Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng Qatar “làm phiền” Châu Á

Thứ bảy, 08/07/2017 10:20

(Cadn.com.vn) - Các nước Châu Á phụ thuộc vào Qatar như một nguồn cung cấp tài nguyên và điểm đến cho lao động xuất khẩu quan trọng.

Cuộc khủng hoảng về số phận của chính phủ Qatar và bán đảo Tây Á mà tiểu vương quốc này nắm quyền kiểm soát đang gây ảnh hưởng trên khắp Châu Á, trọng tâm nhắm đến các Cty có vốn đầu tư ở vương quốc nhỏ bé này. Hệ quả rõ ràng đang được hiển thị trên thị trường chứng khoán khu vực.

Tuy nhiên, thực tế là, cuộc khủng hoảng còn có những tác động sâu rộng hơn nữa.

Tàu vận chuyển khí LNG của Qatar từ cảng Ras Laffan đến Nhật Bản. Ảnh: Ingworldnews

Khí đốt - chứ không phải khủng bố

Hồi đầu tháng 6, các quốc gia Arab “bắt tay” cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Qatar và ban hành lệnh cấm vận đối với Doha. Điều kiện tiên quyết các nước đưa ra là buộc Qatar chấm dứt hỗ trợ cho Hamas và các nhóm Hồi giáo khác.

Quốc gia Châu Á duy nhất tham gia lệnh cấm vận Qatar cho đến nay là Maldives, vốn được cho là đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Chính phủ Maldives cũng lo lắng về sự cực đoan của những người Hồi giáo Maldives. Nước này có số công dân đến Syria và Iraq để chiến đấu cho nhóm IS nhiều hơn bất kỳ nước nào khác khi tính theo mức bình quân đầu người. Tuy nhiên, khí đốt - chứ không phải khủng bố -  mới là mối quan tâm hàng đầu đối với hầu hết các nước Châu Á khi nói đến Qatar.

Qatar là nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, và gần 2/3 lượng hàng xuất khẩu của quốc gia này được xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (thuộc Trung Quốc) và Thái Lan. Riêng Ấn Độ nhập khẩu 65% lượng khí tự nhiên từ Qatar. Điều đáng nói là các hợp đồng như vậy luôn được ký kết lâu dài. Kết quả là, không giống với dầu mỏ, việc tìm ra nguồn cung thay thế sẽ khó khăn cho các nước Châu Á. Bởi thực tế, Qatar sẽ khó có khả năng đáp ứng các hợp đồng này nếu xảy ra chiến tranh toàn diện.

Không thể phủ nhận vai trò của Qatar trong thương mại LNG. Qatar còn giữ vị trí quan trọng trong thị trường helium toàn cầu. Qatar là nhà sản xuất helium lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Hiện nay, trong khi các tàu chở dầu LNG khổng lồ của Qatar tiếp tục đến các nước, xuất khẩu helium của Qatar đã dừng hoàn toàn. Qatar đã chuyển hướng, cắt giảm xuất khẩu helium sang Saudi Arabia để đối phó với chiến dịch phong tỏa từ Riyadh, một quyết định làm tăng nguy cơ khủng hoảng. Trước đây, tất cả các hàng hóa xuất khẩu helium của Qatar được vận chuyển qua Saudi Arabia rồi sau đó đến các cảng khác.

Việc Qatar chấm dứt xuất khẩu helium sẽ có những tác động lan tỏa khắp các nền kinh tế Đông Á. Chỉ riêng Hàn Quốc nhập khẩu 1/3 helium từ Qatar. Iwatani, một Cty Nhật Bản tham gia vào hoạt động buôn bán helium, nói với Reuters rằng, họ chỉ còn lượng helium đủ đáp ứng nhu cầu trong 1 tháng. Iwatani đang xem xét các cách mới để nhập khẩu từ Qatar, nhưng cân nhắc về nhiều vấn đề.

Các chuyên gia cảnh báo sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt helium nghiêm trọng trong tháng 7 này. Thật vậy, trước khi Qatar đóng các thiết bị cung cấp helium, nhu cầu toàn cầu về khí đốt này tăng lên 2% mỗi năm. Ngay cả khi các nước tìm được nguồn cung mới, tác động sẽ vẫn còn rất lớn. Việc tìm kiếm các nhà cung cấp helium thay thế có thể có lợi cho Mỹ.

Khó khăn cho việc xuất khẩu lao động

Đối với các quốc gia Châu Á khác, cuộc khủng hoảng ở Qatar còn khiến họ thật sự lúng túng ở một vấn đề khác: xuất khẩu lao động.

Qatar chính là điểm đến quan trọng cho xuất khẩu lao động trong nhiều thập kỷ của các nước Châu Á. Cả Qatar và các quốc gia Arab xung quanh là điểm đến chính cho lao động xa xứ Nam Á. Thực tế, các công dân Nam Á là nhóm người nước ngoài lớn nhất làm việc ở các quốc gia Vùng Vịnh. Cuộc khủng hoảng chắc chắn tác động đến thị trường lao động. Philippines tạm thời cấm người lao động đến Qatar. Doha cũng tìm cách ngăn cản các công nhân nước ngoài trong các ngành công nghiệp quan trọng rời khỏi nước này trong thời gian cấm vận.

Khủng hoảng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Các nước Arab thậm chí còn cảnh báo sẽ mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào Qatar. Điều đó sẽ làm tổn hại đến khả năng của Qatar trong việc hoàn thành cơ sở hạ tầng cần thiết để tổ chức World Cup 2022. Tuy nhiên, điều đáng mừng là, giới chuyên gia nhận định, có vẻ như cuộc khủng hoảng Qatar khó có thể dẫn đến xung đột.

KHẢ ANH