Khủng hoảng đồng tiền tại Zimbabwe
(Cadn.com.vn) - Từng được biết đến với tỷ lệ siêu lạm phát, Zimbabwe là nơi duy nhất trên thế giới có đến 8 loại tiền tệ được xem như đồng tiền hợp pháp, trong khi không có loại tiền nào trong số này là đồng tiền đô la Zimbabwe. Việc đưa vào sử đụng quá nhiều đồng ngoại tệ dẫn đến nhiều rắc rối cho người dân cũng như các nhà kinh doanh.
Quá rắc rối
Trong 5 năm qua, hầu hết người dân quốc gia Châu Phi này sử dụng đồng USD của Mỹ hoặc đồng rand của Nam Phi. Tuy nhiên, đồng Pula của Botswana hay đồng Bảng Anh cũng được trao đổi. Thậm chí, ngân hàng trung ương nước này cũng cho phép sử dụng AUD của Australia, đồng NDT của Trung Quốc, đồng rupee của Ấn Độ và cả đồng yen của Nhật.
Cho đến thời điểm này, khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng bằng các loại tiền tệ nhưng tiền mặt chưa được lưu thông. “Tôi chắc chắn sẽ có sự nhầm lẫn khi nhiều loại tiền tệ lưu thông cùng một lúc”, Denford Mutashu, Tổng Giám đốc Food World, một chuỗi siêu thị trên toàn quốc, nói.
Hiện nay, hầu hết các cửa hàng ở thủ đô Harare, đều ghi giá lên sản phẩm bằng đồng USD. Tuy nhiên, đồng Rand thường được sử dụng ở Bulawayo, nằm gần biên giới Nam Phi. Tại đây, thu ngân phải kiểm tra tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền mỗi ngày để quy đổi.
Thống đốc ngân hàng trung ương Charity Dhliwayo hy vọng động thái này sẽ mang lại nhiều tiền mặt hơn, trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng thanh khoản khiến một số ngân hàng ngừng cho vay. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, với nhiều loại tiền tệ, việc giao dịch có thể trở nên rắc rối hơn, gây khó khăn cho khách hàng.
Ngân hàng Trung ương cho biết, trong dịp Giáng sinh, khi lượng tiền mặt thiếu hụt nghiêm trọng, tiền giả đã xuất hiện. Do sự phức tạp của hệ thống nhiều loại tiền tệ, tiền giả sẽ dễ dàng tồn tại hơn. Thiếu tiền mặt để trao đổi khiến nhiều cửa hàng ở Zimbabwe giao dịch bằng bánh kẹo, thẻ điện thoại và thậm chí là cả bao cao su. “Nếu điều này làm cho cuộc sống của chúng tôi dễ dàng hơn, chúng tôi đồng ý”, một người mua sắm ở Food World, cho biết.
Tawanda Huruwa, một thợ mỏ, tỏ ra thận trọng về thông tin ông có thể mở tài khoản ngân hàng bằng ngoại tệ của 4 quốc gia khác. “Cá nhân tôi là một nhà kinh doanh, tôi không thoải mái với việc sử dụng nhiều loại tiền tệ. Những gì tôi muốn thấy là ngân hàng sẽ giải quyết việc sử dụng các loại tiền tệ này như thế nào”, Huruwa nói.
Cuthbert, một lái xe taxi 45 tuổi, cho biết thêm: “Tôi thấy rắc rối khi sử dụng nhiều loại tiền tệ. Chúng tôi không biết tỷ giá mọi lúc, mọi nơi”. Còn đồng nghiệp của Cuthbert, Farayi, cảm thấy sự xuất hiện của đồng NDT báo hiệu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế nước này. “Họ đang cố gắng để tiếp cận toàn bộ thị trường Châu Phi”, Faray nhận định.
Hiện có quá nhiều đồng tiền đang được sử dụng tại Zimbabwe. Ảnh: BBC |
Không phải là giải pháp
Theo nhà kinh tế Christopher Mugaga, sự xuất hiện của nhiều đồng tiền mới không phải là giải pháp cho khủng hoảng kinh tế của Zimbabwe, quốc gia hiện có tỷ lệ thất nghiệp kinh niên và sản xuất đang bị thu hẹp.
“Đưa vào sử dụng nhiều loại tiền tệ sẽ không thay đổi được quỹ đạo của nền kinh tế”, ông nói. “Hiện tại, nhiều Cty đang phá sản, tỷ lệ thất nghiệp luôn tăng. Các ngân hàng gần như đóng băng các khoản cho vay. Và rõ ràng, tình trạng này không thể thu hút bất kỳ khoản đầu tư nào”.
Một người mua sắm cao tuổi tại Food World cho biết, bà muốn có đồng đô la Zimbabwe. Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, các đồng minh của Tổng thống Robert Mugabe tỏ ra quan tâm đến vấn đề này, cảnh báo đồng đô la Zimbabwe có thể dẫn đến sự trở lại của siêu lạm phát. Các chính trị gia này cho rằng, tình trạng này sẽ được “chữa khỏi” khi nhiều loại ngoại tệ xuất hiện . Nhưng xem ra, họ đã nhầm.
An Bình
(Theo BBC)