Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn-Nghệ An đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt
Ngày 16-12, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu. Phan Bội Châu (tên thật là Phan Văn San) sinh ngày 26-12-1867 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Đan Nhiệm, nay là xã Xuân Hòa, H. Nam Đàn, Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở một miền quê giàu truyền thống văn hóa và yêu nước. Trong hành trình thực hiện sứ mệnh cứu nước của mình, Phan Bội Châu sớm trở thành một đại biểu sáng giá nhất trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, với hành trình vượt biên giới đến với nhiều khu vực Đông Á và Đông Nam Á, khắc phục mọi giới hạn chật hẹp của địa phương và Quốc gia, để biến lòng yêu nước thành tự tôn dân tộc. Các phong trào yêu nước do Phan Bội Châu phát động như Duy Tân hội, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội... đặc biệt là phong trào Đông Du đã lôi cuốn, hấp dẫn các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên, họ xem cụ Phan như thần tượng, như hình mẫu lý tưởng để phấn đấu. Phan Bội Châu còn là sứ giả văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ thân thiết giữa Phan Bội Châu với những người bạn Nhật Bản, đặc biệt là bác sĩ Asaba Sakirato, trở thành cầu nối giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa hai đất nước, góp phần bồi đắp thêm tình hữu nghị quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu Di tích lưu niệm Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Phan Bội Châu là nhà yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa và tư tưởng lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam, trong hành trình văn hóa dân tộc. Con người ông, lòng nhiệt thành cách mạng của ông, tình yêu quê hương đất nước của ông mãi mãi khắc ghi trong ký ức hàng triệu người dân Việt Nam và trong những trang sử hào hùng của lịch sử, dân tộc. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị, chính quyền và nhân dân Nghệ An tiếp tục giữ gìn thật tốt Khu di tích để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ thu hút, tập hợp, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng của xứ Nghệ; giúp các thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng ghi tạc công lao của tiền nhân, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, nhiều hoạt động như Hội thảo khoa học quốc tế “Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”, triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu, Chương trình nghệ thuật “Những vần thơ dậy sóng” do các nghệ sĩ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ biểu diễn tại lễ kỷ niệm.
Kết thúc buổi lễ, Đoàn đã tổ chức lễ rước Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt về Khu Di tích lưu niệm Nhà chí sĩ yêu nước tại H. Nam Đàn; dâng hương và khởi công xây dựng tượng Cụ Phan Bội Châu ở Khu Di tích lưu niệm tại H. Nam Đàn.
D.Hóa