thể.  Tôi vinh dự được dự cuộc gặp mặt với nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khi ông đến thăm Quảng Nam vào năm 2001. Là nhà văn, nhà báo ông Đằng đã có nhiều kiến nghị đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Thời điểm đó khi nghe ông Đằng nhận định về hướng phát triển của vùng đất Chu Lai tôi như được sáng lòng sáng dạ. Và thực tế ngày nay sự phát triển thần kỳ của Chu Lai đã chứng minh điều đó”, ông Đặng nhớ lại.

Những ký ức về những ngày đầu của Chu Lai không phải chỉ còn trong ký ức của ông Hai, ông Đặng mà với Chu Lai mỗi ngày vẫn đang là một khởi đầu mới. Từ vùng cát trắng Núi Thành, KKTM Chu Lai đã vươn cánh tay mạnh mẽ ra vùng ven biển H. Thăng Bình và cả TP Tam Kỳ. Những dự án liên tiếp nối nhau tạo nên một bản đồ quy hoạch chi tiết, hệ thống  dân cư ven biển Quảng Nam vốn sinh sống manh mún, nhỏ lẻ đang được xếp đặt lại gọn gàng chi tiết hơn trong một quy hoạch tổng thể gần 4.000 tỷ đồng.

Có hơn 18.000 hộ dân với gần 73.000 nhân khẩu của 15 xã thuộc   4 huyện, TP gồm H. Duy Xuyên,       H. Thăng Bình, H. Núi Thành và TP Tam Kỳ sẽ nằm trong cuộc di dời. Và cuộc “thiên di” đó của tỉnh Quảng Nam vẫn đang song hành cùng những bước tiến của KKTM Chu Lai trong một hành trình đầy hứa hẹn phía trước.

(còn nữa)

Phóng sự: ĐỒNG DAO