Khủng hoảng chính trị bủa vây Thủ tướng Australia
Cho đến ngày 22-8, đã có 10 quan chức trong nội các của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull xin từ chức, dẫn đầu là cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton sau khi nỗ lực lật đổ Thủ tướng Malcolm Turnbull thất bại.
Thủ tướng Malcolm Turnbull đang phải nỗ lực “chiến đấu” để giữ vững quyền lãnh đạo của mình. Ảnh: AFP |
Tưởng rằng đã yên vị với chiếc ghế quyền lực khi “lách qua khe cửa hẹp” sau chiến thắng sát sao 48-35 trước Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng, nhưng không, mọi việc xem ra đang trở nên tồi tệ hơn đối với Thủ tướng Malcolm Turnbull.
10 bộ trưởng xin từ chức
Ông Dutton đã từ chức bộ trưởng sau khi nỗ lực lật đổ Thủ tướng Turnbull thất bại. Hàng loạt nhân vật khác cũng hành động tương tự để ủng hộ ông Dutton.
Cho đến ngày 22-8, đã có 10 quan chức trong nội các của Thủ tướng Turnbull xin từ chức. Bộ trưởng Các dịch vụ Con người Michael Keenan là nhân vật mới nhất xin từ chức. Tuy nhiên, Thủ tướng Turnbull đã bác bỏ đề nghị từ chức của ông Keenan. Trước đó đã có 8 nhân vật xin từ chức. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có Bộ trưởng Peter Dutton và một bộ trưởng khác được Thủ tướng chấp thuận và cử Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison tạm thời đảm nhận vị trí quyền Bộ trưởng Nội vụ.
Nền chính trị Australia - vốn trải qua 6 lãnh đạo khác nhau kể từ năm 2009 - lại chứng kiến khủng hoảng leo thang sau nhiều tuần xuất hiện những đồn đoán về cuộc nổi dậy công khai và uy tín của liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền tiếp tục giảm so với Công đảng đối lập trong các cuộc thăm dò ý kiến. Nhưng hôm 21-8, Thủ tướng Turnbull đã vượt qua được thách thức vị trí lãnh đạo và giữ vững chiếc ghế Thủ tướng. Nhà lãnh đạo của đảng Tự do bảo thủ này đã giành chiến thắng sát sao trước Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng.
Tuy nhiên, thách thức chưa dừng lại ở đó. Một nghị sĩ hôm 22-8 cho biết đang lên kế hoạch thách thức lần 2 đối với Thủ tướng Turnbull, bất chấp kêu gọi đoàn kết của nhà lãnh đạo này.
Do chính sách năng lượng?
Ông Turnbull bị áp lực vì tỷ lệ ủng hộ liên tục xuống thấp kỷ lục cùng với chính sách năng lượng gây tranh cãi.
Hôm 20-8, Thủ tướng Turnbull đã trải qua thời điểm khó khăn khi phải công bố những biện pháp thay đổi chính sách năng lượng nhằm hạ giá điện tiêu dùng cho các hộ gia đình, nhưng lại không nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ trong chính liên đảng cầm quyền. Và Thủ tướng Turnbull đã buộc phải lựa chọn để xua tan đám mây đen u ám này khi quyết định loại bỏ việc cắt giảm khí thải, một phần trong Hiệp định khí hậu Paris.
Và rồi, cuộc khủng hoảng nội các lần này đã gây ra tình trạng hỗn loạn và khó khăn cho ông Turnbull trong việc củng cố vị thế của mình để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm 2019. Tình hình này buộc Thủ tướng Turnbull sẽ sớm phải cải tổ nội các với việc lựa chọn các nghị sĩ khác trong đảng Tự do để thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia không loại trừ khả năng Thủ tướng Turnbull sẽ đối mặt với thách thức tiếp theo từ nội bộ đảng trong tương lai gần. Sự thách thức vị trí lãnh đạo công khai có thể làm phương hại đáng kể những cơ hội của đảng Tự do trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Trong động thái mới nhất của mình, Thủ tướng Turnbull kêu gọi chính phủ đoàn kết, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo. “Đoàn kết, chúng ta sẽ duy trì đà vững mạnh và những thành tựu to lớn mà chính phủ của chúng ta đã đạt được”, Thủ tướng Turnbull nói với phóng viên tại Canberra. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Turnbull xem ra khó có thể nhận được sự ủng hộ lớn trong đảng.
KHẢ ANH