Báo Công An Đà Nẵng

Khu kinh tế Vân Phong chuẩn bị bứt phá trong giai đoạn mới

Thứ năm, 20/05/2021 20:53

Qua 15 năm hình thành, Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa vẫn chuyển động một cách chậm chạp và khu vực phía Bắc gần như không dịch chuyển; quá ít dự án có quy mô lớn, mang tính động lực cho cả khu phát triển. Tuy nhiên, để Vân Phong "bừng tỉnh" cần phát huy tiềm năng và lợi thế của Khu kinh tế Vân Phong trong giai đoạn mới để từ đó, có những quyết sách phù hợp cho khu kinh tế này.

Khu vực cảng Bắc Vân Phong được tỉnh đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá cho tỉnh.

Tiềm năng vẫn "ngủ yên"

Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25-4-2006, với tổng diện tích khoảng 150.000ha (70.000ha mặt đất và 80.000ha mặt nước), nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 380/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030. Theo đó, khu kinh tế này mang tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. Đồng thời, là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận.

Tuy nhiên, qua 15 năm hình thành, Khu kinh tế Vân Phong vẫn "chuyển động" một cách chậm chạp. Tính đến nay, Khu kinh tế Vân Phong chỉ mới thu hút được 153 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD; trong đó có trên 120 dự án đầu tư trong nước và 30 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đã thực hiện chỉ đạt gần 1,4 tỷ USD. Mặc dù đã có 94 dự án đã đi vào hoạt động, nhưng phần lớn là những dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không lớn. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thừa nhận: "Kết quả thu hút đầu tư của Khu kinh tế Vân Phong còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, nhất là khu vực Bắc Vân Phong. Vì vậy, khu kinh tế chưa phát triển như kỳ vọng là trở thành vùng phát triển kinh tế động lực của địa phương và của vùng như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ".

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn gặp khó khăn, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế. Các thủ tục đầu tư dự án lớn theo quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, môi trường… chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục thẩm định, phê duyệt từ các bộ, ngành mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Bên cạnh đó, do nằm ngoài nhóm 8 khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, nên nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ Trung ương để đầu tư hạ tầng hàng năm cho khu kinh tế còn thấp, chỉ mới đáp ứng một phần các dự án hạ tầng thiết yếu, chưa thể bố trí cho các dự án hạ tầng xã hội… Trong giai đoạn 2016-2020, Khu kinh tế Vân Phong chỉ mới được đầu tư hơn 870 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ yếu tập trung cho các công trình hạ tầng giao thông trục chính đang triển khai dở dang, chứ chưa thể mở rộng hệ thống giao thông nội bộ, cũng như liên kết ra bên ngoài khu kinh tế.

Để Vân Phong "bừng tỉnh"

Đầu năm nay, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết về phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư, tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế động lực của Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ.
Ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, việc đầu tiên mà Khánh Hòa phải làm đó là điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong khu kinh tế để thực hiện công tác kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, Khánh Hòa tập trung nghiên cứu và sớm hoàn thiện đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Phong để trình cấp có thẩm quyền thông qua, tạo cơ sở cho việc triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của khu kinh tế này. 

Đầu tháng 5-2021, dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương về làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khi đề cập đến xu hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong đã nhấn mạnh, trước hết, Khánh Hòa cần bắt nhịp được với xu hướng phát triển mới nhất của các khu kinh tế trên thế giới. Đây phải là một khu kinh tế hiện đại, thông minh, đẳng cấp, bền vững và bao trùm; là nơi phát triển mạnh về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, xây dựng khu kinh tế không chỉ có tác động tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa mà còn phải lan tỏa cho cả các tỉnh khác trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Đồng thời, đây cũng phải là điển hình, hình mẫu về phát triển kinh tế biển. 

Cùng với những dự án có quy mô lớn đang trong giai đoạn đầu triển khai xây dựng, thi công, như nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong, Nhà máy điện Mặt Trời KN Vạn Ninh …, nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất các dự án công nghiệp năng lượng có quy mô khá lớn tại đây. Tỉnh Khánh Hòa đưa ra mục tiêu, trong giai đoạn 2021-2025, phải thu hút tối thiểu nguồn vốn đầu tư mới vào Khu kinh tế Vân Phong đạt 150.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng.

TIÊN MINH