Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng ngoại giao Qatar: Cuộc chiến không hồi kết

Thứ ba, 05/06/2018 13:28

Căng thẳng gay gắt giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh kéo dài suốt một năm qua có khả năng phá hủy hoàn toàn mối quan hệ hòa hảo giữa các quốc gia thuộc thế giới Arab trong khu vực.

Khủng hoảng Qatar đang dần phá vỡ liên minh cũ và khiến Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) trở nên lỗi thời.    Ảnh: AFP

Ngày 5-6-2017, Saudi Arabia cùng các đồng minh là Bahrain, Ai Cập và các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đóng cửa đường hàng không, đường biển đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Qatar. Lý do mà 4 quốc gia láng giềng này đưa ra để trừng phạt là Qatar tài trợ chủ nghĩa khủng bố - cáo buộc mà Doha luôn phủ nhận.

Để chống chọi với sự phong tỏa kinh tế nghiêm ngặt, quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới đã tận dụng những tiềm lực kinh tế vốn có, và tìm kiếm các đối tác cung cấp thực phẩm, mở thêm tuyến hàng hải và cảng biển mới. Qatar đến nay gần như đã hồi phục hoàn toàn và một lần nữa trở lại là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực.

Cơ hội từ khủng hoảng

Mặc dù doanh thu từ dầu giảm, nền kinh tế của Qatar đạt tốc độ tăng trưởng 2,1% năm 2017, và dự kiến sẽ tăng lên 2,6% trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. "Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh chưa có lối thoát đang khiến Qatar chịu nhiều tổn thất về tài chính, tuy nhiên, quốc gia này đã biến nó thành cơ hội mới cho mình", AFP dẫn lời Andreas Krieg, giáo sư trường King's College London (Anh) cho biết.

Sự đa dạng hóa kinh tế đã tạo ra một bước tiến lớn, chẳng hạn như việc mở các tuyến vận tải biển mới kết nối thương mại với một số cảng biển ở Châu Á, Châu Âu và Trung Đông nhằm bù vào các tuyến vận tải bị phong tỏa. Những dự án khổng lồ trị giá hàng tỷ USD nhằm chuẩn bị cho Cúp bóng đá Thế giới (World Cup) 2022 vẫn tiếp tục được thực hiện.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu khí gas hóa lỏng và dầu thô của Doha không bị gián đoạn. Qatar vẫn tiếp tục xuất khẩu khí tự nhiên sang UAE qua đường ống Dolphin. Qatar còn mạnh tay chi hàng chục tỷ USD mua vũ khí hạng nặng từ Mỹ và các quốc gia Châu Âu. Căng thẳng hiện tại đang dần phá vỡ liên minh cũ và khiến Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) trở nên lỗi thời, đẩy Qatar về phía Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Đôi bên đều thiệt

Bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, bất động sản, du lịch và hãng hàng không Qatar Airlines là những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi lệnh cấm.

Hiện tại để tránh không phận của UAE, Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập, Qatar Airlines đã phải thực hiện các chuyến bay dài hơn cũng như mất nhiều chi phí nhiên liệu hơn. Theo ước tính, thiệt hại về doanh thu hàng không là gần 3 tỷ USD, và doanh thu du lịch là 600 triệu USD. Giá thị trường bất động sản giảm 10%.

Không riêng gì Qatar, 4 quốc gia vùng Vịnh trong vòng xoáy cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng ngoại giao. Cụ thể, Dubai thua lỗ hàng tỷ USD do các công ty Qatar rút vốn khỏi quốc gia. Qatar rút hàng trăm triệu USD vốn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản UAE, trong khi đó Saudi Arabia và UAE thất thoát hàng tỷ USD sau khi thực hiện lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm sang Qatar. Các dự án kinh tế đòi hỏi sự phối hợp toàn diện của các thành viên GCC có thể bị trì hoãn tạm thời hoặc vô thời hạn.

Hòa giải, vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù, các biện pháp trừng phạt của các nước vùng Vịnh được các nhà kinh tế Qatar cho là không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột ngoại giao này không có hồi kết, ảnh hưởng tiêu cực sẽ sớm "ăn sâu bám rễ" vào cả 5 quốc gia. Vì vậy, Kuwait và Mỹ đang ra sức làm tốt vai trò trung gian hòa giải mối bất đồng giữa Qatar và liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Vấn đề này sẽ được tiếp tục trình bày tại hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và 6 nước thuộc GCC dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới và hy vọng sự kiện này sẽ là cơ hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng này.

Dù vậy, khủng hoảng được tạo ra từ sự thù địch thì có thể sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí vài thế kỷ để khắc phục. Chỉ có đối thoại mới là giải pháp tối ưu cho cuộc khủng hoảng ngoại giao này nhằm đảm bảo sự đoàn kết và ổn định của khu vực.

TUỆ KHANH (Theo Yahoo News)