Báo Công An Đà Nẵng

Khu phố ít ai biết ông là tướng

Thứ bảy, 02/11/2019 17:00

Tháng 3-2010, Thiếu tướng Trần Minh Hùng (1950, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5) chính thức nghỉ hưu sau gần 50 năm quân ngũ. 3 tháng sau, ông tự viết đơn gia nhập Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam với tâm nguyện quỹ thời gian còn lại của cuộc đời có thể tiếp tục góp sức xây dựng cộng đồng, xã hội.

Thiếu tướng Trần Minh Hùng trong một lần viếng hương các anh hùng liệt sĩ.

Về với đời thường, phẩm chất người lính Cụ Hồ trong ông Hùng luôn tỏa sáng với lối sống giản dị, hòa đồng. Chính vì  điều này mà bà con khu phố chỉ biết ông là CCB, là bộ đội nghỉ hưu, chứ ít ai biết ông là vị tướng lẫy lừng trận mạc một thời nay về với đời thường. Khu dân cư ở P. Thạch Thang nơi ông Hùng ở có trên 100 hộ dân với 508 nhân khẩu, trên địa bàn có nhà thờ truyền giáo Cơ đốc, nhìn chung cuộc sống khu dân cư hòa thuận, yên bình. Song, trong từng thời gian, vẫn còn xuất hiện một số tệ nạn xã hội, như: tiêm chích ma túy, cá độ bóng đá, đòi nợ thuê, cơi nới nhà cửa không đúng quy định, lấn chiếm vỉa hè, tai nạn giao thông, trộm cắp vặt...

“Máu nhà binh” trỗi dậy, ông trao đổi với cấp ủy chi bộ, chi hội CCB đến từng nhà dân, cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn xin số điện thoại, rà soát, nắm tình hình từng ngõ phố, kiệt, hẻm xây dựng “ Kế hoạch bảo vệ an ninh-chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu dân cư” như một “ kế hoạch chiến đấu”. Kế hoạch này có "mục tiêu" cần bảo vệ, "điểm đen" cần chú ý, dự kiến tình huống, cách xử trí, ký tín hiệu, phương án hợp đồng đến các hội, đoàn thể và hộ dân cư, đồng thời xin phép thành lập tổ dân phòng thường trực từ 5 đến 7 thành viên. Ông thuyết phục một đơn vị trên địa bàn cho mượn chỗ để  dân phòng trực hằng ngày, xin bàn ghế, giường, tủ , ti vi để anh em nghỉ ngơi, sinh hoạt. Ngoài ra ông còn vận động bà con, đảng viên, hội viên và bản thân ông cùng đóng góp kinh phí để sắm áo quần, trang bị công cụ hỗ trợ  theo đúng quy định.

Nói về những việc mình làm, ông Hùng tâm sự: Đó đều là những phần việc nhỏ nhoi, chẳng đáng gì cả. Là người từng theo quân ngũ, việc cống hiến cho cộng đồng, xã hội khi còn đủ sức khỏe là “nghĩa vụ” phải làm chứ không còn là việc làm tình nguyện nữa rồi. Theo đánh giá của các CCB, ngoài là chỗ dựa khi bàn bạc và thực hiện mọi công việc trong chi bộ, ông Hùng còn có tấm lòng nhân hậu được nhiều người ngưỡng mộ. Có đảng viên nhiều tháng liền không đóng được đảng phí vì quá khó, bệnh tật thường xuyên, có nguy cơ bị xử lý kỷ luật, ông tự nguyện đóng giúp. Trên bàn làm việc, ông để con heo đất, hằng ngày bỏ vào những tờ tiền lẻ, cuối năm gởi cho chi hội CCB nơi mình sinh hoạt có thêm chút tiền chi tiêu; thấy bà con tổ dân phố treo cờ Tổ quốc không cùng kích thước, ông tự bỏ tiền mua cờ về phát đến từng nhà; ở trước nhà, ông còn sắm 3 bình chữa cháy, 3 thang để phòng và chữa cháy cho gia đình, khi cần bà con láng giềng sử dụng. Trước đó, khi về thăm mẹ Trần Thị Thứ, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Toán, đồng đội cũ, ở xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, thấy mẹ ở ngôi nhà xuống cấp, tuềnh toàng, thương cảm, ông Hùng tự đóng góp và vận động anh em được 61 triệu đồng sửa chữa ngay ngôi nhà cho mẹ, phục chế ảnh liệt sĩ Toán đã bị hoen ố, đưa lên bàn thờ đúng ngày 27-7. Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, với việc tiết kiệm chi tiêu, ông đã ủng hộ 200 triệu đồng cho việc nghĩa tình với bà con,  đồng đội.

NGUYỄN PHÁT