Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng di cư nguy cơ “vượt tầm kiểm soát”

Thứ tư, 09/09/2015 08:13

(Cadn.com.vn) - Đụng độ đã xảy ra tại một số khu vực điểm nóng về người di cư ở các quốc gia Châu Âu, khiến cuộc khủng hoảng di cư đứng trước nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

Áo và Đức ngày 8-9 lên tiếng cảnh báo, họ không thể theo kịp dòng người di cư và cho biết đang phải giảm tốc độ. Mặc dù vậy, Berlin vẫn phát đi tín hiệu vui dành cho người di cư khi tuyên bố có thể tiếp nhận tới 500.000 người tị nạn/năm trong vài năm tới.

BBC dẫn lời Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel hôm 8-9 tuyên bố: “Tôi tin Đức có thể sắp xếp để tiếp nhận khoảng 500.000 người tị nạn (thậm chí có thể hơn) trong vài năm tới”. Ông Gabriel cũng kêu gọi, các nước Châu Âu khác cần “làm nhiều hơn nữa” và đóng góp nghĩa vụ một cách công bằng hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm Châu Âu này. Theo ông, việc Liên minh Châu Âu (EU) chỉ dựa vào một vài nước như Áo, Thụy Điển và Đức là điều không thể chấp nhận.

Cảnh sát Macedonia chặn dòng người tị nạn tràn qua từ Hy Lạp. Ảnh: AP

BÙNG PHÁT ĐỤNG ĐỘ

Khu vực dọc biên giới Hungary-Serbia hiện trở thành điểm nóng mới nhất trong cuộc khủng hoảng này khi người di cư đã đụng độ với cảnh sát.      

Theo CNN, những người di cư ẩu đả với cảnh sát khi bị chặn đường đến một trại quá cảnh gần Roszke, Hungary, nơi họ có thể đăng ký tị nạn và tiếp tục cuộc hành trình đến Tây Âu, chủ yếu là đến Đức. Những chiếc xe buýt chỉ chở một số lượng nhỏ người di cư đến trại, nhưng nhiều người buộc phải chờ đợi ít nhất 3 ngày trong điều kiện không nhận được nhiều hỗ trợ. Một tổ chức phi lợi nhuận Hungary phát bánh quy, trái cây và nước. Một lều y tế cũng được dựng lên nhưng không đủ cung cấp cho người di cư. Cảnh sát ở Hungary phải sử dụng bình xịt hơi cay nhắm vào những người di cư khi họ ào ra khỏi một trung tâm tiếp nhận tại cửa khẩu.

Ở biên giới Macedonia cũng xảy ra xô xát dữ dội giữa cảnh sát  với người di cư sau khi dòng người xin tị nạn ở Châu Âu từ phía Hy Lạp ùa vào lãnh thổ nước này. Hơn 2.000 người xin tị nạn đang ở Hy Lạp đổ dồn về phía cửa khẩu với Macedonia dù giới chức Skopje chỉ cho phép một nhóm nhỏ người di cư được nhập cảnh trong vòng 30 phút. Ước tính, hơn 5.000 người di cư tràn từ Hy Lạp vào Macedonia theo lộ trình mà giới truyền thông gọi là “con đường Balkan”.

Tại các đảo của Hy Lạp, “nội bộ” người di cư cũng bùng phát xung đột khi những người mới tranh giành vé lên tàu với những người cũ.

MỸ BỊ CHỈ TRÍCH

Khi Châu Âu vật lộn với “cơn đại hồng thủy” người tị nạn, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - vẫn im lặng.

Trong những ngày qua, người ta hy vọng, từ những hình ảnh nhói lòng về người di cư và lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng, Mỹ sẽ vào cuộc.  Tuy nhiên, họ vẫn chưa có bất kỳ động thái hay tuyên bố gì về vấn đề này. Hôm 8-9, một phát ngôn viên Nhà Trắng chỉ nói rằng, chính quyền Tổng thống Obama “đang tích cực xem xét hàng loạt các phương pháp để giải quyết tốt hơn cuộc khủng hoảng người tị nạn trên toàn cầu”. “Mỹ có thể và cần phải làm nhiều hơn nữa. Sự im lặng của Nhà Trắng là không thể chấp nhận được”, Michelle Brane – thành viên của Ủy ban về người tị nạn của phụ nữ cho biết.

Kể từ khi bùng nổ nội chiến Syria vào năm 2011, Washington đã chấp nhận 1.500 người tị nạn Syria. Tuy nhiên, con số này là rất nhỏ so với dòng người tị nạn đến Châu Âu. Và vấn đề người tị nạn đang bị lu mờ bởi thực tế chính trị ở Washington. Đảng Cộng hòa – hiện đang kiểm soát Quốc hội – cho rằng, việc cho phép người Syria tị nạn sẽ tạo thành “đường ống dẫn cho những kẻ khủng bố”.

Mối lo ngại khủng bố này càng được củng cố khi Pháp hôm 8-9 cảnh báo, “sẽ rất sai lầm nếu Châu Âu tiếp nhận tất cả số người tị nạn chạy khỏi Syria và Iraq - nơi mà nhóm Hồi giáo cực đoan IS đang hoành hành. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, việc tiếp nhận người tị nạn như thế này chẳng khác nào công nhận IS chiến thắng.

Khả Anh